Tháng Tư năm 1978, trên 200 hộ dân của 9 xã thuộc huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình vào xây dựng vùng kinh tế mới ở huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương
Đường cấp phố vào xã An Thái
Sau 40 năm, nơi đây từ vùng rừng núi hoang sơ thành địa danh xã An Thái trù phú.
Nơi núi rừng hoang vu
Trong cái nắng hầm hập của những ngày tháng Tư, chúng tôi trở lại vùng đất này nằm cách QL 13 khoảng 18 km.
Bí thư xã An Thái Vũ Văn Chửng mặc dù đang bận túi bụi trước đống giấy tờ chuẩn bị cho Đại hội Đảng bộ xã lần thứ VII nhiệm kỳ 2015-2020 vào giữa tháng 5 tới, nhưng khi nghe chúng tôi hỏi: “Đây là xã ở miền Nam nhưng sao thấy lãnh đạo toàn là người quê Thái Bình?”, ông Bí thư bật dậy cười xòa: “Dân Thái Bình chúng tôi chiếm đến 80% dân số cả xã thì lãnh đạo là người quê hương 5 tấn cũng phải thôi!”.
Ông Chửng kể, vào tháng 4 năm 1978, Nhà nước đưa trên 200 hộ của 9 xã thuộc huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình vào huyện Phú Giáo xây dựng vùng kinh tế mới. Thời điểm đó, Nhà nước phát động khai hoang chia mỗi hộ 1 sào Nam bộ (1.000m2) đất SX, hỗ trợ lương thực 6 tháng, mỗi nhân khẩu được 16 kg lương thực.
Lúc đó đất cỏ tranh dày đặc, chung quanh rừng già, trước là vùng chiến tranh Mỹ càn quét nên bom đạn còn lại rất nhiều, có những cây bị đổ ngã do bom Mỹ to bằng người ôm, nếu đốt có khi kéo dài cả tháng. Ban đầu 200 hộ dân thành lập HTX với tên gọi “Một Tháng Năm” để trồng lúa, mì, đậu... dựa vào nước trời. Tuy nhiên HTX “gõ kẻng đi làm” chừng 2 năm thì giải tán.
“Lúc đó đều khổ chung, ăn cơm còn phải độn nhưng tại đây nhờ thiên nhiên ưu đãi, đất tốt, mưa thuận gió hòa, nước ngầm sinh hoạt không bị ô nhiễm nên người dân nhất quyết bám trụ, ban đầu SX lúa, đậu, mè... sau này chuyển sang trồng điều, mì, cao su đều cho năng suất, hiệu quả cao”, ông Chửng nói.
Đường vào ấp Phú Thịnh 1, một trong 6 ấp của xã đúng như cái tên “Phú Thịnh” được trải nhựa phẳng lì. Hai bên đường vào ấp là những căn nhà cao tầng xen lẫn nhà cấp 4 khang trang, sạch đẹp. Đã từ lâu, các hộ dân Thái Bình ở đây đã biết dựa vào nhau làm ăn phát triển kinh tế, vươn lên giảm nghèo, làm giàu.
Ông Vũ Đình Đậm (SN 1946, ấp Phú Thịnh 1) nằm trong số 200 hộ dân đi kinh tế mới từ 37 năm trước, cho biết, năm 1978 ông cùng vợ và 3 con dắt díu vào đây khai hoang lập nghiệp.
Ông Đậm chỉ vào cái giếng đào sót lại trên lô đất 1 sào dùng để sinh hoạt ăn uống khi mới vào huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương lập nghiệp năm 1978
Lúc đó máy móc không có, chặt cây rừng, cuốc cỏ tranh để khai hoang trồng trọt bằng phương tiện thô sơ.
“Tôi quê ở xã Thụy Phong, huyện Thái Thụy lúc vào đây mới trên 30 tuổi, định cư một thời gian thì đẻ thêm 2 đứa nữa, bây giờ 5 đứa con đã lớn đều có gia đình tách hộ riêng trong xã. Trước đó, cũng nhờ chịu khó làm ăn nên tôi có mười mấy ha cao su, cho mỗi đứa con một ít, mình chỉ giữ lại 430 cây cao su (1 ha) để dưỡng già”, ông Đậm chia sẻ.
Hướng dẫn chúng tôi đi xem lại “chứng tích” là lô đất 1 sào được Nhà nước cấp cho gia đình ông để ở và SX, ông kể: “Tại đây là rừng gỗ nhỏ, sau khi khai hoang tôi trồng mì, điều được mấy chục năm, nay chuyển qua trồng cây cao su được 5 năm tuổi.
Dự kiến năm 2016 sẽ mở miệng cạo, nhưng nếu giá thấp thì tôi gác để đấy, lúc nào giá cao hãy cạo”.
Từ không thành có
Ông Nguyễn Duy Thuận (SN 1964) theo bố mẹ vào Nam vào tuổi 14. Đến nay đã 51 tuổi với “cơ ngơi” đáng kể gồm 1 kho chứa mì lát rộng 200 m2, 16 ha cao su, một dãy phòng trọ gồm 37 phòng tại TX Thuận An, tỉnh Bình Dương.
“Giá cao su từ 900 đồng/độ năm 2011 xuống còn 240 đồng/độ năm 2014 ai mà không sốc, nhưng nếu mình biết tính toán, tiết giảm lại các chi phí trong quá trình SX thì vẫn có lãi tuy không nhiều như những năm trước.
Năm ngoái, thay vì bón phân hóa học, tôi mua phân chuồng, một xe chứa 3 m3 phân giá chừng 40-50 ngàn, 1 sào đất đổ 2- 3 xe, tiết kiệm hơn phân nửa. 1 ha cao su khai thác sau khi trừ chi phí cũng có lãi 30 triệu đồng”, ông Thuận nói.
Đến nay xã An Thái đã đạt được 15/19 tiêu chí và xây dựng 34/39 chỉ tiêu, dự kiến sẽ cơ bản hoàn thành và được công nhận đạt chuẩn NTM vào cuối năm 2015. |
Cùng thời với ông Thuận là ông Phạm Quốc Hữu, theo bố mẹ vào Nam lập nghiệp lúc tuổi 14, nay đã là Chủ tịch UBND xã. Theo ông Hữu, trải qua các năm đầu sau giải phóng người dân Thái Bình vào đây sống trong cảnh đói nghèo, cơ cực, có một số ít không chịu nổi phải quay trở lại quê, nhưng giờ đây hầu hết đều có nhà cửa khang trang, kinh tế ổn định.
Hiện nay toàn xã có trên 1.000 hộ dân, cây trồng chính là cao su với 2.855 ha, trong đó diện tích đang cho thu hoạch là 2.000 ha. Ngoài ra còn có 10 ha tiêu, 14 ha cây ăn trái các loại.
“Từ một vùng rừng núi hoang vu, sau 40 năm giải phóng đã trở thành một vùng đất trù phú cùng nhiều mô hình kinh tế được áp dụng nhằm nâng cao đời sống vật chất cho người dân, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 12-13%/năm.
Năm 2010 thu nhập trung bình chỉ có 14,5 triệu đồng/người/năm, đến cuối năm 2014 là 31 triệu đồng/người/năm, tăng gấp 2 lần (trong khi kế hoạch là 18-20 triệu). Ở xã hiện có 30 chiếc ô tô, cao nhất huyện Phú Giáo”, ông Hữu nhấn mạnh.
Vẫn theo ông Hữu, hằng năm 100% trẻ em trong độ tuổi đều được đến trường, không có học sinh nghỉ, bỏ học; công tác đền ơn đáp nghĩa, chương trình quốc gia giảm nghèo được thực hiện có hiệu quả. Đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới giảm còn 2,27%, tỷ lệ hộ sử dụng điện, nước sạch đạt 100%.
Chia tay cán bộ và người dân Thái Bình “làm chủ” vùng đất An Thái phương Nam, hình ảnh ấn tượng nhất để lại trong chúng tôi là những ánh mắt, những nụ cười phấn khởi của họ, là hình ảnh những ngôi nhà cao tầng khang trang với bạt ngàn diện tích cao su đang bước vào mùa thay lá.
Nguồn: ngngnghiep.vn