Nằm trong bối cảnh chung của toàn huyện, là vùng bán sơn địa, lại dồn đất cho các khu công nghiệp (KCN), bởi thế Tam Hợp đất chật, người đông, đất canh tác cạn dần.
Theo ông Tạ Văn Phòng, Chủ tịch UBND xã thì 40% đất của xã dành xây dựng các KCN. Có nghĩa là non nửa số đất (trong đó hầu hết là đất canh tác) đã bị các KCN “ngốn” mất. Trong cái khó đó, Tam Hợp lại “ló” ra nhiều cái khôn.
Vì biết "thu vén", nên tuy ruộng đất ít mà thất nghiệp ở địa phương này hầu như không có. Đường xá khang trang, luôn phong quang, sạch đẹp.
Nhưng như trên đã nói, cái đặc biệt của Tam Hợp không phải là phát triển kinh tế, mà là công tác vệ sinh, xử lý rác và bảo vệ môi trường xanh - sạch - đẹp đã từ lâu được địa phương làm có bài bản, chất lượng, nề nếp. Dường như giữ cho môi trường cuộc sống trong lành, sạch sẽ, đã ngấm vào máu, thành ý thức tự giác của mỗi người dân.
Xây dựng lò đốt rác, nhưng để vận hành nó đều đặn, không phải đơn giản. HTX Dịch vụ môi trường được thành lập. HTX này có nhiệm vụ thu gom, vận chuyển rác cho vào lò đốt. Rác được phân loại cẩn thận, cứ 2 ngày một lần, rác được xử lý. Những chiếc xe nhỏ gọn, luồn lách trong các ngõ xóm để thu gom.
Ban Quản lý có 7 - 8 người, thành lập các tổ thu gom. Tổ này do dân đóng góp, có nghĩa là do dân “nuôi”. Mỗi thôn cử ra 2 - 3 người thu gom rác. Khi chúng tôi về Tam Hợp, thấy ý thức người dân rất cao. Rác được cho vào túi, buộc kín, đặt ở đầu cổng hoặc một nơi cố định. Có gia đình còn đóng đinh treo lên tường.
Tam Hợp có 9 thôn, thành lập được 9 tổ thu gom rác. Có thôn dân góp tiền, trả lương cho người đi thu gom. Có thôn, Hội Phụ nữ lại đứng ra quản lý, cả nhân lực lẫn kinh phí. Các thành viên thu gom rác tự nguyện không nhận tiền công.
Khoản tiền thu được, dành cho việc thu gom rác, bảo vệ môi trường, được Hội Phụ nữ dành để tổ chức những chuyến tham quan, du lịch vào dịp cuối năm. Tất cả các thành viên đều được tham gia và rất phấn khởi. Đó chính là cách “trả công” rất có văn hóa.
Cũng theo ông Tạ Văn Phòng, lò đốt có giám đốc phụ trách, hoạt động với kỹ thuật cao. Xã đã dành ra hơn 3.000m2 để xây lò đốt rác. Tro từ lò đốt, dùng làm phân bón rất tốt. Xã đang có kế hoạch sản xuất phân bón sinh học từ loại tro này. Hy vọng sẽ có thêm một nguồn thu không nhỏ.
Cái được của Tam Hợp, chính là bảo vệ môi trường sống của dân. Nhưng cái được khác còn lớn hơn, là tạo một ý thức tự giác bảo vệ môi trường, nhất là giáo dục cho các cháu nhỏ, thế hệ ngày mai của chúng ta.
Theo Đỗ Bảo Châu/nongnghiep.vn