Trong 5 lớp đào tạo nghề do Hội ND tỉnh Hưng Yên tổ chức năm 2018 có 2 lớp sử dụng kinh phí của T.Ư Hội NDVN; 3 lớp sử dụng kinh phí của tỉnh, mỗi lớp tập trung trong thời gian 6 tuần.
Cán bộ Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân (Hội ND tỉnh Hưng Yên) hướng dẫn nông dân xã Phú Cường sử dụng phân bón đúng cách. Ảnh: Đoàn Hùng
Sau khi đào tạo nghề, Hội đã hỗ trợ bà con xây dựng 5 mô hình thực hành, mỗi mô hình có diện tích 3 sào gồm: Trồng cây có múi (bưởi Đào Chuyên) tại các xã: Phú Cường (TP.Hưng Yên), Nguyễn Trãi, Tiền Phong (huyện Ân Thi); mô hình trồng mít sớm ở xã Tiền Phong; mô hình phối hợp giữa nông dân với Hợp tác xã Hưng Thái trồng: Dưa chuột, bầu, bí ở xã Hiệp Cường (huyện Kim Động).
Cùng với kiến thức được đào tạo, Hội còn tổ chức cho hội viên, nông dân tham quan các mô hình hiệu quả để vận dụng vào thực tế.
Với phương thức “cầm tay chỉ việc”, trong quá trình triển khai mô hình thực hành trồng cây có múi, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh mời ông Đào Văn Chuyên (ở thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm), chủ sở hữu nhãn hiệu “Bưởi Đào Chuyên” cùng theo dõi quá trình sinh trưởng phát triển của cây, cung cấp những kiến thức cơ bản, truyền đạt kinh nghiệm thực tế cho bà con nông dân, đồng thời kịp thời giải đáp những thắc mắc trong quá trình trồng và chăm sóc.
Bà Nguyễn Thị Huệ ở xã Phú Cường (TP.Hưng Yên), cho biết: Trong 6 tuần tham gia lớp đào tạo nghề, chúng tôi được cung cấp những kiến thức cơ bản về kỹ thuật trồng, chăm sóc giống bưởi Đào Chuyên. Sau khi tham gia khóa đào tạo, từ tháng 9/2018 tôi xây dựng mô hình thực hành trên diện tích 3 sào đất của gia đình với 70 gốc bưởi Đào Chuyên. Dự kiến sau 3 năm, vườn bưởi sẽ cho thu hoạch, giá trị kinh tế ước tính cao gấp nhiều lần trồng ngô.
Đối với mô hình phối hợp trồng dưa chuột, bầu, bí ở xã Hiệp Cường, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh tạo điều kiện để bà con phối hợp với Hợp tác xã Hưng Thái về quy trình trồng, chăm sóc và tiêu thụ sản phẩm. Với những kiến thức được học, cùng với sự hướng dẫn trực tiếp của hợp tác xã, bà con sẽ vận dụng sản xuất, tạo ra các sản phẩm bảo đảm chất lượng. Hợp tác xã là nơi bao tiêu sản phẩm ổn định, giúp nông dân yên tâm sản xuất.
Năm 2019, Hội ND tỉnh dự kiến sẽ mở 5 lớp đào tạo nghề cho 220 hội viên, nông dân, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực vào trồng trọt nhằm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả kinh tế.
Theo Đức Hùng-Hoàng Hằng/danviet.vn
http://danviet.vn/nha-nong/day-nghe-cho-nong-dan-gan-voi-ho-tro-xay-dung-mo-hinh-lam-giau-982210.html
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn