“Thành phố hoa Sa Đéc” đáp ứng các tiêu chí về thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM
Xây dựng thành phố, huyện nông thôn mới
Giá đỡ từ chương trình xây dựng NTM đã đưa bộ mặt nông thôn toàn tỉnh thay đổi tích cực sau 5 năm thực hiện. Cơ sở hạ tầng, môi trường nông thôn được cải thiện, các thiết chế văn hóa - xã hội cơ bản đạt yêu cầu, phục vụ tốt cho sản xuất, dân sinh. Riêng sản xuất nông nghiệp có sự phát triển nổi bật, người dân biết áp dụng khoa học và kỹ thuật vào canh tác, góp phần nâng cao giá trị hàng hóa... Nhờ đó, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện rõ rệt, mức thu nhập bình quân đầu người vùng nông thôn cuối năm 2015 đạt trên 29 triệu đồng/người/năm (tăng gấp 2 lần so lúc khởi điểm); tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,04%. Quan trọng nhất, trong suốt quá trình xây dựng NTM của tỉnh không xảy ra tình trạng nợ đọng.
Khép lại một giai đoạn của chương trình xây dựng NTM với nhiều điểm sáng, giai đoạn tiếp theo 2016-2020, Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM và Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh (gọi tắt là Ban chỉ đạo xây dựng NTM) xây dựng NTM tỉnh phấn đấu TP.Sa Đéc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM đối với 3 xã và Tháp Mười đạt huyện NTM. Đồng thời, Ban chỉ đạo cũng đề ra các chỉ tiêu về thu nhập bình quân đầu người vùng nông thôn đến năm 2020 bằng 2 lần so với năm 2015 và có 97,5% dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh...
Một trong những tín hiệu vui khi bắt đầu chặng đường mới là 3 xã của TP.Sa Đéc gồm: Tân Phú Đông, Tân Quy Tây, Tân Khánh Đông đã hoàn thành 19/19 tiêu chí, đáp ứng quy định của Thủ tướng Chính phủ về điều kiện thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Hiện tại, Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM tỉnh đang hoàn thiện thủ tục đề nghị công nhận TP.Sa Đéc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo xây dựng NTM vừa qua, ông Nguyễn Thanh Hùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các xã NTM của TP.Sa Đéc dù đã “về đích” nhưng không được “ngủ quên trên chiến thắng”. Phó Chủ tịch nhắc nhở địa phương phải cùng nhân dân bảo vệ, duy trì những thành quả đã đạt được, khắc phục những điểm yếu các tiêu chí vừa mới chạm ngưỡng để hoàn thiện hơn “bức tranh” NTM.
Riêng đối với huyện Tháp Mười, để địa phương đạt các tiêu chí của huyện NTM, Ban chỉ đạo xây dựng NTM tỉnh thống nhất bổ sung 3 xã: Hưng Thạnh, Thạnh Lợi và Láng Biển vào danh sách xã điểm NTM của tỉnh giai đoạn 2016 - 2020. Bởi theo quy định, huyện NTM phải có 100% xã đạt chuẩn NTM.
Theo Ban Chỉ đạo xây dựng NTM huyện Tháp Mười, vấn đề khó khăn đặt ra với địa phương chính là 3 xã vừa được bổ sung có xuất phát điểm khá thấp, chỉ đạt 9 - 10 tiêu chí. Những tiêu chí còn lại đa phần cần nhiều vốn đầu tư.
Dù có xuất phát điểm chưa thấp nhưng huyện Tháp Mười sẽ nỗ lực nhiều hơn để hoàn thành kế hoạch đề ra. Điều mà Tháp Mười có thể tự tin xây dựng huyện NTM chính là lợi thế phát huy sức dân. Chính nhờ sự đóng góp của người dân thông qua Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM đã giúp địa phương được xem là vùng sâu nhất của Đồng Tháp đã “thay da đổi thịt” sau 5 năm xây dựng. Những tuyến đường nhựa, đường đan hình thành giúp việc giao thương vận chuyển hàng hóa của người dân dễ dàng. Thời gian tới, huyện tiếp tục phát huy sức dân cộng với các nguồn lực khác cho hành trình xây dựng huyện NTM”, ông Đinh Minh Dũng - Chủ tịch UBND huyện Tháp Mười chia sẻ.
Phát huy tính tự lực, tự cường, hợp tác
Trải qua 5 năm thực hiện chương trình xây dựng NTM, ngoài những ưu điểm cần phát huy thì Ban Chỉ đạo xây dựng NTM tỉnh cũng nhìn nhận lại những điểm chưa đạt để khắc phục trong giai đoạn mới. Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM chỉ ra điểm cần khắc phục chính là tính tự giác, chủ động, hợp tác của người dân trong xây dựng NTM chưa cao; vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỉ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.
Trong giai đoạn mới, để người dân thực sự là chủ thể trong quá trình xây dựng NTM, người dân vừa là người xây dựng vừa là người thụ hưởng, thì việc khai thác sức dân không đơn thuần dừng lại ở góc độ hiến đất làm đường, di dời kiến trúc... mà cội rễ của huy động sức dân là đặt bà con thành người trong cuộc qua từng phần việc. Nhằm phát huy hết tiềm năng của người dân với chương trình, tỉnh dành 50 tỷ đồng để hỗ trợ người dân có nhu cầu thực hiện các công trình phục vụ cho sự phát triển của địa phương không nằm trong danh mục 19 tiêu chí xây dựng NTM. Tuy nhiên, tỉnh chỉ hỗ trợ 1 phần vật chất (có thể là cát, xi măng, đá...) phần còn lại của công trình người dân sẽ thực hiện. “Việc người dân tham gia bỏ công sức vào các công trình, họ sẽ cảm thấy tự hào khi sản phẩm có bàn tay của họ làm ra. Đồng thời, chính họ sẽ bảo vệ những công trình này vì đó là thành quả, là tài sản của người dân và phục vụ nhu cầu của người dân” - ông Nguyễn Văn Công, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chia sẻ.
Người dân ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào canh tác giúp giảm chi phí sản xuất, nâng cao thu nhập
Không dừng lại đó, việc hướng người dân tự lực, tự cường, hợp tác tạo nên sức mạnh cộng đồng trong xây dựng NTM, tỉnh chọn 2 xã: Mỹ Thọ (huyện Cao Lãnh) và Tân Thuận Tây (TP.Cao Lãnh) thực hiện theo mô hình làng mới Hàn Quốc. Điểm mới của mô hình là xuất phát từ nhu cầu của người dân, bà con sẽ bàn luận, xác định những việc cần làm. Khi công trình đảm bảo đúng chủ trương, Nhà nước sẽ hỗ trợ vốn để người dân thực hiện. Theo tiêu chí đó, tỉnh cũng sẽ hỗ trợ cho địa phương lượng vật chất “nền”. Nếu cộng đồng có sự chung tay “lèo lái” tốt, nguồn vốn hỗ trợ thực hiện phần việc còn dư sau khi hoàn thành sẽ được giữ lại và đầu tư cho công trình tiếp theo của địa phương. Tức là một nguồn vốn có thể sử dụng cho nhiều việc. Mô hình được Ban chỉ đạo xây dựng NTM tỉnh đánh giá là khá ưu việt, vừa kích thích được sự cống hiến vừa tạo nên nét sáng tạo riêng của mỗi địa phương, đồng thời sẽ trở thành làn sóng thi đua xây dựng NTM giữa các nhà, làng, địa phương với nhau.
Với những điểm nhấn của mô hình làng mới Hàn Quốc, dù là xã diện nhưng xã An Bình B (TX.Hồng Ngự) cũng định hướng học tập, áp dụng tinh thần mô hình vào tiến trình xây dựng NTM tại địa phương. Trên tinh thần “tự lực, tự cường, tự phát huy”, Ban chỉ đạo xã sẽ hướng người dân chuyên cần tăng gia sản xuất; tự thân và gia đình phấn đấu vươn lên. Và chỉ nhờ Nhà nước tạo cơ chế chính sách, tiếp cận các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới nhằm tạo điều kiện để người dân an tâm sản xuất và phát triển kinh tế...
Nguồn: baodongthap.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn