Ảnh minh họa (Ảnh: BT)
6 tháng đầu năm 2018, các đơn vị ngành nông nghiệp đã kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất 140 cơ sở; phát hiện và xử phạt 102 cơ sở vi phạm về chất lượng vật tư nông nghiệp với tổng số tiền xử phạt hơn 1,8 tỷ đồng. Các tỉnh, thành phố đã kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất 14.259 cơ sở, phát hiện và xử phạt 1.021 cơ sở vi phạm về chất lượng vật tư nông nghiệp.
Về an toàn thực phẩm (ATTP), đã thanh tra theo kế hoạch và đột xuất 21 cơ sở, phát hiện và xử phạt 13 cơ sở vi phạm về chất lượng, ATTP với tổng số tiền xử phạt 283,25 triệu đồng. Các tỉnh, thành phố đã kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất 25.493 cơ sở, phát hiện và xử phạt 1.379 cơ sở vi phạm về chất lượng, ATTP với tổng số tiền xử phạt 6,43 tỷ đồng.
Triển khai kiểm soát tạp chất trong thủy sản, Bộ NN&PTNT đang khẩn trương xây dựng, hoàn thiện để ban hành Thông tư quy định kiểm tra xử lý vi phạm về tạp chất trong tôm và sản phẩm tôm. Đồng thời, Bộ đã tổ chức 2 đoàn kiểm tra đột xuất một số cơ sở sản xuất, kinh doanh tôm. Kết quả phát hiện 2 cơ sở vi phạm và xử phạt vi phạm hành chính 10 triệu đồng đối với 1 cá nhân về hành vi vận chuyển thủy sản có tạp chất.
Trong 6 tháng đầu năm 2018, Bộ đã chỉ đạo, đôn đốc các địa phương nhân rộng các mô hình chuỗi cung ứng nông, lâm, thủy sản an toàn trên toàn quốc, đảm bảo gia tăng cả 3 tiêu chí về số chuỗi, số sản phẩm được kiểm soát an toàn thực phẩm theo chuỗi, số điểm bán sản phẩm để nhằm không những tăng thị phần cung ứng sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng mà còn tăng giá trị sản phẩm và lợi nhuận cho người nông dân, doanh nghiệp tham gia chuỗi. Đến nay đã có 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương triển khai xây dựng và phát triển mô hình chuỗi với 913 chuỗi, 1.407 sản phẩm và 3.162 địa điểm bán sản phẩm đã kiểm soát theo chuỗi.
Bên cạnh những kết quả tích cực, theo Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản, hiện nay, các chính sách pháp luật khuyến khích, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tham gia sản xuất nông nghiệp tốt, bảo đảm an toàn thực phẩm đã được ban hành nhưng chưa đi vào thực tiễn sản xuất, cần được xem xét nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Cùng với đó, công tác tuyên truyền, vận động người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là cơ sở sản xuất kinh doanh nông, lâm, thủy sản nhỏ lẻ tuân thủ quy định đảm bảo ATTP chưa thực sự hiệu quả dẫn đến tỷ lệ mẫu giám sát ATTP tuy đã giảm nhưng còn ở mức cao.
Việc thực thi pháp luật ATTP ở các cấp địa phương còn chưa đạt yêu cầu; nguồn lực ở một số địa phương còn yếu kém, chưa xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm cũng như tạo động lực khuyến khích các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn.
Nhằm triển khai hiệu quả công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản những tháng cuối năm 2018, theo Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản, cần tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, đảm bảo an toàn thực phẩm hài hòa với các chuẩn mực quốc tế và tạo môi trường thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh, liên kết phát triển các chuỗi giá trị nông sản chất lượng cao.
Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh tổ chức sản xuất tập trung các sản phẩm chủ lực quốc gia, sản phẩm chủ lực địa phương theo chuỗi giá trị gắn với ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ và hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến nhằm nâng cao chất lượng, đảm bảo ATTP cho tiêu dùng trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu. Mở rộng, nhân rộng các chuỗi cung ứng thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn gắn với truy xuất nguồn gốc, quảng bá sản phẩm thông qua bao gói, ghi nhãn, dán tem truy xuất điện tử.
Đặc biệt, cung cấp kịp thời, chính xác cho các báo, đài thông tin quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, đảm bảo ATTP nông lâm thủy sản. Tiếp tục phối hợp với các cơ quan báo chí tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật đảm bảo chất lượng vật tư nông nghiệp, ATTP nông, lâm, thủy sản. Truyền thông, quảng bá các địa chỉ sản xuất, kinh doanh nông sản an toàn; cập nhật danh mục chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn, tổ chức các phiên chợ, hội chợ nông sản thực phẩm an toàn...
Cùng với đó, chủ động xử lý các sự cố mất an toàn thực phẩm; kịp thời kiểm tra, xác minh, cung cấp thông tin chính xác cho người tiêu dùng, tránh để người dân thiếu thông tin dẫn đến hiểu lầm, hoang mang. Tiếp tục xử lý rào cản kỹ thuật về vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm duy trì và mở rộng xuất khẩu sản phẩm nông, lâm, thủy sản Việt Nam sang các nước./.
Nguồn: cpv.org
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn