Hằng năm, thất thoát sau thu hoạch trong sản xuất nông nghiệp lên tới hàng nghìn tỷ đồng, trong đó thất thoát lớn nhất là trong thu hoạch lúa ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL). Chỉ tính riêng một vụ, thất thoát gần 700 tỷ đồng.
|
Thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp tại huyện Châu Thành, tỉnh An Giang. Ảnh: TRÀNG DƯƠNG |
Chính phủ đã có nhiều chính sách giúp nông dân giảm thất thoát sau thu hoạch từ khâu giống, chăm sóc, mua máy móc, xây kho chứa..., nhưng đến nay, phần lớn nông dân vẫn chưa có điều kiện tiếp cận những chính sách này...
Sản phẩm nào cũng bị thất thoát
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT), mỗi năm, nông dân ÐBSCL thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng do thất thoát trong thu hoạch lúa, bình quân thất thoát khoảng 10-13% sản lượng, thiệt hại hơn 550 triệu USD/năm. Trong đó, cao nhất là khâu phơi sấy mất 4,2%, thu hoạch 3%, xay xát 3%, bảo quản 2,6%, vận chuyển gần 1%. Các tổn thất phụ phẩm khác của lúa gạo cũng lên đến 50%. Theo Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch, tại hai vựa lúa đồng bằng sông Hồng và ÐBSCL, tổn thất sau thu hoạch ở lúa là 10-12%, ngô 17-20%, rau quả có nơi lên đến 25%.
Không chỉ trên cây lúa, mà đối với cà-phê cũng vậy. Tại Ðác Lắc, những năm trước đây, sau khi thu hoạch cà-phê, do thiếu sân phơi, các nông hộ thường ủ cà-phê từ bốn đến bảy ngày, lúc gặp trời mưa, ủ đến mười ngày, khiến cà-phê giảm chất lượng. Ngoài ra, sản xuất cà-phê thiếu sân phơi nghiêm trọng. Mới đây, tỉnh Ðác Lắc đã đầu tư 8.710 tỷ đồng nhằm hỗ trợ nông dân giảm tổn thất sau thu hoạch, giai đoạn 2011-2015 để xây dựng 30 mô hình dạng tổ hợp bóc tẽ ngô, sấy nông sản; 15 mô hình dịch vụ máy gặt đập liên hợp; tập huấn, chuyển giao công nghệ cho 2.500 người và hỗ trợ lãi suất vay để ứng dụng cơ giới hóa trồng ca-cao, nâng diện tích đến năm 2015 là 6.000 ha. Từ nay đến năm 2015, Ðác Lắc phấn đấu giảm tổn thất cà-phê sau thu hoạch từ 14 đến 15% sản lượng hiện nay xuống còn 10%; cao-su từ 5 đến 7% xuống còn 2%; hồ tiêu từ 9 đến 10% xuống còn 7%; lúa từ 13 đến 14% xuống còn 10%.
Trong lĩnh vực hải sản, thất thoát sau thu hoạch trong các khâu chế biến, bảo ôn, vận chuyển cũng khá lớn. Ước tính, mỗi chuyến biển của ngư dân có khoảng 20 - 30% sản lượng khai thác bị tổn thất. Như vậy, mỗi năm, cả nước mất khoảng 400.000 tấn hải sản, tương đương 8.000 tỷ đồng. Tại tỉnh Khánh Hòa có sản lượng khai thác hải sản khoảng 70.000 tấn/năm. Do khâu bảo quản sản phẩm sau khai thác của ngư dân vẫn còn thô sơ (ướp đá), nên khối lượng thủy sản xuất khẩu chỉ đạt 40-50% sản lượng. Toàn tỉnh có 150 cơ sở thu mua thủy sản và nhà máy chế biến, trong đó có 121 cơ sở chưa có hệ thống bảo quản sản phẩm, chỉ dùng đá cây là chủ yếu.
Theo Tổng cục Thủy sản, hiện cả nước có gần 130.000 tàu cá các loại, song phần lớn là tàu nhỏ, điều kiện bảo quản sản phẩm sau khai thác không tốt. Ngư dân chủ yếu bảo quản thủy sản bằng nước đá lạnh, nhiệt độ dao động từ 0oC đến 5oC, thời gian bảo quản ngắn. Mặt khác, nhiều tàu không có thiết kế hầm bảo quản sản phẩm, hoặc có nhưng chỉ là hầm với những vật liệu đa dạng, không bảo đảm cách nhiệt tốt như gỗ tấm, xốp miếng ghép.
Hiệu quả chính sách hỗ trợ nông dân còn hạn chế
Từ năm 2004 đến 2008, thực hiện chủ trương của Chính phủ, đã có hơn 30 tỉnh, thành phố hỗ trợ tín dụng cho nông dân để mua máy móc, thiết bị sản xuất nông nghiệp; mức hỗ trợ từ 70 đến 80% giá trị máy, hỗ trợ lãi suất từ 50 đến 100%. Năm 2009-2010, trong gói kích cầu, Nhà nước cũng dành hơn 2.000 tỷ đồng hỗ trợ nông dân. Chính sách mua máy móc phục vụ sản xuất của Chính phủ góp phần đưa máy gặt đập liên hợp tăng từ 700 máy (năm 1997) lên 7.000 máy (năm 2011). Tuy nhiên, số lượng máy gặt nói trên chỉ đáp ứng được 50-60% nhu cầu thực tế.
Theo Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch, chính sách hỗ trợ của Nhà nước trong nhiều năm qua chưa thật sự hỗ trợ đắc lực giúp nông dân và các doanh nghiệp nhỏ trong lĩnh vực sản xuất máy nông nghiệp. Phần lớn các nhà máy hoạt động cầm chừng do mức độ rủi ro cao, dẫn đến phần lớn thiết bị máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp hiện nay đều phải nhập khẩu, nhiều loại với giá rất cao. Anh Nguyễn Viết Sáu, Phó Trưởng Ban điều hành chương trình cùng nông dân ra đồng của Công ty Bảo vệ thực vật An Giang chia sẻ về những bất cập trong thu hoạch lúa: Việc áp dụng máy móc vào sản xuất nông nghiệp là một giải pháp tốt, nhưng thực tế cho thấy, một số máy gặt đập liên hợp hiện nay không đồng bộ, cho nên quá trình thu hoạch còn rơi rụng nhiều, nhất là khâu vận chuyển. Bên cạnh đó, việc thiếu sân phơi cũng làm khâu bảo quản khó khăn. Lúa gặt về phải sấy ngay thì mới không ảnh hưởng đến chất lượng.
Trước thực trạng nêu trên, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 65/2011/QÐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 63/2010/QÐ-TTg về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản. Ngoài các dự án đầu tư xây dựng kho dự trữ bốn triệu tấn lúa, ngô; kho lạnh bảo quản thủy sản, rau quả và kho tạm trữ cà-phê đã được quy định tại Quyết định 63 thì các dự án đầu tư chế tạo máy móc, thiết bị nông nghiệp nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch cũng sẽ được áp dụng lãi suất tín dụng đầu tư phát triển. Các doanh nghiệp đầu tư dự án, kho lạnh bảo quản rau quả, thủy sản, cà-phê theo quy hoạch được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong ba năm đầu đi vào hoạt động và giảm 50% trong hai năm tiếp theo...
Cần những giải pháp đồng bộ
Viện trưởng Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch Chu Văn Thiện cho biết, trong nhiều năm qua, Viện đã và đang gấp rút chế tạo máy gặt đập liên hợp để có thể trang bị đại trà cho nông dân; nghiên cứu sản xuất máy sấy năng suất chất lượng cao, thông qua công nghệ năng lượng tái tạo dùng trấu, lõi ngô, vỏ cà-phê, giúp nông dân hình thành cơ sở sản xuất chế biến rau củ quả theo công nghệ sinh học. Viện đã đề nghị Nhà nước có những chính sách đồng bộ trong xây dựng các kho xưởng cũng như mua bình si-lo chứa thóc. Ðồng thời đề nghị Bộ Tài chính cấp kinh phí để nghiên cứu và nhập khẩu dây chuyền sản xuất bình si-lo.
Tìm giải pháp cho sấy lúa, các chuyên gia ở Viện lúa ÐBSCL đã áp dụng thành công công nghệ mới trong phơi sấy lúa, hệ thống sấy cần thiết và phù hợp với vùng để bảo đảm chất lượng lúa gạo. Viện kiến nghị Chính phủ ban hành những chính sách phù hợp thực tế sản xuất ở các địa phương. Khu vực ÐBSCL hiện có 9.600 máy sấy, cần thêm khoảng 8.000 máy sấy với năng suất trung bình 8,8 tấn/mẻ để có thể giải quyết tất cả các nhu cầu bảo quản lúa sau thu hoạch. Nhà nước nên tập trung đầu tư trọng điểm vào những cây trồng và một số khâu ảnh hưởng trực tiếp đến giảm tổn thất như thu hoạch, sấy, bảo quản.
Trao đổi ý kiến với chúng tôi, Cục trưởng Trồng trọt Nguyễn Trí Ngọc cho biết: Trước mắt chúng ta đang tập trung giảm thất thoát sau thu hoạch ở cây lúa, nếu tập trung tốt từ khâu xuống giống, chăm bón, né rầy cho đến khi thu hoạch, sấy, bảo quản, xay xát..., chắc chắn sẽ hạn chế được thất thoát đến mức tối đa, góp phần tăng năng suất lao động cho người dân. Hiện nay, việc đầu tư đã đạt được 50-60% số máy gặt tại một số tỉnh ÐBSCL, gần 50% số máy sấy, khoảng 70 kho. Ðối với cà-phê cũng vậy, nếu cứ đơn thuần theo lối mòn hái bằng tay thì thất thoát rất lớn, nhưng khi đưa công nghệ máy hái cà-phê vào đã giảm thất thoát rất nhiều.
Thực tế, giảm tổn thất sau thu hoạch tức là công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp. Mỗi năm, thất thoát sau thu hoạch lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Nếu đầu tư một phần số tiền này vào chế tạo máy nông nghiệp, xây dựng các kho chứa thì chắc chắn sẽ giảm tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch xuống thấp là điều hoàn toàn khả thi.
Nguồn nhanhdan. org.vn