Trong các kiến nghị về ứng xử với bãi biển của các cơ quan này cũng đã lưu ý đến quyền lợi của ngư dân.
Tăng diện tích công cộng
Theo Sở Tài nguyên - Môi trường (TNMT) tỉnh Thừa Thiên - Huế, trên địa bàn 28 tỉnh, thành ven biển, nhất là các tỉnh, thành khu vực miền Trung, đã và đang xảy ra tình trạng các resort, khu du lịch được xây dựng sát nhau khiến người dân bị bít hết đường ra biển, không có bãi tắm công cộng.
Từ khi khu resort Ana Mandara Nha Trang “mọc lên”, người dân không dám đến bãi biển trước khu resort này tắm vì bị xua đuổi. |
Tại Thừa Thiên - Huế, mặc dù tình trạng trên chưa thực sự gay gắt nhưng để không rơi vào cảnh “nước đến chân mới nhảy”, Sở TNMT đã xây dựng Dự án “Quy hoạch phân vùng sử dụng đất bãi tắm, điểm vui chơi giải trí cộng đồng bền vững vùng ven biển đến năm 2025”.
Theo đó, sẽ hạn chế giao đất bãi biển cho các resort, tăng diện tích công cộng, đảm bảo nhu cầu giải trí cho cộng đồng dân cư địa phương, giảm bớt căng thẳng của việc thiếu hụt khu vui chơi giải trí công cộng ven biển.
Hiện Sở TNMT tỉnh Thừa Thiên - Huế đang phối hợp với đơn vị tư vấn và 20 xã ven biển thuộc 5 huyện, thị xã tiến hành khảo sát hiện trạng, thu thập thông tin và cập nhật số liệu phục vụ công tác quản lý và sử dụng đất vùng ven bờ biển.
Trọng tâm là quy hoạch phân vùng sử dụng đất các bãi tắm, điểm vui chơi giải trí cộng đồng bền vững vùng ven biển đến năm 2020 và có xét đến định hướng hệ thống hạ tầng kỹ thuật hỗ trợ cho bãi tắm, bãi neo đậu thuyền và khu vui chơi giải trí cộng đồng đảm bảo sự kết nối hợp lý và hiệu quả.
Ngoài 8 bãi tắm công cộng đang hoạt động, sẽ quy hoạch thêm 19 bãi tắm khác trên địa bàn. Ngoài ra, tỉnh cũng sẽ quy hoạch 18 điểm vui chơi cộng đồng gần các bãi tắm để phục vụ cho hoạt động vui chơi giải trí của người dân.
Trao đổi với phóng viên NTNN, ông Nguyễn Văn Ngọc - Phó Giám đốc Sở TNMT tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết: “Dự án tạo điều kiện cho người dân địa phương và du khách nếu không có nhu cầu vào các khu resort thì họ vẫn được đi xuống vùng biển để tắm, nghỉ dưỡng và tham gia các hoạt động vui chơi công cộng gắn liền với bãi tắm. Đây cũng là cơ sở để buộc các dự án du lịch mới được cấp phép khi xây dựng phải dành đường xuống biển cho người dân, không được xây dựng 2-3 dự án san sát nhau”.
Theo ông Ngọc, ngoài làm cơ sở cho việc cấp phép các dự án du lịch ven biển sau này, dự án của Sở sẽ khắc phục hiện tượng các dự án du lịch hiện nay đã bịt đường ra biển của ngư dân. Vì trong quá trình triển khai, nếu thấy dự án du lịch nào đã xây dựng mà bịt đường ra biển của dân thì Sở sẽ đề xuất tỉnh buộc chủ đầu tư dành 5-7m, thậm chí 15-20m một bên để làm đường đi ra biển cho người dân.
Cũng theo ông Ngọc, tại vùng bờ biển Lăng Cô, do các dự án du lịch được Ban quản lý Khu kinh tế Chân Mây –Lăng Cô cấp phép nên dự án quy hoạch của Sở không thực hiện tại đây. Tuy nhiên, Sở sẽ tùy thuộc vào tình hình thực tế và nhu cầu của người dân nơi đây để can thiệp, giải quyết tình trạng các dự án du lịch bịt đường ra biển...
Không che chắn bãi biển
Tại Khánh Hòa, lâu nay, tình trạng phân lô cát cứ, che chắn bờ biển để kinh doanh du lịch đã diễn ra khá phổ biến dọc đường biển Nha Trang.
Gây bức xúc nhất cho cư dân là Resort Ana Mandra Nha Trang, rộng 26.000m2, ở bờ biển đường Trần Phú, chiếm và che chắn tầm nhìn gần nửa cây số bờ biển Nha Trang ở vị trí thuận tiện nhất, trung tâm nhất và đẹp nhất.
Bắt đầu đón khách từ năm 1997, toàn bộ phần bãi biển phía trước resort đã bị chiếm sử dụng riêng. Không dùng hàng rào nhưng resot này đã cắm cờ nheo dọc ranh giới bờ biển và bố trí bảo vệ trực 24/24 giờ để ngăn người ngoài đi vào khu vực bờ biển này. Cũng vì vậy mà lối đi bộ công cộng được thành phố đầu tư xây dựng dọc bờ biển đường Trần Phú cũng bị khu resort này chiếm làm “của riêng” cho khách của họ.
Ông Nguyễn Văn Ngọc - Phó Giám đốc Sở TNMT tỉnh Thừa Thiên - Huế
Ngoài ra, hiện bờ biển Nha Trang còn bị chắn bởi nhiều công trình khác, như Công viên Phù Đổng, Sailing Club, nhà hàng bia tươi La Louisiane, nhà hàng Bốn mùa, cửa hàng Mỹ nghệ…
Mới đây, UBND tỉnh Khánh Hòa còn giao một số khu đất dọc bờ biển phía bên kia cầu Trần Phú cho Công ty Yến sào Khánh Hòa làm Công viên Yến Sào, cho Công ty cổ phần Hòn Tằm làm khu vui chơi phục vụ dịch vụ khinh khí cầu và một số nhà hàng ăn uống khác…
Nhận ra việc bờ biển bị che chắn, “chiếm đoạt” như vậy, mới đây, trong đề án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP.Nha Trang đến năm 2025, chủ trương của tỉnh Khánh Hòa là tháo dỡ hoàn toàn các resort, địa điểm kinh doanh đang “trấn giữ” phía đông dọc bờ biển Nha Trang.
Đường Trần Phú dài khoảng 7km, từ xóm Cồn đến cảng Cầu Đá là đoạn đường đẹp nhất của Nha Trang, sẽ chỉ ưu tiên quy hoạch là dải công viên cây xanh, quảng trường, bãi tắm công cộng và là trục cảnh quan ven biển của thành phố.
Dù viễn cảnh đẹp này còn trông chờ vào tương lai nhưng dù sao việc hạn chế việc “chiếm dụng” không gian bờ biển của các cơ sở dịch vụ, du lịch của tỉnh Khánh Hòa cũng làm “mát lòng” cư dân địa phương.
(Còn nữa)
An Sơn - Mai Khu
Theo danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn