Trong 2 năm qua, công tác dạy nghề cho lao động nông thôn của huyện Bắc Quang đã có nhiều chuyển biến tích cực, tạo nguồn lực tiếp sức cho quá trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM). Một trong những tiêu chí về XDNTM đối với các tỉnh miền núi và trung du là tỷ lệ lao động trong độ tuổi làm việc thuộc lĩnh vực nông, lâm và thuỷ sản phải đạt dưới 45 % dân số. Để đạt được mục tiêu này, Trung tâm Dạy nghề huyện Bắc Quang đã đa dạng hoá các ngành nghề đào tạo, tăng cường mở các lớp dạy nghề phi nông nghiệp cho lao động nông thôn như điện nông nghiệp, điện dân dụng, kỹ thuật hàn, sửa chữa xe máy, đáp ứng một phần nhu cầu theo học các ngành phi nông nghiệp của lao động nông thôn. Theo kết quả khảo sát của trung tâm, sau khi tốt nghiệp, đã có trên 57% số lao động nông thôn tự tìm được việc làm tại xưởng gò hàn, các hiệu sửa xe; một số lao động sau khi học nghề đã mạnh dạn vay vốn đầu tư cơ sở sản xuất, mang lại nguồn thu nhập cao cho bản thân và tạo việc làm cho các lao động khác. Anh Nguyễn Văn Chung ở thôn Xuân Phú, xã Vĩ Thượng tâm sự: "Sau khi theo học lớp sửa chữa xe máy tại Trung tâm Dạy nghề của huyện, tôi đã xin làm việc và tự học để nâng cao tay nghề tại hiệu sửa chữa xe máy ở thị trấn. Đến nay, tay nghề của tôi đã được nâng cao, thu nhập bình quân 3 - 3,5 triệu đồng/tháng". Để không ngừng nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn, đáp ứng tiêu chí về mức thu nhập của người dân và giảm hộ nghèo trong quá trình XDNTM, Trung tâm Dạy nghề huyện Bắc Quang còn ưu tiên mở các lớp chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong nông nghiệp như gieo trồng và phòng trừ sâu bệnh trên các loại cây lương thực, thực phẩm và cây ăn quả; chăn nuôi và phòng trừ dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm và thuỷ sản. Chị Hoàng Thị Mai ở thôn Yên Thượng, xã Vĩ Thượng tâm sự: "Trước kia, tôi chăm sóc 3ha cam của gia đình theo kinh nghiệm nên năng suất thấp. Sau khi theo học lớp kỹ thuật chăm sóc cây ăn quả của Trung tâm Dạy nghề huyện, tôi đã áp dụng vào chăm sóc vườn cam. Nhờ đó, năng suất và mẫu mã quả của các vườn cam được nâng lên, góp phần nâng cao thu nhập cho gia đình". Ông Kiều Ngọc Lễ, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề huyện cho biết: "Với vai trò là nơi đào tạo nguồn nhân lực có trình độ tay nghề cho các vùng nông thôn của huyện, tạo nguồn lực quan trọng tiếp sức cho quá trình XDNTM, chúng tôi sẽ đa dạng hoá các ngành nghề đào tạo, phù hợp với nhu cầu của thực tế và đòi hỏi của quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp - nông thôn, xứng đáng là nơi đào tạo nghề uy tín cho lao động nông thôn". Phạm Văn Phú Nguồn;kinhtenongthon.com.vn | ||
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn