Theo đó, Chính phủ sẽ hoàn thiện thể chế chính sách khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc đầu tư các khu nông nghiệp công nghệ cao ở tất cả các địa phương trên cả nước, không bắt buộc phải phù hợp với quy hoạch tổng thể khu và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 575/QĐ-TTg ngày 4-5-2015.
Một góc Khu Nông nghiệp công nghệ cao TPHCM. Ảnh: T.L
Thủ tướng giao các bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ được phân công, khẩn trương rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách và xử lý các vướng mắc, khó khăn đối với phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Trong đó, Bộ NN-PTNT hoàn thiện, bổ sung quy hoạch khu nông nghiệp công nghệ cao theo hướng nâng cao hiệu quả, phát triển bền vững, có tính đến khu tổ hợp nông nghiệp công nghệ cao. Các bộ liên quan trình Chính phủ các chính sách ưu đãi, hỗ trợ để áp dụng cho khu tổ hợp nông nghiệp công nghệ cao; xây dựng tiêu chí xác định chương trình, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, danh mục công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp làm căn cứ áp dụng các chính sách, cơ chế ưu đãi, khuyến khích. Đồng thời, tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm việc đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại tỉnh Lâm Đồng để sớm triển khai, nhân rộng tại các địa phương khác.
Về việc giúp doanh nghiệp tích tụ đất để mở rộng sản xuất, Thủ tướng giao Bộ TN-MT sớm trình Chính phủ giải pháp giúp doanh nghiệp nhanh chóng có đất, tích tụ đất để mở rộng sản xuất, sản xuất quy mô lớn có ứng dụng công nghệ cao…, trong đó có giải pháp về thành lập ngân hàng quỹ đất, hình thành thị trường quyền sử dụng đất, góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất.
Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì nghiên cứu trình Thủ tướng các đề án về Quỹ phát triển nông nghiệp công nghệ cao, bảo hiểm nông nghiệp. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng thương mại dành 1 gói tín dụng khoảng 50.000 - 60.000 tỷ đồng bằng nguồn huy động của các ngân hàng thương mại để cho vay hỗ trợ các doanh nghiệp, các dự án sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản phẩm nông nghiệp sạch với điều kiện ưu đãi hơn so với các khoản cho vay thông thường và có nhiều ngân hàng thương mại tham gia (trong đó Ngân hàng NN-PTNT là chủ lực); nghiên cứu việc thế chấp vay vốn bằng tài sản là trang thiết bị, máy móc đã được đầu tư, tài sản hình thành trên đất của các dự án nông nghiệp công nghệ cao.
PHAN THẢO
http://www.sggp.org.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn