Luật Đầu tư công đã chống được nợ đọng

ĐTC là lĩnh vực đầu tư tối cần thiết với bất cứ quốc gia nào, bởi đây là nền tảng của mọi sự phát triển. Đảng, Nhà nước ta luôn coi trọng lĩnh vực này. Tuy nhiên, đây cũng là lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, gây thất thoát, lãng phí nguồn lực quốc gia. Năm 2014, Quốc hội đã thông qua Luật ĐTC để siết chặt quản lý, bảo đảm các nguồn lực của Nhà nước được sử dụng, đầu tư một cách hiệu quả.

Sau hơn hai năm thi hành Luật ĐTC (có hiệu lực từ ngày 1-1-2015), theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, luật đã đi vào cuộc sống và phát huy được những kết quả bước đầu. Công tác quản lý ĐTC vừa chặt chẽ, vừa chủ động hơn. Việc lập, phân bổ và giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Nhà nước và trái phiếu Chính phủ ngày càng công khai, minh bạch, giảm phiền hà, nhũng nhiễu và tiêu cực trong các cấp, các ngành. Việc bố trí vốn tập trung hơn, tránh dàn trải. “Trước đây, đề xuất dự án của chúng ta thường gấp 3 lần số mà chúng ta có khả năng cân đối thực tế. Nên giữa số dự án chúng ta phê duyệt và đề xuất với khả năng cân đối vốn cách nhau khoảng 3 lần, việc bố trí vốn dàn trải. Hiện nay, số dự án trên thực tế giảm đi rất nhiều. Năm 2013 có khoảng 15.000-16.000 dự án, giờ chỉ còn 5.000 dự án, tức là giảm đi khoảng 2/3”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

 

 Dự án chống ngập cống Mương Chuối, huyện Nhà Bè. Ảnh: TTXVN
Cũng theo quy định của Luật ĐTC, các khoản nợ đọng xây dựng cơ bản chỉ được chấp nhận nếu phát sinh trước thời điểm luật này có hiệu lực. Từ ngày 1-1-2015, các bộ, ngành, địa phương không được phép yêu cầu tổ chức, cá nhân tự bỏ vốn đầu tư khi chương trình, dự án chưa được quyết định chủ trương đầu tư, chưa được phê duyệt hoặc chưa được bố trí vốn kế hoạch. Nhờ vậy đã tránh được việc phát sinh nợ đọng trong xây dựng cơ bản. Có thể nói, đây là kết quả rất nổi bật kể từ khi triển khai thi hành Luật ĐTC.

 

Vẫn còn tình trạng lãng phí

Việc thực hiện mục tiêu nâng cao hiệu quả ĐTC, tránh thất thoát, lãng phí trong ĐTC tuy đã đạt được một số kết quả nhất định, nhưng theo ý kiến của một số chuyên gia và người dân thì vẫn chưa được như mong muốn. Thực tế vẫn còn tình trạng “vẽ” ra những dự án chưa thật sự cần thiết để giải ngân vốn đầu tư; khi lập kế hoạch đầu tư còn cố tình không tính đúng, tính đủ để tổng mức đầu tư theo kế hoạch không quá lớn, từ đó dễ được phê duyệt dự án, dẫn tới đội vốn quá lớn khi triển khai; vẫn còn tình trạng “bắt tay” nhau “rút ruột” công trình, kê khống vật tư, chi phí ĐTC để trục lợi; sự yếu kém hoặc tắc trách trong thiết kế, thi công dẫn tới các công trình hạ tầng không phát huy được hiệu quả; những công trình từ hàng tỷ đồng đến hàng nghìn tỷ đồng xây xong gần như nằm “đắp chiếu” vẫn còn tồn tại… Đây là những vấn đề nổi cộm trong ĐTC mà việc ngăn chặn, xử lý thời gian qua vẫn chưa thực sự hiệu quả.

Báo Quân đội nhân dân cũng đã đăng nhiều tin, bài phản ánh về những công trình ĐTC rất tốn kém nhưng hiệu quả sử dụng không cao, thậm chí bị bỏ hoang. Điển hình là việc tỉnh Lạng Sơn thực hiện dự án di chuyển Trạm kiểm soát liên hợp Dốc Quýt về khu vực ngã tư Than Muội với tổng mức đầu tư 64 tỷ đồng, nhưng vị trí đặt trạm mới không phù hợp với thực tiễn nên bỏ không, tỉnh vẫn phải sử dụng Trạm kiểm soát liên hợp Dốc Quýt cũ. Tỉnh Lạng Sơn muốn “chữa cháy” bằng cách chuyển trụ sở trạm kiểm soát liên hợp ở Than Muội thành trụ sở UBND xã Quang Lang (Chi Lăng, Lạng Sơn), nhưng xã không dám nhận vì nếu là trụ sở cấp xã thì nó quá “hoành tráng”, lại có cả hầm ngầm được thiết kế để tạm giữ hàng lậu bị bắt, xã không có khả năng chi trả tiền điện để vận hành tòa nhà này.

Một ví dụ khác về sự thiếu hiệu quả trong các công trình ĐTC là các công trình kênh, mương thủy lợi. Nếu đi thực tế ở các vùng nông thôn, ai cũng dễ dàng nhận thấy hệ thống kênh, mương được đầu tư xây dựng rất quy mô, hoành tráng và kiên cố. Tuy nhiên, rất nhiều kênh, mương được thiết kế thấp hơn mặt ruộng, dẫn tới khi “nước về” không phát huy hiệu quả, người dân phải dùng máy bơm hoặc dùng sức người mới có thể đưa nước vào ruộng; thậm chí nhiều hệ thống kênh, mương bỏ hoang... 

Còn rất nhiều ví dụ khác về sự lãng phí, thiếu hiệu quả của các dự án ĐTC, chưa kể tới những vụ việc tiêu cực trục lợi, đặc biệt là những vụ “đại án” gây thất thoát hàng nghìn, hàng chục nghìn tỷ đồng ngân sách hoặc từ vốn doanh nghiệp nhà nước (về bản chất cũng thuộc ngân sách Nhà nước). 

Làm sao để siết chặt quản lý đầu tư công?

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thừa nhận việc bố trí vốn ĐTC còn dàn trải, chưa sát với thực tế cũng như nhu cầu, dẫn đến lãng phí. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng thừa nhận trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là chưa tham mưu đầy đủ và chưa nâng cao hiệu quả của công tác tham mưu; đồng thời có trách nhiệm trong công tác kiểm tra, giám sát, phát hiện, xử lý các trường hợp gây thất thoát, lãng phí trong ĐTC.

Thực tế cho thấy, với việc ban hành Luật ĐTC, cơ chế quản lý ĐTC đã có hành lang pháp lý tương đối chặt chẽ, đồng bộ và toàn diện. Hệ thống cơ quan quản lý, kiểm tra, giám sát nội bộ và từ bên ngoài cũng đã có đủ. Tuy nhiên, trong ĐTC vẫn còn xảy ra tình trạng tiêu cực, lãng phí, kém hiệu quả. Trách nhiệm thuộc về ai, cơ quan nào, người dân nhìn thấy rất dễ, nhưng việc “truy” trách nhiệm cụ thể dường như vẫn chưa được thực hiện nghiêm túc.

Đã đến lúc cần thẳng thắn nêu ra và xử lý trách nhiệm của những cá nhân, cơ quan được coi là những “người gác cổng” giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các địa phương kiểm soát để phát hiện sai phạm trong các hoạt động ĐTC. Ở những vụ việc tiêu cực đã được phanh phui, cần làm rõ trong suốt quá trình diễn ra sai phạm, các cơ quan quản lý, cơ quan kiểm soát chuyên môn như kiểm toán hay thanh tra đã vào cuộc hay chưa. Nếu đã có sự vào cuộc của cơ quan thanh tra, kiểm toán, cần làm rõ tại sao qua thanh tra, kiểm toán mà không phát hiện được sai phạm, có tình trạng “bắt tay” ngầm để bỏ qua sai phạm, hay do non kém về nghiệp vụ dẫn tới không phát hiện được sai phạm? Từ đó có biện pháp xử lý phù hợp.

Tuy nhiên, cũng cần phân biệt rõ việc siết chặt quản lý ĐTC để tránh thất thoát, lãng phí, tiêu cực và nâng cao hiệu quả đầu tư với việc gây khó dễ, cản trở ĐTC, nhất là trong phê duyệt dự án, dự toán, quyết toán dự án. Bởi, ĐTC là tối cần thiết với bất kỳ quốc gia nào và đó là nền tảng cho mọi sự phát triển. Do đó, cần dự liệu để phòng tránh những trường hợp cố tình gây khó dễ, cản trở ĐTC, làm lỡ cơ hội phát triển của đất nước...

CHIẾN THẮNG
http://www.qdnd.vn/