Thời gian qua, tình hình phát triển hợp tác xã (HTX) nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và ĐNB (Đông Nam bộ) đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Tuy nhiên, người nông dân ở 2 vùng này vẫn chưa thực sự mặn mà với mô hình này do cơ chế, chính sách, hướng dẫn Luật HTX còn nhiều hạn chế, bất cập, đồng thời hoạt động của HTX chưa thực sự bền vững trong bối cảnh hiện nay.
Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vùng ĐBSCL và ĐNB là 2 vùng sản xuất hàng hóa phát triển năng động nên phương thức hoạt động của các HTX rất đa dạng, nhiều HTX có quy mô lớn, việc tổ chức liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi gia trị để tiêu thụ nông sản chiếm tỷ lệ cao nhất cả nước, nhiều HTX thực hiện sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn và áp dụng công nghệ sản xuất tiên tiến, công nghệ cao vào sản xuất.
Bên cạnh đó, nhiều cán bộ HTX có kinh nghiệm, tâm huyết và nhạy bén với cơ chế thị trường, mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào hoạt động sản xuất kinh doanh của HTX; thu nhập của các thành viên cao hơn mức bình quân chung của cả nước với gần 3 triệu đồng/người/tháng.
Tuy nhiên, hiện nay số lượng HTX nông nghiệp trong 2 vùng này còn ít, mới có hơn 1.600 HTX, chiếm hơn 15% tổng số HTX trong cả nước. Số lượng thành viên của HTX khoảng trên 130 ngàn thành viên.
Ông Trần Hoàng An, đại diện HTX chăn nuôi bò sữa Evergrowth của tỉnh Sóc Trăng cho biết, mặc dù mỗi năm số lượng thành viên và sản lượng sữa có tăng, nhưng do tình hình kinh tế, dịch bệnh diễn biến phức tạp nên HTX phải tự xoay sở, tìm hướng khắc phục, giải quyết dẫn đến việc sản xuất, kinh doanh, tạo công ăn việc làm cho các xã viên chưa thực sự bền vững. Đây cũng là nguyên nhân nhiều xã viên chưa nhiệt tình tham gia vào mô hình HTX.
Ông Nam cho rằng, nhiều người chưa nhận thức đúng và đầy đủ về bản chất và vai trò của HTX và các cơ chế chính sách hỗ trợ của Nhà nước dẫn đến việc tổ chức triển khai chưa đáp ứng với yêu cầu.
Bên cạnh đó, cơ chế, chính sách, hướng dẫn thực hiện Luật HTX mặc dù đã ban hành tương đối nhiều song chưa kịp thời, đồng bộ và còn bất cập. Sự hỗ trợ và tạo điều kiện cho HTX phát triển của một số cấp ủy Đảng, cơ quan quản lý Nhà nước và tổ chức chính trị xã hội ở nhiều nơi chưa được quan tâm đúng mức.
Hầu hết các HTX đều gặp trở ngại lớn, đó là thiếu nguồn vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh và năng lực quản trị hạn chế; việc liên kết giữa xã viên, doanh nghiệp để tổ chức sản xuất; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và tiêu thụ sản phẩm nhìn chung chưa đáp ứng được yêu cầu.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết thêm, thời gian tới, Bộ Nông nghiệp sẽ phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để hỗ trợ các HTX phát triển.
Để phát triển HTX hơn nữa trong thời gian tới, nhiều ý kiến tâm huyết cho rằng cần tập trung hoàn thiện chính sách theo hướng cụ thể, thiết thực để hỗ trợ xã viên. Đồng thời tạo mối liên kết bền vững giữa HTX với xã viên, với doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; nâng cao năng lực quản trị cho đội ngũ cán bộ của HTX, trong đó chú trọng mô hình người trẻ, có trình độ, năng lực tham gia điều hành HTX.
Về phía quản lý nhà nước, theo Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân; phát triển mô hình HTX kiểu mới trên cơ sở liên kết các hộ gia đình cùng tham gia sản xuất; thành lập doanh nghiệp trong HTX; tổ chức công tác đánh giá hoạt động của các HTX…
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ luôn quan tâm và tạo điều kiện để các địa phương phát triển mô hình HTX nông nghiệp một cách bền vững.
Rõ ràng con đường sản xuất nông nghiệp bền vững, tiến lên sản xuất lớn nhất thiết phải có mô hình HTX. Do vậy, rất cần sự chung tay của các cấp, các ngành và mỗi hộ dân để đưa mô hình phát triển HTX hiệu quả trở thành hiện thực, giúp xã viên phát triển sản xuất, ổn định đời sống./.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn