Anh Trần Văn Thuấn từng trải qua tuổi thơ thiếu thốn sách vở học tập, mỗi lần muốn đọc sách phải đạp xe đi hàng chục cây số. Nhờ ham học mà anh tích lũy được những kinh nghiệm học tập cho bản thân, tự mình ôn thi và thi đỗ đại học chỉ dựa vào những cuốn sách anh đã tham khảo. Ước nguyện mở thư viện ở quê cho trẻ em nghèo có cơ hội tiếp cận với sách xuất phát từ thực tế mà anh đã trải nghiệm. Ðến nay, thư viện Chùa Sàng ở Lý Nhân (Hà Nam) của anh Thuấn và nhóm bạn thành lập đã có hàng nghìn đầu sách, thu hút được nhiều học sinh trong làng lẫn những vùng phụ cận đến mượn sách. Khó khăn đầu tiên mà những người lập tủ sách như anh Thuấn vấp phải là những định kiến từ lâu cho rằng văn hóa đọc không tồn tại ở nông thôn. Thời nay in-tơ-nét phát triển người thành thị còn không đọc sách, liệu người nông thôn có quan tâm đến sách hay không? Thiết chế thư viện cấp xã, huyện đã xây dựng từ lâu song hoạt động kém hiệu quả, người đọc vẫn thờ ơ với sách báo, liệu những mô hình mới sẽ hoạt động thế nào? Có người còn quan niệm đọc sách là sở thích riêng, không thể bắt ép. Ðọc sách lại không phải là thói quen của phần lớn người nông thôn, trẻ em nông thôn không được thừa hưởng vốn liếng về sách và thói quen đọc sách từ cha mẹ. Nghĩa là không phải ai cũng nhận ra lợi ích của việc đọc sách. Trong quan niệm của nhiều phụ huynh - kể cả ở thành thị, sách chỉ đơn thuần là sách giáo khoa và chỉ cần học ở trường là đủ, các loại sách khác chỉ là phương tiện giải trí.
Quả thực, xét trên phương diện nhất định, dường như văn hóa đọc không tồn tại ở nông thôn, vì phần lớn sách báo được phát hành và "tồn đọng" chủ yếu ở thành thị, trong khi thiết chế thư viện cấp xã, huyện hoạt động kém hiệu quả, lại không phải là mô hình gần gũi với người dân. Ðọc sách đúng là sở thích cá nhân của mỗi người, nhưng nếu không được khuyến khích, không có cơ hội tiếp cận, người ta sẽ không ý thức được nhu cầu đọc - một trong những kỹ năng quyết định hình thành khả năng tư duy và phát triển trí tuệ con người, một kênh quan trọng để cập nhật thông tin, nâng cao hiểu biết. Có thể trong thời đại công nghệ thông tin phát triển như hiện nay, vai trò cập nhật tri thức của sách bị yếu thế trước các phương tiện truyền thông hiện đại, nhưng lịch sử phát triển dài lâu của văn hóa đọc đã chứng minh sách có vai trò to lớn truyền bá tri thức một cách hệ thống, sâu sắc. Hơn nữa, không thể nhìn vào văn hóa đọc của người thành thị để nhận diện áp đặt nhu cầu đọc sách của người ở nông thôn, đặc biệt là trẻ em độ tuổi đến trường. Ở nhiều vùng nông thôn nước ta hiện vẫn tồn tại một số hủ tục, tệ nạn do sự thiếu hiểu biết gây nên. Như vậy, để đời sống người dân nông thôn thay đổi theo chiều hướng tiến bộ rất cần đến sách, báo để nâng cao tri thức và thay đổi nhận thức. Hơn nữa, một bộ phận không nhỏ trẻ em nghèo nông thôn hiếu học có nhu cầu tiếp cận sách báo. Tại các điểm trường ở vùng núi cao Tây Bắc (tiêu biểu là các trường nội trú dân nuôi) và Tây Nguyên, sách và các ấn phẩm phục vụ học tập vẫn thiếu trầm trọng, cho thấy một đời sống văn
hóa - tri thức còn nghèo nàn, thiệt thòi cho thế hệ tương lai; do đó việc khuyến khích và vận động các nguồn lực mang sách về nông thôn là hành động cần thiết và cấp bách.
Nhìn vào một số mô hình tủ sách hiệu quả hiện nay, sẽ thấy lộ trình xây dựng tủ sách thường có nguyên tắc chung như xác định đối tượng phục vụ chính của tủ sách, địa điểm đặt tủ sách, người quản lý, vấn đề tự bổ sung nguồn sách và hiệu ứng nhân rộng các mô hình. Tùy theo đối tượng phục vụ chính của tủ sách và điều kiện kinh tế - xã hội của mỗi vùng mà xây dựng mô hình tủ sách phù hợp. Ðối với cộng đồng có tổ chức như dòng họ, trường học thì việc xác định và nhân rộng mô hình dễ dàng hơn.
