Trưởng thôn Nguyễn Văn Xuân tin tưởng, lứa quất năm nay sẽ trúng lớn Cánh cửa thoát nghèo đã mở Những ngày này, nếu ai có dịp đặt chân tới vườn đào, vườn quất tại nhiều thôn, xã trên địa bàn huyện Đông Anh sẽ cảm nhận được sự đổi thay trong tư duy dám nghĩ, dám làm của những người nông dân nơi đây. Dẫn chúng tôi dạo quanh những vườn đào, quất tại địa phương, ông Nguyễn Văn Xuân, trưởng thôn Nghĩa Lại cho biết: Nghĩa Lại là một trong những thôn đầu tiên của Đông Anh bắt tay vào trồng đào nhưng cũng phải đến năm 1998, cây đào mới chính thức "bén duyên” trên mảnh đất Nghĩa Lại. Quất thì muộn hơn, mãi đến năm 2002 mới có người trong thôn về Văn Giang – Hưng Yên học kỹ thuật chăm sóc.
Trường hợp của ông Lê Văn Kỳ cũng vậy, chán cảnh làm thuê, ông trở về Đông Anh quây vùng, đắp đất lập vườn. Nhớ lại thời điểm khởi nghiệp, ông Kỳ cho biết, lúc đó ông cũng như nhiều người phải đối mặt với bao khó khăn. Trong thôn chỉ có vài người trồng đào, khi vườn đào mới hình thành, nhiều hộ chưa kịp quây khoanh vùng liền bị kẻ gian đến phá phách, nhổ bật rễ. Nhiều gia đình chỉ sau một đêm mất cả vườn đào. Hơn nữa, việc đầu tư cần một số vốn lớn. Theo ông Kỳ, muốn có một vườn đào cữ độ một sào Bắc bộ (360m2) cũng phải đầu tư khoảng 30 – 35 triệu đồng. Ở thời điểm đó, Ngân hàng NN&PTNT đóng trên địa bàn huyện cũng chỉ cho mỗi hộ gia đình tham gia chuyển đổi cây trồng vay không quá 10 triệu đồng. Khó khăn chồng chất, nhưng với bản tính cần cù, chịu thương, chịu khó, mảnh đất và vườn cây không phụ người chăm bón. Hiện ông Kỳ đang sở hữu một vườn đào vài trăm gốc. Nông thôn mới bền vững Theo nhận định của người dân địa phương, từ khi chuyển sang trồng đào, quất, nhiều gia đình đã thực sự đổi đời. Trưởng thôn Lê Văn Xuân tự hào nói, từ ngày trồng đào, quất, thôn đã cơ bản xóa xong nhà cấp bốn. Giờ đây, nếu đi dọc dài từ đầu thôn đến cuối xóm nhà nào cũng là nhà cao tầng, hay ít nhất cũng là nhà mái bằng kiên cố. Toàn thôn hiện có 162 hộ với 658 khẩu nhưng tỷ lệ hộ nghèo không quá 2% (theo tiêu chí mới) và những hộ nghèo này chủ yếu nằm trong diện gia đình có người đột xuất mất do tai nạn, người già cô đơn không nơi nương tựa… Khẳng định sự đổi thay trong đời sống gia đình, ông Nguyễn Văn Lợi cho biết thêm: Mỗi năm gia đình ông thu về khoảng 100 triệu đồng. Dự kiến, mùa thu hoạch đào năm nay sẽ thu về khoảng 40 triệu đồng tiền bán hoa. Riêng quất và bưởi Diễn hứa hẹn sẽ trúng lớn… Nói về sự nhanh nhạy trong chuyển đổi cơ cấu, cây trồng trong xây dựng NTM tại địa phương, ông Hoàng Đình Hè - Chủ tịch UBND xã Uy Nỗ đã đưa ra lộ trình cho sự phát triển bền vững tại địa phương. Theo đó, UBND xã Uy Nỗ đã trình UBND huyện Đông Anh về Quy hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đến năm 2020 và đã được UBND huyện phê duyệt. Tính đến nay, UBND xã đã chuyển đổi được 26,55ha đất nông nghiệp chuyển sang trồng hoa, cây cảnh, tạo điều kiện cho người dân nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Trong buổi phát động Toàn dân chung sức xây dựng NTM của huyện Đông Anh, Bí thư Huyện ủy Nguyễn Văn Quang nhận định: Xây dựng NTM là nhiệm vụ trọng tâm của toàn bộ hệ thống chính trị. Trong đó, nguồn lực lớn nhất là trong cộng đồng dân cư, các doanh nghiệp, tổ chức trên địa bàn. Để làm được điều này, công tác tuyên truyền về nội dung, ý nghĩa của xây dựng NTM có vai trò rất quan trọng. Ngoài ra, Đông Anh có nhiều nguồn lực từ đô thị hóa. Do đó, huyện sẽ huy động nguồn kinh phí từ lập dự án, đấu giá đất để tăng nguồn vốn xây dựng NTM. Đến nay 23/23 xã, thị trấn của huyện Đông Anh đã hoàn thành việc phê duyệt đề án xây dựng NTM. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn