85 năm qua, từ khi có Đảng lãnh đạo, giai cấp nông dân luôn kề vai sát cánh, gắn bó máu thịt với giai cấp công nhân, trở thành động lực của cách mạng vô sản. Trong sự nghiệp đổi mới, các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước luôn xuất phát từ quyền lợi của nông dân; phát huy vai trò làm chủ của nông dân khi giải quyết các vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Hội nghị Trung ương 7 (khóa X) đã ban hành Nghị quyết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng tiếp tục xác định rõ phương hướng: “Xây dựng, phát huy vai trò của giai cấp nông dân, chủ thể của quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn”… Đường lối đổi mới đúng đắn, sáng tạo của Đảng đã tạo ra bước đột phá mới, phát triển nông nghiệp toàn diện, hiệu quả, bền vững theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đảng và Nhà nước khuyến khích tập trung ruộng đất, áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ, mở rộng xuất khẩu; xây dựng nông thôn mới theo hướng văn minh, giàu đẹp, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nông dân; phát triển sản xuất nông nghiệp là nền tảng của chủ trương xây dựng và phát huy vai trò của giai cấp nông dân.
Ngày nay, giai cấp nông dân đang là chủ thể của nông thôn, hạt nhân xây dựng nông thôn mới. Trong thời gian tới, chương trình “tam nông” cần được triển khai trên tất cả các mặt: đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng nông thôn mới, tạo ra thiết chế pháp lý và trách nhiệm của cộng đồng đối với nông thôn; cần có chính sách cụ thể nhằm ưu đãi, thu hút lao động trình độ cao về các địa phương... Giai cấp nông dân là nhóm dân cư đông nhất ở nước ta hiện nay, cùng với giai cấp công nhân và đội ngũ trí thức sẽ kết thành một khối thống nhất, là động lực của cách mạng Việt Nam trong thời kỳ mới.