Mô hình Tủ sách dòng họ do dòng họ quản lý, đặt ngay tại nhà thờ họ hoặc một hộ có điều kiện trong họ, nguồn sách được quyên góp và bổ sung bởi quỹ do dòng họ lập nên, hoặc từ những người con xa quê gửi về, đối tượng phục vụ tủ sách với chủ trương không chỉ dành cho bà con trong họ mà còn phục vụ bà con xóm giềng thuộc dòng họ khác. Với trường học, mô hình Tủ sách phụ huynh đặt ngay trong mỗi lớp học để phục vụ việc đọc cho học sinh trong giờ ra chơi hoặc rất thuận tiện để học sinh tự quản lý và mượn sách, nguồn sách do phụ huynh đóng góp với chi phí nhỏ nhưng sẽ mang lại lợi ích lớn cho việc tiếp cận kiến thức của con em mình. Ðối với cụm dân cư hay trường học thuộc vùng sâu vùng xa, việc xây dựng tủ sách gặp nhiều khó khăn trong việc xác định mô hình, bởi rất khó tìm được người quản lý tủ sách tâm huyết và vấn đề bổ sung nguồn sách.
Ở Thái Bình hiện nay có mô hình Không gian đọc do anh Phạm Bắc Cường khởi xướng dành cho cộng đồng ở cụm dân cư, đang là điểm sáng của phong trào đưa sách về nông thôn. Khó khăn nhất của Không gian đọc là tìm được người địa phương tâm huyết với văn hóa đọc, tự nguyện trông coi tủ sách, quản lý việc mượn - trả sách và giúp chương trình khảo sát nhu cầu và thị hiếu đọc sách của bạn đọc địa phương để có cơ sở định hướng bổ sung danh mục sách. Anh Phạm Bắc Cường chia sẻ: "Có lẽ, không có gì tập cho bạn sự nhẫn nại hơn là gửi tặng sách, báo, đĩa cho nông thôn, vùng sâu vùng xa! Phải chọn lựa được đúng sách, báo, đĩa phù hợp với lứa tuổi, giới tính, nghề nghiệp, trình độ, sự quan tâm và phải biết khơi gợi sở thích đọc, say mê đọc".
Vượt qua được định kiến xã hội, kể cả người thân, để thực hiện việc "sách hóa nông thôn", nhiều người đã phải hy sinh cả công việc riêng để biến việc "vác tù và hàng tổng" này thành sự nghiệp của cuộc đời. Thư viện Chùa Sàng của anh Thuấn gặp khó khăn về bổ sung nguồn sách. Thư viện nằm trong khuôn viên chùa làng Sàng, tuy được chính quyền xã và nhân dân ủng hộ nhưng đây vẫn là vùng quê nghèo, chưa thể huy động nguồn tài chính từ địa phương để mua sách. Thuấn và nhóm bạn đang học tập, làm việc ở Hà Nội buộc phải tự tìm kiếm nguồn sách bằng việc chủ động tìm đến các tấm lòng hảo tâm để xin sách, đôi khi được hỗ trợ tài chính thì Thuấn mua các cuốn sách phù hợp với bạn đọc của thư viện chùa Sàng. Sau gần ba năm, thư viện đã có đầy đủ các thư mục sách Tôn giáo, Văn học, Khoa học, sách tham khảo các cấp học, thậm chí sách Triết học. Thuấn chia sẻ bí quyết thu hút bạn đọc nhỏ tuổi đến thư viện theo phương châm "Mưa dầm thấu lâu". Biết thói quen chung của trẻ nhỏ là không thích đọc sách, chỉ thích đọc truyện tranh, lúc đầu thư viện Chùa Sàng cập nhật nhiều truyện tranh khiến nhiều em tìm đọc, trong quá trình đến mượn sách, được người quản lý thư viện là vị trụ trì Thích Ðàm Nam động viên, các em dần chuyển qua đọc các loại sách như văn học, khoa học thường thức, dạy làm người, sách tham khảo... Dần dần, khi các em đã có thói quen đến thư viện khi rảnh rỗi, truyện tranh không còn cập nhật nữa và được cất đi, nhường chỗ cho các cuốn sách bổ ích hơn. Thư viện Chùa Sàng chủ yếu hướng đến học sinh, thể loại các em cần nhất là sách tham khảo phục vụ học tập. Tiếng lành đồn xa, học sinh các làng xã lân cận cũng đạp xe qua xin mượn sách, đó là tín hiệu vui mà cũng là áp lực cho những người quản lý thư viện bởi số lượng sách có hạn. Thuấn từng vận động các bạn của mình hiến máu nhân đạo để lấy tiền hỗ trợ mua sách cho thư viện, bản thân anh đã 12 lần hiến máu.
Như vậy về cơ bản, phong trào đưa sách về nông thôn đã góp phần thay đổi nhận thức của cộng đồng về văn hóa đọc, theo đó đọc sách cũng là một cách học, chia sẻ những cuốn sách cho người khác là chia sẻ tri thức cùng phát triển. Phong trào này cần sự chung tay hỗ trợ của cộng đồng, nhất là sự quan tâm hơn nữa của chính quyền các cấp, các cơ quan liên quan như thư viện, giáo dục trong việc hỗ trợ nguồn vật chất, tạo điều kiện về cơ chế để các mô hình tủ sách hoạt động hiệu quả.