Nam Định hướng tới mục tiêu xây dựng nông thôn thành nơi đáng sống.
Theo ông Nguyễn Phùng Hoan, thời gian qua, tỉnh Nam Định đã đạt được nhiều kết quả trong xây dựng NTM, đến nay toàn tỉnh đã có tới 159 xã và 1 huyện là Hải Hậu đạt chuẩn NTM. Để đạt được những kết quả ấn tượng trên, ông Nguyễn Phùng Hoan nhìn nhận MTTQ, các đoàn thể ở địa phương đã có những đóng góp vô cùng quan trọng. Không chỉ phối hợp tuyên truyền, giúp nhân dân trong tỉnh hiểu rõ mục đích, ý nghĩa, phương châm, cơ chế thực hiện chủ trương xây dựng NTM, MTTQ tỉnh, các tổ chức thành viên nòng cốt còn có nhiều phong trào, hoạt động thiết thực như vận động nông dân tham gia dồn điền đổi thửa; góp, hiến đất xây dựng các công trình hạ tầng, tham gia giám sát; quyên góp, ủng hộ, giúp đỡ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn; xây dựng, duy trì nhiều mô hình bảo vệ môi trường, giữ gìn an ninh trật tự...
“Câu chuyện nhỏ về chị hội viên phụ nữ ở xã Hải Hà cho thấy nhiều người dân đã nhận thức được xây dựng NTM là việc của chính mình, mình làm cho mình, từ đó nhiều người đã tham gia bằng những việc làm rất cụ thể, thiết thực. Đặc biệt, dù là việc lớn hay việc nhỏ nhiều người dân đã tham gia bằng tinh thần tự nguyện, tự giác”, ông Nguyễn Phùng Hoan nhìn nhận. Nói thêm về vai trò, đóng góp của MTTQ, các đoàn thể ở địa phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định nêu ví dụ: “Đến đâu trong tỉnh cũng có thể gặp những tuyến đường do chi hội phụ nữ, cựu chiến binh hoặc đoàn thanh niên tự quản. Điều đó cho thấy, MTTQ, các tổ chức thành viên nòng cốt có thể không có tiền để đóng góp nhưng chúng ta có thể đóng góp bằng cách phát huy công sức, trí tuệ của các đoàn viên, hội viên; đóng góp bằng phương thức tổ chức quản lý, vận hành, khai thác các công trình phục vụ sản xuất và dân sinh ở địa phương”.
Cùng chia sẻ về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Ngoan, Chủ tịch Hội phụ nữ huyện Hải Hậu cho biết, thời gian qua các hoạt động của hội đều hướng vào mục đích góp phần thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu xây dựng NTM ở địa phương. Bà nêu ví dụ: “Nhiều gia đình hội viên chưa nhận thức được lợi ích, sự cần thiết của việc mua bảo hiểm y tế. Góp phần khắc phục, cán bộ hội cùng Bộ đội biên phòng không quản ngại, xuống từng hộ gia đình tuyên truyền, vận động. Kết quả sau đó gần 3000 gia đình hội viên ở 6 xã ven biển trong huyện đã tham gia”.
Nói về những đóng góp tham gia xây dựng NTM của các tăng ni, phật tử ở Nam Định, nhất là những đóng góp bảo vệ môi trường, Thượng tọa Thích Quảng Hà, Phó Trưởng Ban Trị sự Hội Phật giáo tỉnh cho biết: “Không phải bây giờ mà từ rất lâu rồi các tôn giáo, trong đó có Phật giáo đã rất có ý thức bảo vệ môi trường. Cả cuộc đời đức Phật sống ở rừng, gần gũi với thiên nhiên. Việc bảo vệ môi trường quan trọng như thế nào, đức Phật đã dạy chúng tôi từ chính cuộc đời của đức Phật. Ở Nam Định hiện có 855 tăng ni, 837 ngôi chùa. Được sự quan tâm, tạo điều kiện của Nhà nước, công đức của đông đảo tín đồ, hầu hết các ngôi chùa đều được xây sửa khang trang. Đến ngôi chùa nào cũng cảm nhận được không khí trong lành, thoáng mát vì có nhiều cây xanh”.
Theo Thượng tọa Thích Quảng Hà, bảo vệ môi trường là trách nhiệm của cả xã hội, của toàn dân, trong đó có các tôn giáo. Để thay đổi những hành vi, thói quen xấu, gây hại cho môi trường việc tuyên truyền, vận động rất quan trọng, cần làm thường xuyên, liên tục và bằng nhiều biện pháp. “Là tổ chức thành viên của Mặt trận, Hội Phật giáo tỉnh luôn sát cánh cùng Mặt trận, cùng ngành TN-MT trong việc tuyên truyền, vận động tăng ni, tín đồ Phật tử và người dân địa phương tham gia bảo vệ môi trường, bảo vệ thiên nhiên. Buổi lễ nào chúng tôi cũng giảng giải về tầm quan trọng của môi trường với cuộc sống, thấy rất hiệu quả!” - Thượng tọa nhìn nhận.
Và nói đến xây dựng NTM không thể không nói tới vai trò giám sát của cộng đồng. Nhớ lại việc cách đây mấy năm, ông Phạm Nghĩa Bình-Trưởng Ban giám sát đầu tư cộng đồng xã Yên Bình (Ý Yên) cho biết: Theo hướng dẫn thực hiện Quyết định 800 của Chính phủ, khi xây dựng những công trình loại nhỏ, kinh phí thực hiện không quá 3 tỷ đồng chính quyền xã có thể tự lập báo cáo kinh tế kỹ thuật; ưu tiên giao việc thi công cho các tổ nhóm thợ ở địa phương để vừa tạo công ăn việc làm, phát huy vai trò, trách nhiệm của người dân vừa tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên, khi xây dựng công trình đường trục chạy ngang qua trụ sở UBND xã dài có 650m, rộng 5 mét, đổ bê-tông chính quyền xã không thực hiện theo tinh thần trên mà thuê hẳn một DN lập hồ sơ báo cáo kinh tế-kỹ thuật. Dù con đường chỉ có vậy nhưng kinh phí thực hiện được xã “vẽ” lên đến hơn 1,8 tỷ đồng. Chính quyền xã cũng không giao việc cho tổ nhóm thi công nào ở địa phương mà thuê hẳn một doanh nghiệp về thi công.
Nhận thấy việc làm trên của chính quyền xã không đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, không đúng tinh thân xây dựng NTM, Ban giám sát đầu tư cộng đồng của xã đã kiên trì đấu tranh, buộc chính quyền xã sau đó phải thay đổi các quyết định. Cụ thể, giao việc thi công cho các tổ nhóm thợ con em địa phương, vốn rất giỏi việc này. Và, chỉ với hơn 800 triệu đồng kinh phí, người dân địa phương đã tự hoàn thành việc thi công, đảm bảo chất lượng, tiết kiệm cho ngân sách gần 1 tỷ đồng so với số kinh phí chính quyền xã định bỏ ra thuê doanh nghiệp…
Theo ông Đặng Xuân Hùng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Nam Định, tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2020 xây dựng Nam Định trở thành “Tỉnh nông thôn mới”. Trước mắt phấn đấu có thêm 4 huyện (Nghĩa Hưng, Trực Ninh, Xuân Trường, Giao Thủy) đạt chuẩn NTM. Bên cạnh việc đảm bảo các tiêu chí, tỉnh xác định mục đích lớn nhất xây dựng NTM là hướng tới việc nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn; giữ cho nông thôn thực sự bình yên, môi trường nông thôn thực sự trong lành, trên hết là xây dựng nông thôn trong tỉnh thực sự là nơi đáng sống. Để đạt được mục tiêu này, bên cạnh vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành của các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể trong tỉnh xác định phải làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động, đoàn kết, tập hợp để toàn thể cán bộ, đảng viên, người dân trong tỉnh thấy rõ được vai trò, trách nhiệm của mình, chung tay thực hiện chủ trương, mục tiêu ý nghĩa này bằng những việc làm cụ thể, thiết thực.
“Tôi lấy ví dụ, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế là một chỉ tiêu quan trọng nói lên chất lượng sống, cũng là tiêu chí quan trọng thể hiện kết quả xây dựng NTM. Tuy nhiên, hiện nay một bộ phận người dân nông thôn ở Nam Định chưa nhận thức được lợi ích của việc tham gia bảo hiểm y tế nên chưa tham gia, nếu gặp rủi ro về sức khỏe sẽ rất khó khăn, thiệt thòi. Một trong những việc thời gian tới MTTQ và các đoàn thể trong tỉnh sẽ tập trung thực hiện là tuyên truyền để thay đổi nhận thức này của một bộ phận người dân”, ông Đặng Xuân Hùng chia sẻ.
Theo: Trần Duy Hưng/daidoanket.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn