Theo số liệu báo cáo tổng hợp từ các địa phương, đến nay toàn tỉnh có 11.757 mô hình sản xuất đang hoạt động. Các mô hình tập trung nhiều ở Hương Khê, Hương Sơn, Vũ Quang, Cẩm Xuyên, Thạch Hà. Trong các mô hình này có 413 mô hình liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị, 84 mô hình sản xuất do doanh nghiệp sản xuất trực tiếp, 1.096 do HTX và THT sản xuất, còn lại là mô hình quy mô hộ.
Các mô hình trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản bước đầu đạt được hiệu quả kinh tế nhất định, đặc biệt đã làm thay đổi nhận thức của người dân về sản xuất theo hướng hiện đại, sản xuất theo chuỗi, liên kết, quy mô lớn.
Giám đốc Sở NN & PTNT Nguyễn Văn Việt: Cần tiếp tục khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của các loại hình kinh tế hợp tác (HTX, THT).
Tuy nhiên, nhìn chung việc phát triển các mô hình sản xuất đang gặp một số khó khăn, hạn chế. Mặc dù có sự hỗ trợ mạnh của các chính sách, số lượng tăng nhưng mô hình quy mô lớn chưa nhiều, việc liên kết gặp nhiều khó khăn, phát triển chưa đa dạng. Giá trị gia tăng trong chăn nuôi thấp. Trong liên kết từng khâu, chủ yếu là khâu dịch vụ đầu vào còn đầu ra vẫn đang phụ thuộc lớn vào thị trường, thiếu tính bền vững.
Chủ tịch UBND huyện Vũ Quang Trịnh Văn Ngọc: Vũ Quang có lợi thế vùng đồi núi, thuận lợi cho phát triển các mô hình trang trại trồng cây ăn quả, chăn nuôi. Huyện đã tập trung chỉ đạo và có cơ chế khuyến khích phát triển loại mô hình này.
Hiệu quả hoạt động các HTX, THT còn thấp, chưa thể hiện rõ nét vai trò hỗ trợ phát triển kinh tế hộ. Doanh nghiệp đầu tư vào mô hình và tổ chức liên kết sản xuất còn thấp (chiếm 0,69%), chưa thể hiện vai trò đầu kéo. Quy trình canh tác chủ yếu vẫn theo hình thức truyền thống, người dân chưa quan tâm nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu sản phẩm…
Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà Nguyễn Minh Tân: Sản xuất rau chuyên canh, quy mô lớn sẽ rất khó trong việc kiểm soát sâu bệnh
Tại cuộc họp, đại biểu đã thảo luận đưa ra các giải pháp nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế, đưa nền sản xuất nông nghiệp tỉnh nhà ngày càng phát triển. Theo đó, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách của Trung ương, địa phương về xây dựng mô hình phát triển sản xuất, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM; tăng cường vai trò quản lý nhà nước về vật tư đầu vào và an toàn vệ sinh thực phẩm đầu ra; phát triển sản xuất theo tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương, đặc biệt mô hình sản phẩm chủ lực.
Phát biểu chỉ đạo cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn khẳng định, việc đánh giá sâu hiệu quả các mô hình để làm rõ mô hình nào được, chưa được và có giải pháp khắc phục. Vì vậy, cần tiếp tục điều tra sâu hơn các lĩnh vực, làm rõ những bất cập, vướng mắc, khó khăn trong triển khai, thực hiện.
Về cách làm, ngành nông nghiệp nghiên cứu, xây dựng và ban hành quy chuẩn từng loại mô hình làm căn cứ đánh giá chính xác kết quả và hiệu quả phát triển, từ đó có định hướng chỉ đạo phát triển mô hình trong thời gian tới; tổ chức tổng kết, đánh giá chuyên sâu về hiệu quả từng loại mô hình từ cấp huyện để rút kinh nghiệm trong tổ chức xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ.
Theo: Bá Tân/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn