Tôm là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực trong nhóm hàng thủy sản.
Đầu xuân Đinh Dậu 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc đối thoại với giới kinh doanh và bà con về con tôm tại thủ phủ Cà Mau. Là người có nhiều năm gắn bó với con tôm ở miền đồng bằng châu thổ Cửu Long, ông Lê Anh Xuân, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty N.G Vietnam, cho biết rất tâm đắc với nhiều nhận định của Thủ tướng, đặc biệt là ý kiến trăn trở việc làm thế nào để Việt Nam trở thành công xưởng sản xuất tôm của thế giới.
VnEconomy xin giới thiệu bài viết của ông Xuân về những kiến nghị “để Việt Nam trở thành công xưởng sản xuất tôm của thế giới”.
Ý nghĩa đằng sau mong muốn của Thủ tướng
Tại hội nghị, Thủ tướng nói rằng “Việt Nam phải trở thành công xưởng sản xuất tôm chất lượng cao của thế giới, sản xuất tôm của Việt Nam phải phấn đấu đóng góp được 10 tỷ USD trước năm 2025 vào GDP Quốc Gia”, theo tôi đó vừa là nhận định đúng về tiềm năng và khai thác cơ hội nguồn lợi tự nhiên riêng có của Việt Nam vừa là ý kiến chỉ đạo về phương thức để tái cơ cấu lại Ngành nông nghiệp và nhiều nghành, lĩnh vực khác.
Hiện nay, tại Cà Mau đã có một số mô hình nuôi tôm siêu thâm canh, sử dụng công nghệ cao, đáp ứng được năng suất nuôi trồng lên tới 120 tấn/ha/năm và sản xuất ổn định trong điều kiện thời tiết bất thuận lợi như năm 2016.
Nếu các mô hình đó được nhân rộng thì chỉ cần 10.000ha nuôi chúng ta đã có thể đạt được sản lượng 1,2 triệu tấn tôm thương phẩm chất lượng cao, tức là gấp đôi sản lượng sản xuất của cả Việt Nam hiện nay (660.000 tấn/năm và sử dụng tới 680.000ha để sản xuất).
Như vậy nếu sắp xếp, cơ cấu lại mô hình tổ chức sản xuất chứ chưa cần mở rộng diện tích sản xuất thì chúng ta cần dưới 30.000ha mặt nước nuôi trồng (tương đương 120.000ha đất – tỷ lệ theo quy hoạch nuôi siêu thâm canh công nghệ cao)(3) trên tổng diện tích 680.000ha hiện nay đã có thể đạt được chỉ tiêu của Chính phủ và Thủ tướng đề ra.
Đó là phương thức trọng yếu để tổ chức lại cách thức và tài nguyên phục vụ sản xuất nông nghiệp, mang lại kết quả đột phá về năng xuất, chất lượng cũng như tiết giảm được chi phí Quốc gia như hạ tầng lưới điện, giao thông, tài chính phải kéo tới các khu vực sản xuất năng suất thấp, manh mún và chất lượng kém như hiện nay.
Một số đề nghị mạnh dạn
Là người có kinh nghiệm thực tiễn trong lĩnh vực sản xuất tôm siêu thâm canh, cá nhân tôi thấy rằng: Xây dựng nghành công nghiệp tôm sẽ giải quyết được 6 nội dung lớn, quy mô rộng của Quốc gia hiện nay.
Một là, phát triển các khu vực có tài nguyên biển nhưng đói nghèo, chậm phát triển hoặc không có điều kiện phát triển lĩnh vực khác.
Hai là, giải quyết việc làm tại chỗ cho một số lượng lớn lao động thiếu việc làm tại các khu vực khó khăn.
Ba là, xây dựng các thương hiệu Quốc gia trên trường Quốc tế.
Bốn là, xây dựng, kiến tạo một nghành/lĩnh vực có đóng góp lớn cho GDP quốc gia.
Năm là, cơ cấu lại nghành nông nghiệp, nguồn đất nông nghiệp đang được sử dụng trồng lúa kém hiệu quả hiện nay.
Sáu là, có giải pháp sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên do biến đổi khí hậu mang lại - đặc biệt khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Quyết sách đúng, mạnh mẽ và đột phá của Chính phủ sẽ kiến tạo nên một ngành công nghiệp mũi nhọn, có sức sống lâu dài, tạo nên được thương hiệu Quốc gia trên bản đồ thế giới cũng như tạo dựng nên được một số thương hiệu Quốc tế trong lĩnh vực thực phẩm - điều này hoàn toàn phù hợp và nêu cao tiêu chí của Chính phủ ta nhiệm kỳ này: Chính phủ kiến tạo.
