Song, dưới sự lãnh đạo của Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội, sự lãnh đạo trực tiếp của Huyện ủy, cán bộ, đảng viên, nhân dân các dân tộc trong huyện đã đoàn kết, vượt qua khó khăn, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
|
Thanh long ruột đỏ mang lại hiệu quả kinh tế cao của huyện Thạch Thất. |
Vận dụng sáng tạo Nghị quyết của Đảng vào thực tiễn địa phương, đồng thời bám sát sự lãnh đạo của Thành ủy, UBND TP Hà Nội, Huyện ủy Thạch Thất đã xác định "Phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt". Trên lĩnh vực xây dựng Đảng, Huyện ủy Thạch Thất đã có nhiều nghị quyết, chỉ đạo các tổ chức cơ sở Đảng không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các đảng viên; nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý, điều hành của các cấp chính quyền, tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của MTTQ và các đoàn thể chính trị xã hội. Đặc biệt là triển khai Chỉ thị số 03/CT-TƯ về "Tiếp tục đẩy mạnh học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" và Nghị quyết TƯ 4 (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" đã và đang được Huyện ủy chỉ đạo nghiêm túc và được coi là nhiệm vụ thường xuyên ở các cấp ủy Đảng và mỗi đảng viên. Trên cơ sở 9 chương trình công tác của Thành ủy, Huyện ủy Thạch Thất đã cụ thể hóa bằng 7 chương trình công tác, trong đó chú trọng tới hai chương trình lớn về xây dựng Đảng, chính quyền, đoàn thể và chương trình phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới.
Sau khi hợp nhất, huyện Thạch Thất đã khẩn trương quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch ngành đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Huyện đã quy hoạch 9 làng nghề truyền thống, gắn với 9 cụm điểm công nghiệp với diện tích 263,94ha, tỷ lệ lấp đầy đạt 70%; đẩy mạnh phát triển kinh tế theo hướng nâng cao tỷ trọng giá trị sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN). Đến nay trên địa bàn huyện có 710 doanh nghiệp, 20.000 hộ hoạt động sản xuất, kinh doanh trên lĩnh vực CN-TTCN và ngành nghề, thu hút trên 82.000 lao động có việc làm. Giá trị sản xuất hằng năm tăng bình quân 16,22% và năm 2012 đạt gần 2.000 tỷ đồng, chiếm 66,8% cơ cấu kinh tế huyện. Thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, hiệu quả và bền vững, huyện Thạch Thất đã thu được nhiều kết quả, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và áp dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất đem lại hiệu quả cao. Tốc độ tăng trưởng nông nghiệp bình quân hằng năm là 6,5% và toàn huyện hiện có hơn 120 mô hình kinh tế, nông nghiệp kết hợp thủy sản và trồng cây ăn quả với diện tích 250ha, đạt giá trị 75-100 triệu đồng/ha. Huyện đã quy hoạch được vùng sản xuất nông nghiệp đạt giá trị cao 286ha; trong đó trồng hoa 5ha, trồng rau an toàn 46ha, trồng cây thanh long đỏ 35ha và 200ha trồng lúa cao sản. Từ một huyện kinh tế thuần nông, đến năm 2012 giá trị CN-TTCN chiếm 66,8%; thương mại và dịch vụ chiếm 18,4%; nông, lâm nghiệp chiếm 14,8% tỷ trọng giá trị kinh tế. Đặc biệt, sau hai năm triển khai xây dựng nông thôn mới, đến nay 100% số xã đã xây dựng xong đề án và quy hoạch; một số xã đã triển khai thực hiện đề án chuyển đổi ô thửa nhỏ sang ô thửa lớn, đưa máy móc và áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào các khâu sản xuất. Thực hiện cuộc vận động "Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới", có hàng trăm hộ hiến đất, đóng góp hàng vạn ngày công để xây dựng hạ tầng cơ sở nông thôn. Bằng các nguồn vốn của Nhà nước, địa phương và nhân dân đóng góp, 5 năm qua, toàn huyện đã đầu tư gần 4.000 tỷ đồng xây dựng điện, đường giao thông, trường học, trạm y tế và các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất. Gần 100% đường liên xã, đường làng, ngõ xóm được cứng hóa, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt, bộ mặt nông thôn của huyện khang trang, sạch sẽ. Xã Đại Đồng đã đạt 19/19 tiêu chí, 3 xã đạt 14-17 tiêu chí, 18 xã đạt 10-13 tiêu chí.
Cùng với phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, lĩnh vực văn hóa - xã hội cũng được Huyện ủy quan tâm lãnh đạo. Đến năm 2012, số thôn, làng, cụm dân cư văn hóa chiếm 73,5%; cơ quan văn hóa 78,8% và có 85% hộ gia đình được công nhận gia đình văn hóa. 100% số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế, 35% số trường đạt chuẩn quốc gia, giữ vững phổ cập tiểu học và THCS, phổ cập THPT đạt 78% đối tượng; mỗi năm bình quân đào tạo và giới thiệu việc làm 4.200-4.500 lao động; tỷ suất sinh thô giảm 0,8%o/năm; tỷ lệ dân số được dùng nước hợp vệ sinh đạt 100%; không có hộ đói, hộ nghèo còn 4,8%. An ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững; công tác quốc phòng và quân sự địa phương đều hoàn thành 100% kế hoạch hằng năm.
Với những thành tích về phát triển kinh tế - xã hội những năm qua, năm 2012, huyện Thạch Thất vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba.