Trong cơ cấu chi NSNN hiện nay, nguồn vốn ngân sách trung ương đóng vai trò rất quan trọng. Đến nay, có 16 tỉnh tự cân đối được ngân sách, như vậy số địa phương còn lại nhận hỗ trợ từ trung ương rất lớn. Đặc biệt nguồn vốn đầu tư hỗ trợ từ ngân sách trung ương cho các tỉnh có vai trò càng quan trọng bởi nếu giải ngân đúng kế hoạch thì nguồn này sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương. Tuy nhiên, qua theo dõi cho thấy kết quả giải ngân nguồn vốn này chưa đồng đều giữa các địa phương.
Theo báo cáo của KBNN, giải ngân 13 tháng năm 2018 vốn ngân sách trung ương hỗ trợ có mục tiêu cho ngân sách địa phương đạt tỷ lệ 83%. Trong đó có những địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 95% kế hoạch vốn năm 2018 như: Hà Nội (100%), Bắc Ninh (100%), Hải Phòng (99,5%), Quảng Ninh (98,6%), Thái Nguyên (98,3%), Sóc Trăng (98,1%), Vĩnh Long (98%), Lâm Đồng (98%), Ninh Thuận (98%). Bên cạnh đó vẫn có những địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp, dưới 70% kế hoạch vốn.
Các nguyên nhân, vướng mắc ảnh hưởng đến kết quả giải ngân nguồn vốn này cũng tương tự như các nguyên nhân chung như: vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng; thủ tục điều chỉnh hạng mục, điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án, điều chỉnh thiết kế bản vẽ thi công và dự toán; do ảnh hưởng của địa hình phức tạp, thời tiết; năng lực của một số nhà thầu còn chưa đảm bảo; các dự án chuyển tiếp đang triển khai thi công chưa nghiệm thu khối lượng hoàn thành để giải ngân thanh toán vốn; thời gian giải ngân vốn được thực hiện trong 02 năm nên năm đầu gây tâm lý ỷ lại cho các chủ đầu tư, nhà thầu…
Thực tế cho thấy, nếu trong quá trình thực hiện, UBND tỉnh chỉ đạo sát sao, quyết liệt thì các địa phương sẽ đạt tỷ lệ giải ngân cao. Chẳng hạn như các tỉnh: Vĩnh Long, Thái Nguyên đã ban hành các chỉ thị về giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công (Chỉ thị số 05/CT-UBND ngày 27/02/2018 của UBND tỉnh Vĩnh Long, 04/CT-UBND ngày 17/4/2018 của UBND tỉnh Thái Nguyên,...).
Năm 2018, Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo để xử lý kịp thời những vướng mắc cho các địa phương nhằm khắc phục tình trạng giải ngân vốn đầu tư công chậm. Bên cạnh đó, từ năm 2018, các Bộ, ngành, địa phương được chủ động xét chuyển vốn kéo dài của năm trước sau khi kết thúc thời gian chỉnh lý quyết toán NSNN, không phải làm thủ tục xét chuyển qua Bộ Kế hoạch và Đầu tư như các năm trước. Với tháo gỡ nêu trên, kế hoạch năm 2018 sẽ không bị gián đoạn khoảng 3 tháng để làm thủ tục xét chuyển, thông báo như quy định cũ.
Vì vậy, cùng với sự quyết liệt của Chính phủ, nguồn vốn ngân sách trung ương hỗ trợ cho các địa phương năm 2018 được kỳ vọng là sẽ giải ngân 100% kế hoạch nếu như có sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của UBND các tỉnh, thành phố trong thời gian tới.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn