Tại cuộc họp, ông Biện Tấn Tài, Phó Giám đốc Sở Công thương Bình Thuận cho biết: "Hiện cả tỉnh có diện tích hơn 30.000 ha thanh long, mỗi năm cho sản lượng trái khoảng 500.000 tấn, chủ yếu vẫn là xuất khẩu sang Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch, chiếm khoảng 70%".
Do ảnh hưởng của dịch viêm phổi cấp do virus Corona gây ra tại Trung Quốc, hàng loạt cửa khẩu biên giới phía bắc giáp Trung Quốc bị tạm ngừng thông quan hàng hóa. Do vậy, thanh long Bình Thuận nói chung và của Việt Nam nói riêng đang dồn ứ.
Thanh long Bình Thuận bị dồn ứ do ảnh hưởng của dịch viêm phổi cấp Corona.
Hiện nay trong các kho chứa thanh long tại Bình Thuận còn khoảng 4.000 tấn chưa xuất được. Sức mua của các nậu vựa thanh long gần như đứng lại, hoặc có thu mua thì với giá rất rẻ, chỉ 4.000 đồng/kg, loại đẹp nhất cũng chỉ 10.000 đồng/kg.
Trong khi đó, đây đang là mùa thu hoạch thanh long trái vụ, do bà con nông dân chong đèn. Theo ước tính của Sở NNPTNT Bình Thuận, diện tích trái chín còn treo trên cây khoảng từ 8.000 đến 10.000 ha, tương đương khoảng 100.000 tấn trái sắp thu hoạch.
“Bình Thuận mong nhận được chia sẻ từ các hệ thống siêu thị nhằm tiêu thụ thanh long giúp nông dân. Tỉnh có chủ trương là đưa các siêu thị có nhu cầu thu mua thanh long đến vùng trồng trực tiếp để xem, giao dịch, kí hợp đồng”, ông Tài cho biết thêm.
Tại buổi họp, Sở Công Tthương TP.HCM đã giới thiệu thêm với tỉnh Bình Thuận các đại diện đến từ hệ thống siêu thị Big C, Công ty TNHH MM Mega Market, Liên hiệp Hợp tác xã TP.HCM - Sài Gòn Co.op.
Theo bà Nguyễn Huỳnh Trang - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, đây là các hệ thống cửa hàng thực phẩm có chi nhánh tại miền Trung và miền Bắc khá mạnh.
Bà Trang cho rằng, việc thu mua và tiêu thụ thanh long tươi tại chỗ hiện nay không hiệu quả, cần hướng đến tiêu thụ ở những địa phương không trồng được loại quả này.
Đối với thanh long, việc chế biến thương phẩm như sấy khô, sấy dẻo… là rất khó bởi lượng nước trong quả quá nhiều. Nhiều đơn vị thu mua cũng đã phản ánh khó khăn như trên nên không tăng cường mua thêm mà chỉ gia công nếu có đơn đặt hàng.
Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM khẳng định, những sản phẩm chế biến từ thanh long Bình Thuận sẽ được TP.HCM hỗ trợ đầu ra.
Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho rằng hiện nay vẫn còn quá thiếu nông sản đạt chuẩn xuất khẩu.
"Vừa rồi chúng tôi hỏi lại trong số hàng tồn không thể xuất sang Trung Quốc, có được bao nhiêu thanh long đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu sang nước khác thì số lượng là 0. Do đó nếu chúng ta sản xuất mà không có tiêu chí, không có tiêu chuẩn rõ ràng, thì mỗi khi thị trường Trung Quốc có vấn đề, chúng ta lại cứ phải giải cứu đi giải cứu lại" - bà Trang chia sẻ.
“Thị trường miền Nam và TP.HCM hiện nay rất khó để tăng thêm các mặt hàng nông sản trái cây, vì gần như đã bão hòa quanh năm, nhưng thị trường miền Trung và miền Bắc thì có thể sẽ rất cần, do đó đây là một trong những giải pháp có thể tính đến hiện nay cho việc tiêu thụ nông sản”, bà Trang nói.
Phát biểu tại cuộc họp, đại diện Saigon Co.op cho biết hệ thống Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food đang bán thanh long ruột trắng và ruột đỏ với giá khuyến mãi từ 4.800 đồng/kg đến quanh mức 9.900 đồng/kg. Tuần vừa qua, Saigon Co.op tiêu thụ khoảng 100 - 150 tấn thanh long, đạt mức kịch trần và tăng 2-3 lần so với những tuần trước đó.
Ông Nguyễn Tô Kiều Trinh - Giám đốc thu mua của hệ thống Big C - cho biết vừa qua Big C cũng đã triển khai thu mua một số nông sản ở Đồng Tháp, và đang tiến tới việc xem xét mua các mặt hàng nông sản đang gặp khó khăn về xuất khẩu như thanh long.
“Tuy nhiên, chúng tôi nhắn gửi đến người nông dân rằng chúng ta không nên có tư tưởng tiếc rẻ, thấy được mua rồi lại đẩy giá lên cao. Hãy thực tế tính toán rằng mình còn có thể kiếm lại được bao nhiêu, thì việc thu mua trong giai đoạn này sẽ thuận lợi hơn”- ông Trinh nhắn nhủ.
Theo Quỳnh Nguyễn/danviet.vn
Xem bài viết gốc tại đây
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn