Thực tế, trong hơn 30 năm đổi mới, sự phát triển của nền kinh tế- xã hội nước ta có sự đóng góp to lớn của giai cấp nông dân và tầng lớp doanh nhân, doanh nghiệp. Nông dân và doanh nhân chính là những người mang dòng ngoại tệ đầu tiên cho đất nước từ việc xuất khẩu gạo và các nông sản khác. Chính nông dân là người khởi xướng cho nhiều phong trào sản xuất và doanh nghiệp là người vun đắp, phát triển, làm cơ sở thực tiễn để Đảng có những chủ trương, chính sách thúc đẩy nhanh tiến trình đổi mới và hiện nay là hội nhập quốc tế.
Hội nghị gặp mặt lần này là dịp gặp gỡ, chia sẻ, thảo luận giữa Hội Nông dân Việt Nam với các doanh nghiệp về những vấn đề bức thiết của người nông dân, còn là diễn đàn trao đổi nhằm tăng cường sự kết nối, tương tác, qua đó, làm sâu sắc hơn mối quan hệ, hợp tác giữa Hội NDVN với các doanh nghiệp trong việc thúc đẩy phát triển nông nghiệp, hỗ trợ nông dân và xây dựng nông thôn mới.
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch BCH Trung ương Hội NDVN Lại Xuân Môn bày tỏ kỳ vọng được lắng nghe những khó khăn, vướng mắc, tâm tư tình cảm và trách nhiệm của doanh nghiệp trong sản xuất nông nghiệp. Chủ tịch Lại Xuân Môn khẳng định, cho đến nay, nông nghiệp nước ta đã có bước phát triển tương đối toàn diện, tăng trưởng khá, quan hệ sản xuất từng bước được đổi mới, phù hợp với yêu cầu của nền kinh tế thị trường; giai cấp nông dân ngày càng chuyên nghiệp hơn, giàu có, khá giả hơn, là chủ các trang trại, các tổ hợp tác, hợp tác xã ngày càng tăng, làm ra khối lượng nông sản phẩm ngày càng lớn.
Theo ông Môn, hiện, chúng ta đã có khoảng trên 4.500 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp theo Luật Doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả. Mặc dù con số này chỉ chiếm khoảng dưới 1% số doanh nghiệp trong cả nước, nhưng các doanh nghiệp nông nghiệp đã có nhiều đóng góp quan trọng, tạo động lực, trở thành đầu tầu, là hạt nhân của tiến trình chuyển đổi cơ cấu nền nông nghiệp của Việt Nam, góp phần đưa nền nông nghiệp từng bước thoát khỏi tình trạng sản xuất manh mún, lạc hậu, tự cung tự cấp, thiếu tính chủ động, xa rời thị trường, năng suất thấp và luôn phụ thuộc vào thiên nhiên; bước đầu hình thành nên nền nông nghiệp phát triển theo ngành và lĩnh vực; phát huy thế mạnh của mỗi địa phương gắn với thị trường; Ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, liên kết sản xuất theo chuỗi; Chất lượng vật tư nông nghiệp, vệ sinh an toàn thực phẩm, giá trị văn hóa trong sản phẩm được chú trọng hơn, ngày càng có nhiều thương hiệu nông sản nước ta được thế giới chấp nhận.
Nhân dịp này, 8 văn bản ghi nhớ hợp tác giữa Hội NDVN với 8 tập đoàn, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đã được ký kết: Biên bản ghi nhớ giữa Hội NDVN với Công ty VinEco (thuộc Tập đoàn Vingroup) về hợp tác thực hiện Chương trình “Đồng hành, hỗ trợ 1.000 hộ nông dân, HTX sản xuất nông sản an toàn”; Biên bản ghi nhớ giữa Hội NDVN với Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao, Công ty CP Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình, Công ty CP Giống cây trồng Trung ương về đảm bảo cung ứng vật tư phân bón, giống cây trồng chất lượng tới hội viên nông dân; Biên bản ghi nhớ giữa Hội Nông dân Việt Nam với Tập đoàn TH, Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, Công ty CP Ba Huân, Công ty Lebio Việt Nam về phối hợp, tuyên truyền vận động nông dân tham gia liên kết sản xuất nông nghiệp an toàn, ứng dụng công nghệ cao…/.