Nuôi tôm công nghệ cao tại Hà Tĩnh
Kiến tạo nghành công nghiệp tôm sẽ là hình mẫu cho công cuộc phát triển các nghành, lĩnh vực khác về lâu dài; là động lực cho các nghành công nghiệp khác phát triển như công nghệ sinh học, công nghiệp hóa chất, công nghệ thông tin, công nghệ tự động hóa…
Kiến tạo nghành công nghiệp tôm sẽ kèm theo làn sóng khởi nghiệp với tuy duy, phương thức hiện đại trên diện rộng và hiệu quả kinh tế rất cao.
Tôi cũng xin mạnh dạn có thêm một số ý kiến và kiến nghị làm rõ thêm nhằm triển khai bằng được nhận định và quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng.
Một thời gian dài chúng ta chưa đánh giá đúng, đủ, tiềm năng, lợi thế và quy mô của nghành nuôi trồng tôm của Việt Nam so với các nghành, lĩnh vực khác; ở hầu hết các cấp, các địa phương dẫn tới chưa chú trọng quy hoạch, điều hành khu vực sản xuất này ngang tầm với tiềm năng mà điều kiện tự nhiên riêng có của Việt Nam mang lại.
Do đó, cần đánh giá đúng, đủ, khả năng đóng góp của nghành tôm vào GDP quốc gia so với các ngành, lĩnh vực khác hiện nay và trong lâu dài trên các chỉ tiêu: Ngoại tệ mang về cho đất nước; tổng nguồn lợi của xã hội; giải quyết vấn đề lao động dôi dư ở các khu vực khó khăn, chưa có điều kiện phát triển…
Nuôi trồng và chế biến tôm là ngành có khả năng đóng góp lớn, tầm nhìn phải đáp ứng như Thủ tướng đã nhận định: “Việt Nam phải là trung tâm sản xuất tôm của thế giới”, vì vậy phải có chính sách đột phá, cách làm đột phá, doanh nghiệp đột phá và con người đột phá để triển khai bằng được nhận định này.
Cần thiết phải có chương trình trọng điểm quốc gia cho lĩnh vực này, cần thành lập Ban chỉ đạo chương trình ở cấp trung ương, tỉnh, thành và cấp cơ sở là cấp huyện; người đứng đầu Chính phủ phải là trưởng ban, người đứng đầu chính quyền các tỉnh/thành phải đứng đầu ban chỉ đạo cấp tỉnh/thành, người đứng đầu chính quyền cấp huyện phải đứng đầu ban chỉ đạo cấp cơ sở.
Việt Nam có thể chủ động sản xuất nguồn thức ăn cho tôm chất lượng cao sử dụng nguyên liệu bột cá địa phương thay vì nhập khẩu nguồn bột cá của thế giới là Peru để giảm giá thành và tránh tình trạng lệ thuộc vào các doanh nghiệp nước ngoài đang chi phối như hiện nay.
Việt Nam phải làm chủ được công nghệ sinh học, vi sinh phục vụ nghành tôm. Cần thiết phải hình thành khoa nuôi trồng tôm – tách ra từ khoa nuôi trồng thủy sản - của các trường đại học nhằm chuyên sâu hóa công tác đào tạo và nghiên cứu phục vụ mục tiêu quốc gia.
Chương trình trọng điểm quốc gia về tôm phải được triển khai ở quy mô sản xuất lớn, lấy hình thức sản xuất công nghiệp là chủ yếu, hình thức sản xuất bán thâm canh hoặc xen canh hoặc sinh thái là thiểu số và chỉ nên được triển khai tại các khu vực cần bảo tồn, bởi có như vậy chúng ta mới có thể hình thành nền sản xuất lớn và chuyên nghiệp.
Trong chuỗi sản xuất ra sản phẩm tôm thì khâu nuôi trồng là đóng vai trò quan trọng nhất vì khó nhất, liên quan tới sinh kế của số đông bà con nông dân và mang giá trị gia tăng nhiều nhất, do đó cần thiết tập trung quan tâm và chỉ đạo vào khâu nuôi trồng hơn khâu chế biến như hiện nay.
Về quy hoạch, phải thực hiện quy hoạch và tối đa hóa phần diện tích được quy hoạch có thể sử dụng vào mục đích nuôi tôm ở các tỉnh/thành có điều kiện phù hợp - đặc biệt chú trọng và sớm tiến hành công tác quy hoạch tại các tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long để nhanh chóng sử dụng được điều kiện tự nhiên ưu đãi và là phương án tốt để đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu hiện nay.
Chính phủ nên cân nhắc tới việc chuyển đổi một phần diện tích lúa kém hiệu quả sang mục đích nuôi tôm. Ngoài quy hoạch vùng, quy hoạch địa phương thì cần thiết phải chuẩn hóa việc quy hoạch tại từng tiểu khu, hộ nuôi trồng.
Đề nghị Chính phủ sớm có chính sách để có thể huy động được quỹ đất này vào sản xuất dưới hình thức 3 nhà kết hợp: Nhà nước, nhà doanh nghiệp và người dân - trong đó Nhà nước giữ vai trò thuê lại quỹ đất của người dân và cho doanh nghiệp thuê lại có tính tới yếu tố quyền lợi và sử dụng lao động là người chủ đất thực sự.
Hoặc Nhà nước là trung gian để doanh nghiệp liên kết với người dân trong việc đưa quỹ đất vào hoạt động để bảo vệ được quyền lợi hợp pháp của cả người dân và doanh nghiệp đầu tư, hoặc hình thức cổ phần giữa doanh nghiệp và người dân - trong đó người dân mang quỹ đất làm cổ phần - có sự tham gia về mặt pháp lý của Nhà nước.
Để hình thành được nền sản xuất lớn trong lĩnh vực tôm thì Việt Nam nhất thiết phải có một số doanh nghiệp hạt nhân trong lĩnh vực nuôi trồng và chế biến.
Phải phát hiện các mô hình ở nhiều cấp quy mô đầu tư, quy mô quỹ đất sử dụng có hiệu quả cao và tiến hành truyền thông phổ biến tới số đông bà con để nhân rộng mô hình. Tránh tình trạng một số hãng nước ngoài và ngay cả công ty sản xuất con giống, thức ăn trong nước vì tìm kiếm lợi nhuận đã phổ biến quy trình nuôi trồng chưa hiệu quả cao tới bà con làm gia tăng chi phí sản xuất.
Đối với khu vực chế biến tôm, hiện có một số nhà chế biến nhập tôm từ khu vực chịu thuế xuất cao vào liên minh châu Âu (như Ấn Độ hiện nay chịu mức thuế là 12% khi vào châu Âu) về Việt Nam rồi lại xuất sang châu Âu (Việt Nam được hưởng mức thuế ưu đãi là 4,2%) để hưởng lợi nhuận nhưng gây tổn hại nghiêm trọng và diện rộng tới nền kinh tế cũng như uy tín quốc gia khi liên minh châu Âu đang tiến hành điều tra và có thể điều chỉnh mức thuế ưu đãi hiện nay. Lợi nhuận nhỏ của một số doanh nghiệp đang gây tổn hại lớn cho cả một ngành sản xuất tiềm năng lớn.
Về công tác phân bổ nguồn lực quốc gia hay chính sách hỗ trợ, kiến nghị cần sớm thực hiện khoản vay ưu đãi như Thủ tướng đã chỉ đạo, sớm đưa luồng tài chính này vào sản xuất, trong quá trình thực hiện cần có cơ chế đặc biệt để vừa giảm được rủi do vừa nhanh chóng thúc đẩy được sản xuất.
Để nâng cao năng suất và gia tăng lợi nhuận cho bà con, cần khuyến khích mô hình nuôi tôm siêu thâm canh sử dụng công nghệ cao bằng cách nguồn tài chính ưu đãi nên tập trung vào khu vực, mô hình này thay vì hỗ trợ cho các mô hình kém hiệu quả và nhiều rủi do.
Cần sớm xác định, gây dựng một số doanh nghiệp hạt nhân mang tính chất động lực cho toàn ngành và có chính sách quan tâm, hỗ trợ đột phá nhằm triển khai được nhiệm vụ đột phá như hỗ trợ tài chính, hỗ trợ nghiên cứu và kỹ thuật, hỗ trợ quỹ đất nuôi trồng lớn…
Lĩnh vực sản xuất tôm phải được hưởng ưu đãi như các lĩnh vực trọng yếu khác, bao gồm cả hỗ trợ điện, giao thông tới các khu vực sản xuất lớn hoặc khu vực sản xuất tập trung.
Theo VnEconomy
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn