Cán bộ Điện lực Sơn Dương lắp đặt trạm biến áp.
Ngay sau khi tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn, Điện lực Sơn Dương đã khảo sát thiết kế, lập dự toán cải tạo tối thiểu lưới điện hạ áp nông thôn mới tiếp nhận. Đã có hàng chục nghìn công tơ và 60km đường dây hạ thế cũ được thay thế, nâng cấp nhằm đảm bảo an toàn vận hành và chất lượng điện năng phục vụ nhân dân. Đơn vị cũng chú trọng công tác quản lý kỹ thuật - an toàn bảo hộ lao động, thực hiện nghiêm túc chỉ thị liên tịch và nghị quyết liên tịch của Tổng giám đốc và Công đoàn Tổng công ty về việc “Đảm bảo an toàn lao động - Ý thức và trách nhiệm”; “Văn hóa an toàn lao động và kỷ luật lao động”.
Theo đó, công tác bảo đảm an toàn từng bước đi vào nề nếp, đảm bảo cấp điện an toàn, liên tục, đạt yêu cầu về chất lượng điện năng. Hàng quý, đơn vị chỉ đạo các tổ quản lý điện tổ chức diễn tập sự cố, quản lý sát việc vận hành đường dây và trạm biến áp, theo dõi để xử lý kịp thời những hư hỏng, sự cố cục bộ, không để xảy ra sự cố trên toàn hệ thống lưới điện. Công tác bảo vệ hành lang lưới điện thường xuyên được quan tâm, thông qua việc giải quyết kịp thời các vụ vi phạm hành lang. Do vậy, Điện lực Sơn Dương luôn đạt các chỉ tiêu vận hành được giao hàng tháng, trong nhiều năm luôn được Công ty Điện lực Tuyên Quang công nhận dẫn đầu về công tác quản lý kỹ thuật và an toàn bảo hộ lao động.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Trường Giang, Giám đốc Điện lực Sơn Dương, cho biết: Thời gian qua, đơn vị đã tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền giúp cán bộ, nhân viên nhận thức rõ mục đích, ý nghĩa của Chương trình XDNTM, đồng thời gắn nhiệm vụ đó với thực hiện kế hoạch của từng tháng, quý. Mỗi cán bộ, nhân viên xây dựng cho mình kế hoạch phù hợp với chức trách, nhiệm vụ được giao, phấn đấu hoàn thành tốt công việc, cùng chung tay thực hiện chủ trương lớn này. Đơn vị phối hợp với các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân đóng góp ngày công lao động để kéo dây, dựng cột nhằm đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành tiêu chí về điện.
Đến với Tân Trào, xã điểm đầu tiên của tỉnh Tuyên Quang về đích NTM, chúng tôi dễ dàng nhận thấy những chuyển biến tích cực, việc đưa điện về nông thôn giúp bà con tiếp cận khoa học kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào sản xuất.
Ông Hoàng Cao Khải, Chủ tịch UBND xã Tân Trào, chia sẻ: Ngay từ khi bắt tay vào thực hiện chương trình, xã đã triển khai thực hiện đồng bộ các tiêu chí, trong đó tiêu chí về điện được quan tâm nhất. Năm 2011, toàn xã mới có 67% số hộ gia đình được sử dụng điện thường xuyên, đến nay, 8/8 thôn đều có điện lưới quốc gia, trên 1.225 hộ được sử dụng điện, đạt 96%. Có điện, bà con tích cực đưa các trang thiết bị hiện đại vào sử dụng trong sản xuất, sinh hoạt, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Từ những dự án nâng cao chất lượng điện nông thôn, hiện nay, diện mạo nông thôn của huyện Sơn Dương đã có những thay đổi tích cực. Người dân đổi mới tư duy trong phát triển kinh tế.
Ông Hà Quang Chúc, Phó chủ tịch UBND huyện Sơn Dương, đánh giá: “Để đảm bảo cung cấp điện an toàn và liên tục trên một địa bàn rộng, Điện lực huyện đã nỗ lực rất nhiều trong việc phát triển nguồn và lưới điện, đưa ánh sáng đến từng hộ dân. Những thành tựu về phát triển kinh tế - xã hội mà Sơn Dương đã đạt được có đóng góp không nhỏ của ngành điện, góp phần điện khí hóa nông thôn, mở rộng sản xuất, chuyển đổi phương thức làm ăn cho bà con, từ đó xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu”.
Sơn Dương hiện có 346,984km đường dây trung thế. Điện lực đang quản lý lưới điện hạ thế sau các trạm biến áp phân phối công cộng của ngành điện với tổng chiều dài đường dây 0,4kV và 0,22 kV là 866,476km. Đến nay, toàn huyện có 33/33 xã, thị trấn; 425/426 thôn có điện lưới quốc gia; tỷ lệ hộ dân có điện lưới quốc gia đạt 99,96%. |
Theo Đức Sơn/kinhtenongthon.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn