Nhiều điểm sáng
Những ngày cuối năm Ất Mùi, về xã Ea Tul, huyện Cư M’gar, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước sự đổi thay của xã vùng sâu này. Là xã có đến 98% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), nằm cách xa trung tâm huyện, 5 năm trước đây, Ea Tul còn thuộc xã vùng 3, giao thông đi lại cách trở, đời sống của nhân dân gặp nhiều khó khăn… Sau 5 năm xây dựng NTM, bộ mặt vùng quê ở Ea Tul hoàn toàn đổi khác, tuyến đường tỉnh nối từ trung tâm huyện vào xã cũng như các đường liên thôn, buôn đều được trải nhựa, thảm bê-tông; lưới điện quốc gia được kéo đến tất cả các thôn, buôn và hộ dân trong xã; các thôn, buôn đều có công trình cấp nước sinh hoạt tập trung; trường học, trạm y tế, nhà sinh hoạt cộng đồng… đều được kiên cố hóa.
Dẫn chúng tôi đi trên con đường bê-tông sạch đẹp chạy giữa các buôn làng truyền thống của đồng bào Ê Đê, Chủ tịch UBND xã Ea Tul Nguyễn Công Văn phấn khởi cho biết: “Là xã vùng sâu, có diện tích tự nhiên 5.600 ha với 2.038 hộ dân sinh sống ở 12 thôn, buôn và làm nông nghiệp là chính. Năm 2010, khi được chọn làm xã điểm xây dựng NTM của tỉnh với lộ trình đến cuối năm 2015 phải đạt xã chuẩn NTM, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã không khỏi lo lắng. Song với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong xã, đến nay Ea Tul đã đạt được 18 trong số 19 tiêu chí NTM, phấn đấu sau Tết Nguyên đán Bính Thân này sẽ đạt chuẩn NTM”. Trong sự nỗ lực chung đó, vai trò của các già làng hết sức quan trọng. Già làng Y Riu Drơng, ở buôn Knia năm nay 73 tuổi, nhưng vẫn luôn dành nhiều thời gian đi nắm tình hình, thăm hỏi, động viên các gia đình trong buôn, trong xã. Khi có chủ trương xây dựng NTM, già làng Y Riu Drơng đã gương mẫu đi đầu góp tiền làm đường giao thông và tích cực tuyên truyền, động viên bà con tham gia. Nhờ đó, từ năm 2011 đến nay, ngoài nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, đồng bào các dân tộc trong xã đóng góp 9,3 tỷ đồng và 12.540 ngày công lao động vào xây dựng đường giao thông, trường học, công trình điện… phục vụ sinh hoạt, sản xuất.
Rời xã Ea Tul, chúng tôi ngược lên xã Hòa Đông, huyện Krông Pác, một trong những xã đạt chuẩn NTM đầu tiên của tỉnh. Đi trên các con đường bê-tông sạch đẹp nối các thôn, buôn với rực rỡ cờ hoa, biểu ngữ chào mừng Đại hội XII của Đảng, ít ai biết rằng khi Chương trình xây dựng NTM triển khai tại đây vào năm 2011, xã chỉ mới đạt bảy trong số 19 tiêu chí về NTM. Một số tiêu chí về hệ thống giáo dục, giao thông nông thôn, tỷ lệ hộ nghèo, thu nhập bình quân của người dân còn rất hạn chế. Vì vậy, ngay trong những ngày đầu thực hiện Chương trình xây dựng NTM, các thôn, buôn trên địa bàn xã đã tổ chức họp dân bầu Ban phát triển cấp thôn, buôn để triển khai các nghị quyết, kế hoạch của xã đến từng người dân bằng nhiều hình thức. Đồng thời, cán bộ, đảng viên luôn đi đầu trong từng việc làm cụ thể để làm gương, từ đó người dân ủng hộ, làm theo. Sau gần 5 năm triển khai thực hiện, đến tháng 6-2015, xã Hòa Đông đã hoàn thành 19 tiêu chí và được công nhận đạt chuẩn NTM. Chủ tịch UBND xã Hòa Đông Nguyễn Đình Vượng chia sẻ: “Để đạt được kết quả đó, điều quan trọng nhất là sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân. Phải lấy người dân làm trung tâm của Chương trình xây dựng NTM thì mới thành công được”.
Không chỉ riêng xã Ea Tul, Hòa Đông mà nhiều xã, huyện ở Đác Lắc cũng có những cách làm hay, sáng tạo, huy động cao nhất nguồn lực trong dân để xây dựng NTM. Điển hình, huyện Krông Pác đã huy động hơn 6.000 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp hơn 460 tỷ đồng, tham gia gần 80 nghìn ngày công lao động, hiến hơn 32.500 m2 đất, phá bỏ 3.360 m tường rào để sửa chữa, làm mới được 367 km đường giao thông các loại, kiên cố hóa 23,6 km và nạo vét hơn 500 km kênh mương; xây dựng 105 km đường điện; xây mới 36 nhà văn hóa thôn; xóa 908 nhà tạm, nâng cấp, xây mới hơn 1.000 nhà ở dân cư… Đến nay, toàn huyện có hai xã đạt chuẩn NTM, năm xã đạt từ 15 đến 18 tiêu chí.
Cần có chính sách đặc thù
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đác Lắc Y Đhăm Ênuôl cho biết: “Khi mới triển khai xây dựng NTM, toàn tỉnh có 152 xã thực hiện chương trình và bình quân mới chỉ đạt 3,3 tiêu chí/xã. Tuy nhiên, sau 5 năm nỗ lực thực hiện chương trình, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân các dân tộc trên địa bàn, toàn tỉnh đã huy động được hơn 37.456 tỷ đồng vào xây dựng NTM, trong đó nhân dân đóng góp được gần 1.000 tỷ đồng tiền mặt, hiến tặng 955.000 m2 đất và tham gia hơn 102 nghìn ngày công lao động để xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu. Đến nay, toàn tỉnh có bảy xã đạt chuẩn NTM, ba xã đang lập hồ sơ công nhận đạt chuẩn, 40 xã đạt 13-18 tiêu chí… Bình quân toàn tỉnh đạt 10,43 tiêu chí/xã, tăng 7,09 tiêu chí so với năm 2011, cao hơn bình quân vùng Tây Nguyên. Điều quan trọng là thông qua Chương trình xây dựng NTM, còn làm thay đổi nhận thức của người dân, từ chỗ ỷ lại, trông chờ vào sự đầu tư của Nhà nước đã chuyển sang chủ động, tích cực tham gia xây dựng NTM. Nhờ đó, cơ sở hạ tầng nông thôn trong tỉnh phát triển mạnh mẽ, làm thay đổi toàn diện bộ mặt vùng nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS.
Chương trình xây dựng NTM ở Đác Lắc đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên là tỉnh miền núi, địa bàn rộng, bình quân diện tích của mỗi xã trên địa bàn tỉnh là hơn 8.300 ha (bình quân diện tích của mỗi xã trong cả nước chỉ là 2.970 ha), địa hình phức tạp, toàn tỉnh hiện còn 44 xã nghèo và 129 thôn, buôn đặc biệt khó khăn. Các xã này có đông đồng bào DTTS sinh sống và nằm ở vùng sâu, vùng xa, dân cư phân tán, cơ sở hạ tầng thiết yếu, nhất là đường giao thông chưa phát triển, đời sống của đồng bào DTTS gặp nhiều khó khăn nên việc huy động sức dân còn nhiều hạn chế. Ở đây, vai trò chủ thể của người nông dân chưa thật sự được phát huy. Nhận thức của một bộ phận cán bộ và nhân dân về xây dựng NTM còn hạn chế, thụ động, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Thêm vào đó, nền kinh tế của tỉnh còn phụ thuộc quá lớn vào khu vực nông nghiệp; phần lớn doanh nghiệp trên địa bàn là doanh nghiệp nhỏ và hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn; huy động vốn đầu tư toàn xã hội đạt thấp… Vì vậy, đến nay tỉnh vẫn còn 34 xã mới đạt từ 10 đến 12 tiêu chí, 62 xã đạt từ năm đến chín tiêu chí, sáu xã đạt ba đến bốn tiêu chí NTM.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đác Lắc Y Dhăm Ênuôl cho biết: Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tăng cường huy động và tập trung các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu như giao thông, thủy lợi, điện, nước sạch, trường học, nhà văn hóa…; trong đó ưu tiên cho các xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân, nhằm đẩy nhanh Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn.Tuy nhiên, bên cạnh nỗ lực của địa phương, rất cần Nhà nước quan tâm đầu tư kịp thời và có những nghiên cứu, điều chỉnh tiêu chí sát thực hơn với những khu vực miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, vùng có đông đồng bào DTTS như ở Đác Lắc, có chính sách đặc thù cho những vùng này. Đối với tỉnh, trong giai đoạn 2016-2020, sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ và cư dân nông thôn, đẩy mạnh phong trào thi đua xây dựng NTM rộng khắp các địa phương trong tỉnh. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách thực hiện Chương trình xây dựng NTM theo hướng xây dựng, ban hành các chính sách đối với các vùng đặc thù, trong đó ưu tiên hỗ trợ đầu tư các công trình trực tiếp phục vụ phát triển sản xuất theo đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Theo: nhandan.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn