Tại Cần Thơ, vào vụ thu hoạch rộ vụ lúa đông - xuân 2011 - 2012 trên các mô hình cánh đồng mẫu lớn vẫn liên tiếp xảy ra tình trạng thiếu máy gặt đập liên hợp khiến việc thu hoạch chậm tiến độ, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng lúa và giá lúa của nhà nông. Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ lãi suất mua sắm máy móc, vật tư nông nghiệp, nhưng sao vẫn xảy ra tình trạng thiếu máy móc phục vụ sản xuất. Trả lời câu hỏi này của chúng tôi, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Cờ Ðỏ, TP Cần Thơ Lâm Minh Trí cho rằng: Ðúng là chính sách đã có nhưng việc triển khai lại bất cập do quy định máy móc. Ví như thiết bị muốn được hỗ trợ phải là hàng sản xuất trong nước. Ðiều này khó thực hiện, vì phần lớn các sản phẩm nằm trong danh mục được hỗ trợ lãi suất có loại không tìm thấy trên thị trường, có loại không đáp ứng nhu cầu sử dụng của nông dân. Việc hỗ trợ lãi suất mua máy gặt đập liên hợp được thực hiện theo Quyết định số 63/2010/QÐ-TTg ngày 15-10-2010 về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản, nhưng quy định máy phải có giá trị sản xuất trong nước hơn 60%, trong khi loại máy này không bảo đảm chất lượng, cho nên người dân không mấy mặn mà. Trong khi đó, máy sản xuất tại nước ngoài chất lượng tốt nhưng giá thành cao. Nếu không có sự hỗ trợ lãi suất, không phải nhà nông nào cũng sắm được loại nông cụ này.
Ngoài ra, các hộ ngư dân cũng chưa được hưởng lợi từ nội dung của Quyết định 497/QÐ-TTg và Quyết định 2213/QÐ-TTg về hỗ trợ lãi suất, mua sắm máy móc, vật tư nông nghiệp. Nhiều hộ ngư dân có nhu cầu nâng công suất tàu tối thiểu 90CV để đánh bắt xa bờ theo chương trình đánh bắt xa bờ của Chính phủ, nhưng quyết định không cho phép được hưởng ưu đãi do chỉ hỗ trợ lãi vay mua động cơ nhỏ dưới 30CV, động cơ thủy dưới 80CV. Còn các hợp tác xã, tổ hợp tác cũng không thể tiếp cận được nguồn vốn này vì các đơn vị không có tài sản thế chấp vay ngân hàng. Quyết định 131/QÐ-TTg về việc hỗ trợ lãi suất cho các tổ chức, cá nhân vay vốn ngân hàng để sản xuất- kinh doanh và Quyết định 443/QÐ-TTg về việc hỗ trợ lãi suất cho các tổ chức, cá nhân vay vốn trung, dài hạn ngân hàng để thực hiện đầu tư mới để phát triển sản xuất, kinh doanh đều được Chính phủ ban hành từ năm 2009, nhưng nay vẫn chưa có tổ chức, cá nhân nào nộp hồ sơ vay vốn. Từ đó xuất hiện nghịch lý dư nợ cho vay trong khu vực nông nghiệp, nông thôn không ngừng tăng lên, nhưng người dân hầu như không tiếp cận được nguồn vốn.
Trong khi đó, chính sách đầu tư công cho phát triển nông nghiệp ở các vùng khó khăn như vùng núi miền trung, Tây Bắc và Ðông Bắc đều đã có, nhưng trên thực tế chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Tại hầu hết các địa phương miền núi, hằng năm vẫn xảy ra tình trạng thiếu lương thực cục bộ. Một bộ phận khác đủ ăn, nhưng nhiều hộ chưa thoát được nghèo vì tiềm năng trong phát triển nông nghiệp vẫn chưa được khai thác. Trồng cây gì, nuôi con gì vẫn là câu hỏi lớn, cần sự giải đáp của các nhà hoạch định chính sách.
Một vấn đề lớn đối với "tam nông" là thu hút đầu tư thì Nghị định 61/2010/NÐ-CP về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn lại thể hiện vai trò quá nhỏ bé và mờ nhạt trước những rủi ro lớn mà doanh nghiệp dễ vấp phải khi đầu tư vào lĩnh vực này. Kết quả là đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn ngày càng giảm, kém sức hấp dẫn đối với cả doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Trong mười năm (2001- 2011), tỷ lệ vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cho nông nghiệp đã giảm từ 8% xuống còn dưới 1% tổng nguồn vốn thu hút hằng năm của cả nước. Nếu so sánh với những giá trị đóng góp của ngành nông nghiệp trong những năm qua thì đây là một con số đáng báo động.
Hướng tới vì lợi ích nông dân
Năm 1988, Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị với hai nội dung chính là giao khoán ruộng đất cho nông dân và tự do mua bán sản phẩm đã tạo ra bước đột phá lớn cho nền nông nghiệp nước nhà. Kết quả chỉ sau một năm, nước ta tăng hai triệu tấn lương thực, mặc dù vẫn đồng ruộng và những người nông dân ấy. Khi phù hợp thực tế, hiệu quả của chính sách sẽ nhìn thấy rõ. Tuy nhiên, mỗi giai đoạn phát triển có những yêu cầu khác nhau, cho nên đòi hỏi chính sách cần xây dựng phù hợp thực tế, nhất là bảo đảm lợi ích của người nông dân. Mới đây, tại Hội nghị lần thứ 5 BCH T.Ư Ðảng khóa XI đã có kết luận về tổng kết thực hiện Nghị quyết T.Ư 7 (khóa IX) về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HÐH đất nước, trong đó khẳng định: Ðất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Người sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để sử dụng ổn định lâu dài hoặc có thời hạn. Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất đã được Nhà nước giao cho người khác sử dụng trong quá trình thực hiện các chính sách đất đai; không đặt vấn đề điều chỉnh lại đất nông nghiệp đã giao cho hộ gia đình, cá nhân. Trong bối cảnh "tam nông" đang cần những chính sách đất đai phù hợp hơn, tạo động lực lớn hơn để người nông dân yên tâm tự đầu tư sản xuất nông nghiệp theo chiều sâu, thì kết luận này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Tới đây, trong quá trình sửa đổi Luật Ðất đai, cùng với những yêu cầu từ thực tế, chính sách về hạn điền và thời hạn trong sử dụng đất nông nghiệp chắc chắn sẽ có những điều chỉnh hợp lý hơn.
Cho chính sách hơn cho tiền. Cũng như "cho cần câu hơn cho con cá". Chính sách là yếu tố quan trọng tác động đến sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp và đời sống nông dân. Trong giai đoạn CNH, HÐH nông nghiệp, nông thôn hiện nay, muốn sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả cao cần tạo ra những vùng chuyên canh quy mô lớn, đủ khả năng đáp ứng yêu cầu của chế biến và xuất khẩu. Ðẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp, áp dụng tiêu chuẩn sản xuất GAP để bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và môi trường sinh thái. Vì vậy, chính sách cũng phải xây dựng trên cơ sở những yêu cầu đó. Tín dụng tam nông, thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn hay chính sách đất đai... cần được hoạch định có căn cứ khoa học và thực tiễn, tạo điều kiện cho nông dân dễ dàng tiếp cận với công nghệ và dịch vụ, hỗ trợ họ trực tiếp tham gia thị trường. Trong quá trình xây dựng chính sách, cần loại bỏ sự chi phối của các nhóm lợi ích cục bộ. Thay vào đó, quan tâm ý kiến của đối tượng trực tiếp được thụ hưởng chính sách là người nông dân và doanh nghiệp, để có những điều chỉnh phù hợp, tránh tình trạng đã và đang xảy ra là chính sách cần thì không có, chính sách có thì không cần hoặc cần, nhưng không thể áp dụng được.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của chính sách, pháp luật đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn, cho nên từ tháng 2-2012, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thực hiện một chuyên đề giám sát về vấn đề này và sẽ được báo cáo tại Kỳ họp thứ ba, QH Khóa XIII đang diễn ra. Nhiều khả năng, một Nghị quyết giám sát chuyên đề về việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn sẽ ra đời. Ðiều này chắc chắn sẽ có sức nặng trong việc thay đổi những bất cập từ các chính sách cũ và mở hướng cho việc xây dựng những chính sách mới trên cơ sở thực tế hơn, rút ngắn khoảng cách giữa văn bản và đời sống, để chính sách thật sự phát huy vai trò đòn bẩy trong phát triển bền vững nền nông nghiệp của nước nhà.
Giai đoạn 2006-2011, tổng vốn đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn từ nguồn ngân sách Nhà nước và trái phiếu Chính phủ là 432.787 tỷ đồng, bằng 49,7% tổng vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Nhà nước và trái phiếu Chính phủ của cả nước. Nhà nước còn dành nguồn vốn dự phòng ngân sách T.Ư mỗi năm từ bảy đến tám nghìn tỷ đồng hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả thiên tai, lụt bão, dịch bệnh. Chi hơn hai nghìn tỷ đồng hỗ trợ nông dân thông qua chính sách miễn, giảm thuế nông nghiệp và khoảng tám nghìn tỷ đồng vốn xổ số kiến thiết hằng năm được ưu tiên tập trung cho lĩnh vực cơ sở hạ tầng phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn