17:59 EST Thứ bảy, 18/01/2025
CHỦ ĐỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HCM CỦA VP ĐIỂU PHỐI NTM HÀ TĨNH "GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ"

Menu Hệ thống

Tư vấn chính sách
Văn bản Pháp luật
Văn bản Pháp luật
Điều hành tác nghiệp Hà Tĩnh
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
Cổng Thông tin Điện tử Hà Tĩnh
Công báo Hà Tĩnh
Báo Nông nghiệp Việt nam
Khuyến nônng Việt Nam
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh

TRANG CHỦ » Tin Tức » Tin tức nông thôn mới » Tin trong nước


Đối tác chiến lược ngành in bạt quảng cáo

in bạt hiflex - in decal pp - in decal ngoài trời - in băng rôn

Đề cao vai trò giám sát của người dân trong quản lý, sử dụng đất đai

Thứ ba - 28/05/2019 05:10
(Chinhphu.vn) – Phát biểu trước Quốc hội chiều 27/5, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ lắng nghe, tiếp thu ý kiến của Quốc hội và cử tri, đề cao vai trò của người dân và xã hội trong việc tham gia vào quá trình quản lý, sử dụng đất đai.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại phiên thảo luận - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại phiên thảo luận - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Đây là khẳng định của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khi phát biểu tại phiên thảo luận về Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, đây là một chủ đề rất quan trọng, được ĐBQH và nhân dân đặc biệt quan tâm.

“Báo cáo giám sát của Quốc hội được thực hiện công phu, khoa học, đầy đủ, có sự phối hợp chặt chẽ giữa đoàn giám sát với các cơ quan chính phủ, các địa phương và một số doanh nghiệp. Các ý kiến phát biểu của các vị ĐBQH là hết sức trách nhiệm, cụ thể và sâu sắc, nêu lên được các vấn đề mà thực tiễn đang đòi hỏi”, Phó Thủ tướng nói.

Đô thị là động lực phát triển

Báo cáo thêm một số mội dung mà các vị ĐBQH quan tâm, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã nhấn mạnh những kết quả nổi bật trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai đô thị thời gian qua.

Theo đó, kể từ khi Luật Đất đai 2013 có hiệu lực thì công tác quản lý quy hoạch, sử dụng đất đai và phát triển đô thị đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Hệ thống pháp luật liên quan đến quy hoạch, sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng được tập trung xây dựng và hoạt thiện (Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu, Luật Nhà ở, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Kinh doanh bất động sản…, cùng với đó là các văn bản hướng dẫn, thi hành luật).

“Đây là nhân tố quyết định tạo lập môi trường pháp lý để huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển KTXH nói chung và phát triển đô thị nói riêng và cũng là công cụ để kiểm soát quá trình phát triển, bảo đảm đảm hiệu quả và bền vững”, Phó Thủ tướng nhìn nhận.

Công tác quy hoạch liên quan đến sử dụng đất tại đô thị được đẩy mạnh. Công tác đầu tư xây dựng phát triển đô thị đạt được nhiều kết quả quan trọng, từ đó đã thúc đẩy sự phát triển hệ thống đô thị của cả nước. Cả nước hiện có 828 đô thị, tỉ lệ đô thị hoá tăng nhanh, đạt 38% năm 2018, bình quân trên 1%/năm, riêng Hà Nội, TPHCM đạt trên 3%/năm.

Cùng với đó, hạ tầng đô thị được đầu tư từng bước đồng bộ. Bộ mặt đô thị ngày càng khang trang, hiện đại. Đã tạo ra nhiều khu đô thị mới, nhiều khu nhà ở có chất lượng, nhiều công trình tầm vóc khu vực và quốc tế.

Với những kết quả đó, đô thị đã khẳng định là động lực cho phát triển KTXH. Kinh tế đô thị chiếm 70-80% tổng quy mô nền kinh tế. Riêng TPHCM và Hà Nội, GRDP năm 2018 đạt 2,4 triệu tỷ, chiếm 40% GDP cả nước.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác sử dụng đất đai, quản lý, phát triển đô thị vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế và thách thức, cần tiếp tục được khắc phục.

Xu hướng tập trung hoá đô thị ngày càng gia tăng (do người dân tập trung về các đô thị để tìm kiếm việc làm và tìm kiếm điều kiện sống tốt hơn), đặc biệt là tại các đô thị lớn. Riêng Hà Nội, TPHCM mỗi năm tăng khoảng 200.000 người, đã tạo áp lực lớn lên hệ thống hạ tầng đô thị, ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng đất tại đô thị.

Trong khi đó, việc đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng còn chậm, thiếu đồng bộ, nên đã dẫn đến quá tải về hạ tầng ở các đô thị lớn. Việc đầu tư xây dựng, phát triển các đô thị vùng, đô thị vệ tinh còn thiếu nguồn lực và chậm, do đó đã giảm sự hấp dẫn của các đô thị này, từ đó giảm sự chia sẻ đối với các đô thị lớn.

Phó Thủ tướng cũng cho rằng, cơ cấu sử dụng đất tại các đô thị còn chưa phù hợp. Cơ cấu nhà ở tại các đô thị còn nhiều bất cập, còn nặng về nhà ở thương mại, phù hợp với người có thu nhập khá, trong khi còn thiếu nhiều nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, đặc biệt là nhà ở xã hội cho công nhân tại các khu công nghiệp.

Tình trạng ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường tại các đô thị lớn ngày càng gia tăng đang thách thức nghiêm trọng tới phát triển bền vững tại các đô thị.

Đặc biệt là tình trạng sử dụng đất đai còn lãng phí, còn thất thoát (có nơi rất nghiêm trọng) đã ảnh hưởng lớn đến hiệu quả sử dụng đất đai đô thị, gây thiệt hại cho nền kinh tế, gây bức xúc trong xã hội. Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng tái định cư còn nhiều bất cập, dẫn đến người dân khiếu kiện kéo dài, ảnh hưởng đến an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Chấn chỉnh việc điều chỉnh quy hoạch không vì lợi ích người dân

Về nguyên nhân của tình trạng trên, theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, trước hết là do hệ thống pháp luật liên quan đến quy hoạch, sử dụng đất đai, quản lý đầu tư xây dựng vừa còn những khoảng trống, vừa chồng chéo, thiếu đồng bộ đẫn tới khó khăn trong thực hiện.

Công tác lập quy hoạch một số nơi còn chậm so với yêu cầu phát triển, dẫn đến khi có quy hoạch mới và thực hiện quy hoạch phải tiến hành bồi thường GPMB rất lớn, gây lãng phí nguồn lực xã hội. Chất lượng quy hoạch còn thấp, nhưng công tác điều chỉnh, bổ sung, cập nhật quy hoạch còn chậm được thực hiện, từ đó đã ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng đất đai tại đô thị.

“Đây là nguyên nhân chính dẫn đến những “con đường đắt nhất hành tinh” như báo chí, dư luận xã hội đã đề cập”, Phó Thủ tướng nói.

Về tình trạng điều chỉnh quy hoạch nhiều lần nhưng phục vụ lợi ích của nhà đầu tư, Phó Thủ tướng khẳng định, việc điều chỉnh là một nội dung quan trọng của quy hoạch và quá trình thực hiện quy hoạch, do yêu cầu khách quan của nhiều chủ thể như Nhà nước, người dân, nhà đầu tư.

“Người dân bức xúc với việc nhiều dự án điều chỉnh quy hoạch nhiều lần nhằm tăng mật độ xây dựng, tăng tầng cao, tăng mật độ dân cư, giảm không gian công công, tạo ra những khu nhà ở chật chội, thiếu an toàn chỉ đem lại lợi ích cho nhà đầu tư, gây thiệt hại cho cộng đồng, người dân và Nhà nước. Vấn đề này cần được chấn chỉnh kịp thời”, Phó Thủ tướng khẳng định.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng chỉ rõ, việc đầu tư phát triển đô thị mới chỉ tuân thủ quy hoạch nhưng chưa có kế hoạch đã dẫn đến đầu tư phát triển theo phong trào ở nhiều nơi, không phù hợp với nhu cầu và khả năng cung cấp nguồn lực làm lệch pha cung cầu, dư thừa sản phẩm bất động sản, ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của thị trường BĐS. Đây là nguyên nhân gây ra những dự án treo, đất bỏ hoang, làm lãng phí nguồn lực Nhà nước.

Việc lựa chọn nhà đầu tư phát triển đô thị chưa được chú trọng, dẫn đến không ít nhà đầu tư thiếu năng lực thực hiện dự án làm ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng và hiệu quả sử dụng đất.

Công tác quản lý Nhà nước và quản lý quy hoạch sử dụng đất đai, phát triển đô thị còn nhiều hạn chế. Việc kiểm soát tầng cao, mật độ dân cư còn nhiều bất cập. Công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát sử dụng đất đai, phát triển đô thị còn thiếu chặt chẽ, chậm phát hiện những sai phạm hoặc phát hiện sai phạm nhưng không xử lý kịp thời đã ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng đất đai, phát triển đô thị như tình trạng xây dựng trái phép, không phép, xây dựng vượt tầng cao, vượt quy chuẩn quy hoạch…

“Đặc biệt là việc xác định giá đất trong các dự án đầu tư xây dựng đô thị, xác định giá trị quyền sử dụng đất tại doanh nghiệp trong việc cổ phần hoá DNNN còn thiếu công khai, minh bạch, chưa sát với giá thị trường gây thất thoát tài sản Nhà nước…”, Phó Thủ tướng nói.

Tăng vai trò giám sát của người dân

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thực hiện chính sách pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã nêu 9 nhóm nhiệm vụ mà Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương phải tập trung thực hiện trong thời gian tới.

Thứ nhất, tập trung rà soát, hoàn thiện thể chế liên quan đến quy hoạch sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng nói chung và phát triển đô thị nói riêng.

Thứ hai, cần chú trọng nâng cao chất lượng quy hoạch, thường xuyên rà soát, cập nhật, bổ sung, điều chỉnh kịp thời quy hoạch theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm tính kế hoạch và phát triển phù hợp với đòi hỏi thực tiễn của từng thời kỳ, bảo đảm đúng quy chuẩn và tiêu chuẩn theo quy định.

“Phải thực hiện công khai các thông tin về quy hoạch để người dân biết, tham gia giám sát”, Phó Thủ tướng yêu cầu.

Thứ ba, tăng cường kiểm soát sử dụng đất đai, đầu tư phát triển đô thị theo đúng quy hoạch, có kế hoạch. Các bộ, ngành liên quan và các địa phương phải xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển đô thị, căn cứ vào nhu cầu của xã hội, yêu cầu phát triển và khả năng đáp ứng của nguồn lực nhằm khắc phục tình trạng quy hoạch treo, dự án treo.

Đồng thời, phải lựa chọn các dự án ưu tiên để đầu tư xây dựng, khắc phục tình trạng đầu tư tự phát, phong trào, không có kế hoạch. Kiểm soát bảo đảm thị trường bất động sản phát triển lành mạnh.

Thứ tư, thực hiện tốt công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư, bảo đảm hài hoà lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và đặc biệt là lợi ích của người dân.

“Tiếp thu ý kiến của các vị ĐBQH, Chính phủ, các bộ, ngành, đặc biệt là các địa phương cần tìm hiểu để nắm chắc cuộc sống của người dân sau khi GPMB, tái định cư”, Phó Thủ tướng nói và nhấn mạnh yêu cầu phải tập trung làm tốt công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo đáp ứng yêu cầu chính đáng của người dân.

Thứ năm, tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc lựa chọn nhà đầu tư phát triển các dự  án đô thị, khu công nghiệp, dịch vụ theo đúng quy định của pháp luật. Song song với đó, xây dựng cơ chế kiểm soát việc xác định giá đất bảo đảm công khai, minh bạch, theo cơ chế thị trường, tránh thiệt hại cho Nhà nước. Có kế hoạch về vốn ngân sách Nhà nước để bồi thường, giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch để đấu giá đất.

Thứ sáu, có các giải pháp hữu hiệu để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ được cử tri quan tâm như đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp, khu kinh tế; cải tạo chung cư cũ xuống cấp nguy hiểm tại các đô thị; chuyển các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường, cơ sở đông người ra khỏi khu dân cư tập trung ở nội đô. Thay vào đó bằng cơ cấu sử dụng đất hợp lý để tăng không gian công cộng cho người dân; rà soát quy hoạch, bảo đảm các không gian công cộng cho người dân; rà soát các công trình sử dụng nhiều đất đai để khắc phục tình trạng lãng phí đất đai; quy hoạch sử dụng không gian ngầm; nghĩa trang…; quản lý chặt chẽ việc người nước ngoài sử hữu nhà ở tại Việt Nam theo đúng quy định của pháp luật.

Thứ bảy, tăng cường công tác quản lý, kiểm soát sử dụng đất đai và phát triển đô thị. Trong đó, tập trung vào công tác thanh tra, kiểm tra, các dự án đầu tư phát triển đô thị. Xử lý nghiêm các vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.

Thứ tám, tổ chức bộ máy quản lý đất đai, quản lý phát triển đô thị tinh gọn, hiệu quả. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức trong lĩnh vực quản lý đất đai, phát triển đô thị.

Cuối cùng, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đặc biệt nhấn mạnh vai trò giám sát của các cơ quan dân cử, trong đó có vai trò của Hội đồng nhân dân các cấp tại các địa phương, đặc biệt là vai trò của các vị ĐBQH và Quốc hội.

“Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ lắng nghe, tiếp thu ý kiến của người dân, đề cao vai trò của người dân và xã hội trong việc tham gia vào quá trình quản lý, sử dụng đất đai”, Phó Thủ tướng nói. 

Xuân Tuyến
chinhphu.vn


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Thư viện Hình ảnh



Thăm dò ý kiến

Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình NTM nên theo chỉ tiêu nào?

Số xã về đích (đạt 19/19 tiêu chí)?

Tổng số tiêu chí đạt chuẩn?

Tổng mức độ tiến bộ của tất cả các tiêu chí (theo phương pháp chấm điểm)?

Phương án khác?

Thời tiết - Tỷ giá

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 270


Hôm nayHôm nay : 47945

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 977036

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 74024007