UBND tỉnh Lâm Đồng vừa ban hành quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Dâu tây Đà Lạt”.
Theo đó, để được cấp chứng nhận “Dâu tây Đà Lạt”, tổ chức, cá nhân phải có hoạt động sản xuất kinh doanh sản phẩm dâu tây trên địa bàn TP Đà Lạt và vùng phụ cận (các huyện Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Hà); tuân thủ các quy định nghiêm ngặt trong suốt quy trình từ sản xuất đến lưu thông, nhằm đảm bảo sản phẩm có đặc tính, chất lượng.
Dâu tây Đà Lạt được người tiêu dùng ưa chuộng Hiện có 8 sản phẩm được mang nhãn hiệu chứng nhận “Dâu tây Đà Lạt” khi thỏa mãn các đặc tính, hình thái đạt tiêu chuẩn chất lượng VietGAP. Cụ thể, 2 sản phẩm giống dâu tây Mỹ Đá, Mỹ Hương với trái hình tim, thịt đỏ tươi, chiều dài từ 25mm - 30mm, cân nặng từ 10g - 15g, vị chua, thơm và vỏ cứng; 2 sản phẩm giống dâu tây New Zealand và Langbiang 2 với trái hình bầu dục và hình tim dài, đỏ đậm, chiều dài từ 30-35mm, cân nặng 15-20g, vị ngọt, thơm ngon, ít chua; 4 giống còn lại gồm Mara des Bois, Đài Loan, Nhật (Toyohaka), Ssanta (Hàn Quốc) trái có chiều dài từ 25mm - 50mm, cân nặng từ 15g - 20g, trái hình tim, phần đài mỏng, ngắn, trái mềm, thơm ngon, ngọt thanh…
Việc ban hành quy chế sẽ tập hợp được các cá nhân, tổ chức cùng nhau xây dựng, quản lý nhãn hiệu “Dâu tây Đà Lạt” thành thương hiệu có uy tín; góp phần tránh tình trạng dâu tây không rõ xuất xứ trà trộn, đội lốt dâu tây Đà Lạt.
Theo: Đoàn Kiên/sggp.org.vn