Bà Nguyễn Thanh Nhàn - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội phát biểu tại buổi giám sát. Ảnh: Đinh Luyện |
Theo bà Nguyễn Thanh Nhàn, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) TP Hà Nội, Trưởng đoàn kiểm tra, với đối tượng đào tạo là lao động nông thôn, nếu triển khai công tác dạy nghề có hiệu quả sẽ góp phần tích cực giúp bình ổn thị trường lao động, tạo công ăn việc làm cho bà con, giúp giảm nghèo bền vững.
Chính vì vậy, với các lớp đang triển khai công tác đào tạo nghề trên địa bàn Sơn Tây, các lớp đang trong quá trình dự kiến triển khai, quan trọng nhất và phải đặt lên hàng đầu là đào tạo có chất lượng. Báo cáo của Phòng LĐTBXH Sơn Tây cho hay, để tổ chức có hiệu quả công tác đào tạo, năm 2016 đơn vị đã rà soát, thu thập thông tin biến động tại 32.200 hộ dân; tiến hành điều tra nhu cầu lao động tại 205 doanh nghiệp với 629 vị trí cần tuyển dụng.
Lớp đào tạo kỹ thuật trồng rau an toàn thu hút đông đảo học viên là các lao động nông thôn tham gia. Ảnh: Đinh Luyện |
Trên cơ sở này, năm 2016 Sơn Tây đã tổ chức 31 lớp dạy nghề cho 1.081 học viên. Trong số này, 18 lớp với 626 học viên theo học nhóm nghề nông nghiệp. Với nhóm nghề phi nông nghiệp cũng thu hút 13 lớp, với 455 học viên.
Đáng mừng là, số học viên có việc làm sau học nghề đạt tỷ lệ cao, chiếm 83,72%. Thu nhập trung bình mỗi lao động đạt 2-5 triệu đồng/người/tháng. Riêng trong năm 2017, Sơn Tây đã triển khai 4 lớp đào tạo về nông nghiệp với 140 học viên. Với nhóm nghề phi nông nghiệp đang tích cực triển khai mở lớp.
Số học viên có việc làm sau học nghề ở Sơn Tây đạt tỷ lệ cao, chiếm 83,72%. Ảnh: Đinh Luyện |
Qua công tác đánh giá, kiểm tra thực tế, đoàn kiểm tra ghi nhận những nỗ lực của Thị xã Sơn Tây trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Tuy nhiên, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH TP Hà Nội cho rằng, Sơn Tây cần khắc phục những hạn chế như: Số lượng học viên ở các lớp thấp; tính kỷ luật trong các lớp chưa cao… “Thời gian tới, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Sơn Tây cần ràng buộc trách nhiệm các bên. Ràng buộc đầu tiên là người học, tiếp đó là cấp cơ sở tham gia vào dạy nghề và cuối cùng là chính quyền cơ sở.
Riêng với các cấp cơ sở tham gia dạy nghề, sau khi rà soát, nếu cơ sở nào đủ điều kiện, tiêu chuẩn, đủ uy tín thì mới cho phép tham gia. Nếu cơ sở nào đào tạo thiếu hiệu quả, hời hợt trong dạy nghề có thể xem xét cho dừng công tác này. Chúng ta có thể đào tạo ít nhưng chất lượng hơn là đào tạo đủ số lượng nhưng không đạt kết quả” – đại diện đoàn kiểm tra Sở LĐTBXH nhấn mạnh.
Theo Đình Luyện/laodongthudo.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn