Năm mục tiêu, bảy giải pháp
Đề án tái cơ cấu kinh tế được xây dựng trên cơ sở đánh giá những thành tựu, yếu kém cơ bản của kinh tế Việt Nam xác định các mục tiêu tổng quát, hệ thống các giải pháp và tổ chức thực hiện, cơ quan soạn thảo nêu rõ quan điểm tái cơ cấu “vừa tuần tự tiệm tiến, vừa tăng tốc đột phá”.
Trong đề án Chính phủ đã nêu 5 mục tiêu giai đoạn 2012-2015 gồm: Nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực xã hội, năng suất lao động và năng lực cạnh tranh, chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang kết hợp hợp lý giữa chiều rộng và chiều sâu; Duy trì ổn định kinh tế vĩ mô một cách vững chắc với lạm phát thấp; Phát triển cân đối hợp lý giữa các địa phương, vùng miền; Các ngành sử dụng công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao từng bước thay thế các ngành công nghệ thấp, thâm dụng lao động và giá trị gia tăng thấp để trở thành những ngành kinh tế chủ lực của nền kinh tế; Hình thành cơ cấu kinh tế hợp lý và năng động hơn, có năng lực cạnh tranh cao hơn và có tiềm năng tăng trưởng lớn hơn.
Thực hiện những mục tiêu trên Chính phủ đề xuất 7 giải pháp ưu tiên: Tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng; Tái cơ cấu đầu tư nhà nước, tập trung khắc phục đầu tư dàn trải, ban hành luật đầu tư công, luật mua sắm công, sửa đổi luật Ngân sách; Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước hoàn thành cổ phần hóa và thoái vốn ở tất cả các doanh nghiệp mà nhà nước không cần nắm tỷ lệ sở hữu chi phối; Ban hành quy chế công bố thông tin áp dụng đối với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Các tập đoàn, tổng công ty phải tự xây dựng các đề án tái cơ cấu và thoái vốn ra khỏi các ngành, các hoạt động kinh doanh không thuộc ngành, nghề kinh doanh chính; Ban hành các luật (bổ sung, sửa đổi) các luật tạo thành môi trường pháp lý về kinh doanh theo hướng tháo bỏ rào cản không còn phù hợp với cơ chế thị trường và các nguyên tắc hội nhập kinh tế quốc tế.
Ban hành luật về khuyến khích, ưu đãi đầu tư, phân cấp và phối hợp quản lý đầu tư, trước hết là Luật Đầu tư, các quy định có liên quan của các luật về thuế nhằm huy động nhiều hơn vốn đầu tư của tư nhân, đồng thời, hỗ trợ phát triển các ngành, sản phẩm ưu tiên; Xây dựng và tăng cường thể chế, năng lực phối hợp phát triển kinh tế vùng, trước mắt là tăng cường thẩm quyền và năng lực các ban chỉ đạo phát triển vùng và cơ chế phối hợp phát triển kinh tế giữa các địa phương trong vùng; đồng thời, rà soát lại, bổ sung sửa đổi các quy hoạch có liên quan đảm bảo kết hợp tái cơ cấu vùng kinh tế với cơ cấu lại các ngành sản xuất và dịch vụ, nhất là các ngành, sản phẩm ưu tiên phát triển. Giải pháp cuối cùng, xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình quốc gia hỗ trợ phát triển một số sản phẩm ưu tiên phát triển bao gồm: đóng tàu, điện tử, chế biến lương thực, thực phẩm, máy móc phục vụ nông nghiệp, gạo, cà phê, chè… cũng như các chương trình nâng cao chất lượng doanh nghiệp dân doanh.
Không sát với thực tế
Đánh giá đề án tái cơ cấu kinh tế của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho rằng đề án chưa nêu bật các điểm đặc trưng của sự cần thiết phải tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Bản đề án cũng không đề cập đến chi phí để tái cơ cấu nền kinh tế mà việc tính toán chi phí để thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng là hết sức cần thiết, nhất là trong điều kiện của Việt Nam nguồn lực bị hạn chế, cả về tài chính và nhân lực, sẽ góp phần xác định những nội dung cần ưu tiên thực hiện, tránh dàn trải, lãng phí.
Hầu hết các thành viên UBTVQH đều nhận thấy nội dung đề án còn quá chung chung, chưa đề cập thẳng vào những vấn đề cốt lõi của nền kinh tế. Góp ý đề án tái cơ cấu kinh tế của Chính phủ, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng lưu ý đề án tổng thể trình ra Quốc hội phải có đủ các đề án thành phần đi theo và xác định tổng nguồn lực chứ không thể đưa ra một cách "mênh mang" được. |
Theo nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn