Hiện nay, một số công trình thủy lợi ở nông thôn bị đình trệ vì thiếu vốn, theo ông cần phải có giải pháp gì?
Ông Nguyễn Văn Giàu: Vấn đề này Chính phủ (CP) đã chỉ đạo và ngay sau khi thực hiện Nghị quyết 11/CP về ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, Thủ tướng đã chỉ đạo cắt giảm đầu tư công những công trình nào không đem lại hiệu quả thiết thực, chậm phát huy tác dụng và tập trung ưu tiên cho những công trình đảm bảo được nhu cầu an sinh xã hội. Theo đó, các mục tiêu cần ưu tiên nhất là thủy lợi, giao thông, trạm xá, trường học, nước sạch.
Ông Nguyễn Văn Giàu
Tỷ lệ đầu tư công giữa nông thôn và thành thị còn khoảng cách chênh lệnh rất lớn, theo ông có nên rút ngắn lại?
Ông Nguyễn Văn Giàu: Tỷ lệ gia tăng nhanh là đương nhiên. Ví dụ: So sánh 3 năm sau khi thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 - khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (2006-2008) với 3 năm gần đây (2009-2011), tỷ lệ này tăng 1,95 lần. Tôi cho rằng, đây là bước nhảy vọt rất thần kỳ.
Ông đánh giá ra sao về vấn đề tín dụng nông nghiệp, nông thôn tăng?
Ông Nguyễn Văn Giàu: Tín dụng nông nghiệp, nông thôn tăng bình quân mỗi năm 24% là tốt. Nhưng, còn một bộ phận người dân chưa tiếp cận được, đặc biệt là cơ chế đảm bảo tiền vay, thủ tục vay… Đặc biệt là đối với người sản xuất nhỏ lẻ, người nghèo, người dân sinh sống ở miền núi thì phải cân nhắc và nghiên cứu cho phù hợp. Đảm bảo an toàn vốn cho hoạt động tín dụng ngân hàng, chính là an toàn vốn cho người tiếp cận vốn. Chứ không phải nới lỏng, hay giảm bớt các điều kiện tín dụng, để không giải quyết được lợi ích gì cho nền kinh tế và lợi ích cho nông dân, mà còn gây tác hại cho ngành tín dụng.
Vậy, nên sửa đổi theo hướng nào để người nông dân vừa tiếp cận vốn, vẫn đảm bảo an toàn hệ thống tín dụng?
Ông Nguyễn Văn Giàu: Chúng ta có hệ thống chính trị rất tốt, đặc biệt là hoạt động của các tổ chức chính trị xã hội và có thể kết hợp với họ làm rất thành công. Mặc dù không có tiền, nhưng họ tham gia quản lý Nhà nước và chính vì những tổ chức này hoạt động sát với người dân nên họ rất hiểu tâm tư, cách làm ăn và có khả năng hỗ trợ, góp ý những vấn đề làm ăn hiệu quả hơn cho nông dân. Theo tôi, cần phải kết hợp với nhau để thực hiện, chứ không chỉ trông vào việc ngân hàng thay đổi là được.
Đầu tư công là điểm tựa cho người nông dân, trong thời gian tới, đầu tư công cần thay đổi gì để phát huy vai trò?
Ông Nguyễn Văn Giàu: Tôi đồng tình với quan điểm này. Quan trọng là chọn lựa các mục tiêu gì và chúng tôi đã đề xuất tới năm 2015, cơ bản đầu tư cho thủy lợi, đảm bảo đủ nước phục vụ lúa 2 vụ và một số loại cây trồng chính.
Vấn đề quy hoạch sản xuất nông nghiệp sắp tới sẽ như thế nào?
Ông Nguyễn Văn Giàu: Chúng ta phải đợi Quốc hội cho ý kiến có nên xem xét, xác định thêm vấn đề gì nữa không. Nếu Quốc hội đề xuất thêm nội dung, UBTVQH sẽ tiếp thu và tiếp tục bổ sung, sửa đổi nếu cần thiết.
Các dự án thủy điện nhỏ tiêu tốn nhiều rừng nên nhiều ý kiến đề nghị Quốc hội xem xét dừng các dự án này. Theo ông, vấn đề này được giải quyết như thế nào?
Ông Nguyễn Văn Giàu: Phải xem xét tính hài hòa giữa lợi ích kinh tế với bảo vệ môi trường. Làm thế nào để phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, đồng thời đảm bảo môi trường, kể cả môi trường sống và môi trường sinh thái cho tương lai.
Ông đánh giá như thế nào về việc đầu tư cho khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn còn rất ít, không đồng bộ, dẫn đến chất lượng sản phẩm kém?
Ông Nguyễn Văn Giàu: Nguồn lực chúng ta có hạn, mới chỉ đầu tư đáp ứng được 55-60% tổng nhu cầu. Hiện nay, chúng ta đặt vấn đề tập trung đầu tư cho khoa học công nghệ rất nhiều, nhằm hướng tới phát triển bền vững.
Nguồn tinmoi.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn