Xác định cây ăn quả là một trong những hướng đi quan trọng góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho người nông dân nên từ tháng 3.2012, UBND thành phố đã thông qua Đề án phát triển một số loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao của TP.Hà Nội giai đoạn 2012- 2016.
Cam Canh trồng ở xã Kim An, Thanh Oai, Hà Nội.
Đề án xác định rõ 4 vùng cây ăn quả đặc sản tập trung gồm: Vùng trồng bưởi Diễn tại huyện Chương Mỹ, Mỹ Đức; nhãn chín muộn tại Quốc Oai, Hoài Đức; chuối cấy mô tại huyện Gia Lâm, Đông Anh; cam Canh tại Thanh Oai và Thường Tín.
Hướng đi phù hợp với nền nông nghiệp đô thị Thực hiện đề án này, đến nay, Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội đã xây dựng được 31 mô hình thâm canh, ghép cải tạo cây ăn quả giá trị kinh tế cao tại 21 xã với quy mô 450ha.
Ông Hoàng Thanh Vân - Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội cho biết, trong thời gian tới, Sở sẽ chỉ đạo tiếp tục triển khai hỗ trợ nông dân về giống, phân bón và tập huấn kỹ thuật. Đồng thời, hỗ trợ khuyến khích xây dựng hạ tầng sản xuất, thương hiệu, quảng bá sản phẩm. Đặc biệt, tăng cường công tác quản lý nhà nước trong việc sản xuất, chế biến, kinh doanh các sản phẩm quả, không để tình trạng đưa các loại quả kém chất lượng ra thị trường.
Tuy nhiên, theo Sở NNPTNT Hà Nội, việc triển khai đề án cũng gặp những khó khăn như diện tích trồng cây ăn quả còn manh mún, nhỏ lẻ, chủ yếu theo hướng tự phát, trong khi chất lượng cây giống chưa bảo đảm nên sản phẩm quả không đồng đều về hình dạng, màu sắc và kích thước.
Thực tế, hiện nay, sản xuất quả tươi của thành phố mới đáp ứng 21,4% nhu cầu tiêu dùng toàn thành phố, còn lại phải nhập từ các tỉnh và nhập khẩu. Ngoài ra, các loại quả sản xuất trên địa bàn Hà Nội chủ yếu bán tươi, ít sơ chế nên chất lượng quả chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường.
Góp phần xây dựng nông thôn mới Triển khai đề án này, thành phố đặt mục tiêu xây dựng vườn cây ăn quả đầu dòng với quy mô sản xuất 150.000 cây giống chất lượng cao/năm, trồng trình diễn một số giống cây ăn quả đặc sản và nâng cao công tác bảo quản, đóng gói, xây dựng thương hiệu cây ăn quả thủ đô... Một trong những vấn đề quan trọng nhất của đề án là đào tạo, tập huấn nông dân, nhằm thay đổi nhận thức của bà con.
Theo mục tiêu của đề án đến năm 2016, dự kiến đạt 15.500ha đất trồng cây ăn quả. Phấn đấu tăng năng suất cây ăn quả tăng thêm từ 7 - 10%, đến năm 2016 sản lượng quả đạt 280.000 tấn, giá trị sản xuất tăng 30%, trong đó cây ăn quả có giá trị kinh tế cao đạt 250 - 300 triệu đồng/ha (giá trị sản xuất trồng trọt bình quân là 102 triệu đồng/ha).
Đặc biệt, đề án phát triển cây ăn quả trên toàn thành phố nhằm xây dựng những vùng cây ăn quả có năng suất, chất lượng cao để nâng cao thu nhập cho nông dân, góp phần xây dựng nông thôn mới.