Điều hành chính sách tiền tệ năm 2012: "Làn gió mới" cho hệ thống ngân hàng
Thứ năm - 23/02/2012 04:46
Thông điệp được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra tại buổi họp báo về việc điều hành tín dụng năm 2012 đã được nhiều chuyên gia nhìn nhận như một “làn gió mới” thổi vào hệ thống ngân hàng Việt Nam. Việc chia các tổ chức tín dụng thành 4 nhóm để giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm 2012 là bước khởi động cho quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng Việt Nam trong giai đoạn tới đây. Theo các chuyên gia, từ thông điệp này của NHNN, bản thân mỗi tổ chức tín dụng tự nhận thấy cần phải kiểm tra lại “sức khỏe” của mình bởi tổ chức tín dụng nào có “sức khỏe” tốt mới có cơ hội tốt để phát triển.
“Bắt bệnh” để “cho thuốc”
Tại buổi làm việc với báo chí mới đây, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Đồng Tiến cho biết, NHNN sẽ chia các tổ chức tín dụng thành 4 nhóm để giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm 2012.
Hoạt động giao dịch tại Hội sở Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn – Hà Nội (SHB). Ảnh: Trần Việt - TTXVN
Cụ thể, nhóm 1 hoạt động tương đối an toàn, lành mạnh và ổn định sẽ có chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cao nhất là 17%; nhóm thứ hai yếu hơn một chút thì được tăng trưởng 15%. Nhóm thứ 3 ở mức độ thấp hơn nữa, được tăng trưởng 8%. Còn nhóm thứ 4 thuộc diện phải cơ cấu lại, có nhiều nguy cơ và biểu hiện mất an toàn thì không được tăng trưởng tín dụng trong năm 2012.
Ông Tiến cho biết, hiện có “mươi” ngân hàng thuộc nhóm 4 và những ngân hàng thuộc nhóm này phải thực hiện cơ cấu lại các khoản nợ, thu hồi nợ và làm lành mạnh hoạt động trước khi có thể được xem xét điều chỉnh chỉ tiêu. Như thế, hoạt động đối tượng này vẫn được duy trì, tài sản được cơ cấu lại theo hướng an toàn và chất lượng hơn.
Sau 6 tháng, Ngân hàng Nhà nước sẽ đánh giá lại toàn bộ quá trình thực hiện, những đơn vị nào hoạt động tốt, sẽ điều chỉnh tổ chức tín dụng từ nhóm này sang nhóm khác và thay đổi mức tăng tín dụng đối với từng đơn vị. Ở phạm vi rộng hơn, nếu các tổ chức tín dụng hoạt động lành mạnh, hiệu quả, NHNN sẽ xem xét khả năng nới lỏng các biện pháp kiểm soát tín dụng và ngược lại.
Theo ông Nguyễn Đồng Tiến, tính toán như vậy cũng là một trong những biện pháp để NHNN kiểm soát tổng mức tăng trưởng tín dụng năm 2012 không quá 15% - 17%. Đó cũng là cách để NHNN bắt bệnh và cho thuốc, đồng thời tránh chuyện “cào bằng”.
“Thắt chặt” cho vay lĩnh vực “không khuyến khích”
Một nội dung đáng chú ý trong chính sách tín dụng năm 2012 của NHNN là định hướng hoạt động cho vay phi sản xuất. Năm nay, trong các thông tin vừa công bố, NHNN đã sử dụng từ “không khuyến khích” để nói về lĩnh vực này, thay vì “phi sản xuất” dễ gây tranh cãi trong cách hiểu, phân loại.
Cụ thể, tại Thông tư số 674/NHNN về kiểm soát hoạt động tín dụng năm 2012 nêu rõ, các tổ chức tín dụng (trừ các công ty tài chính được NHNN cấp giấy phép chuyên ngành hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực tín dụng tiêu dùng) kiểm soát tỷ trọng dư nợ cho vay đối với các lĩnh vực không khuyến khích so với tổng dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng trong suốt cả năm 2012 tối đa là 16%.
Dư nợ cho vay đối với các lĩnh vực không khuyến khích bao gồm: Dư nợ cho vay để đầu tư và kinh doanh chứng khoán, trong đó loại trừ dư nợ cho vay đối với người lao động của công ty nhà nước để mua cổ phần phát hành lần đầu khi chuyển công ty nhà nước thành công ty cổ phần. Dư nợ cho vay đối với nhu cầu để phục vụ đời sống, cho vay thông qua nghiệp vụ phát hành và sử dụng thẻ tín dụng (gọi là cho vay tiêu dùng), trong đó loại trừ dư nợ cho vay đối với nhu cầu để xây dựng, sửa chữa nhà và mua nhà để ở mà nguồn trả nợ bằng tiền lương, tiền công của khách hàng vay.
Điều đáng chú ý là trong văn bản này có một nhóm được loại trừ khỏi giới hạn: Nhóm nhu cầu vay để xây dựng các công trình, dự án phát triển nhà ở sắp hoàn thiện và sẽ được bàn giao hoặc đưa vào sử dụng trong năm 2012 theo nội dung hợp đồng trong hoạt động xây dựng giữa chủ đầu tư và nhà thầu, hợp đồng mua bán tài sản, hợp đồng mua bán nhà ở, hợp đồng thuê tài sản.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến cuối năm 2011, tỷ trọng tín dụng không khuyến khích của hệ thống đã được kiểm soát ở khoảng 11,3%, tuy nhiên có một số tổ chức tín dụng vượt 16% và NHNN sẽ có biện pháp xử lý. Riêng tín dụng bất động sản, tỷ trọng trên 10% trước đây hiện đã được rút xuống ở khoảng 9%.