Theo kế hoạch triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của TP Hà Nội đến năm 2020, Hà Nội sẽ phát triển, nâng cấp, hoàn thiện và tổ chức đánh giá xếp hạng sản phẩm từ 800 đến 1.000 sản phẩm, trong đó, có từ 500 sản phẩm tham gia được đánh giá và xếp hạng sản phẩm cấp thành phố, 100 sản phẩm được đánh giá và xếp hạng sản phẩm cấp quốc gia.
Được coi là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, trọng tâm của Chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện. Triển khai chương trình OCOP, Hà Nội đặt mục tiêu sẽ tiêu chuẩn hóa ít nhất 50% sản phẩm làng nghề, nông nghiệp hiện có; đồng thời củng cố, hoàn thiện tổ chức sản xuất theo hướng liên kết giữa hộ sản xuất với hợp tác xã và doanh nghiệp; triển khai thực hiện từ 10 đến 20 làng văn hóa, làng nghề du lịch...để phát triển nhóm sản phẩm cấp xã, huyện; đồng thời, đưa nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững.
Đã có 6 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
Theo báo cáo mới nhất của Sở NN&PTNT Hà Nội, đến nay, thành phố Hà Nội có 6 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, có 325 xã (chiếm 84,2% tổng số xã trên địa bàn Thành phố) đạt chuẩn nông thôn mới, về đích trước 2 năm so với kế hoạch đề ra và có 3 xã (Đan Phượng, Song Phượng, Liên Trung) huyện Đan Phượng đã được UBND Thành phố công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2018.
Hà Nội cũng đã tổ chức thẩm định, chấm điểm các tiêu chí xã nông thôn mới năm 2019 đối với 31 xã của 9 huyện và 08 xã nông thôn mới nâng cao năm 2019 của 3 huyện trên địa bàn Thành phố; tổng hợp, hoàn thiện hồ sơ trình Hội đồng thẩm định, đánh giá xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao xét, duyệt.
Theo Minh Anh/thanglong.chinhphu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn