Triển vọng tích cực
Theo đánh giá của Viện Chính sách và Phát triển nông nghiệp nông thôn (Ipsard), năm 2017 ngành Nông nghiệp Việt Nam tiếp tục đứng trước những khó khăn thách thức được dự báo vẫn chưa giảm hơn so với năm 2016. Xuất khẩu nông sản phải đối mặt với các rào cản thương mại ngày càng phức tạp và khắt khe, cạnh tranh gay gắt với các quốc gia khác, giá cả nhiều mặt hàng nông sản vẫn chưa phục hồi, trong khi các thị trường phát triển dần bão hòa và tăng bảo hộ.
Các DN chủ động tập trung vào khâu chế biến để nâng cao giá trị nông sản |
Bên cạnh đó, tình trạng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường biển được dự báo tiếp tục ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, năng lực sản xuất dư thừa của một số ngành hàng như chăn nuôi đang mang lại nhiều rủi ro. Trong khi đó, tăng trưởng kinh tế nội địa, thay đổi nhân khẩu học và quá trình đô thị hóa đang làm gia tăng nhanh chóng những yêu cầu về chất lượng của nông sản.
Về dự báo thị trường nông sản quốc tế, Ipsard nhận định, năm 2017 tiêu dùng nông sản toàn cầu tiếp tục mở rộng và phát triển theo hướng hàng hóa có giá trị cao hơn; Tăng trưởng tiêu dùng sẽ chậm lại so với thập kỷ trước; Trung Quốc, Ấn Độ và châu Phi thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu; Giá nông sản thực tế có xu hướng giảm nhẹ trong dài hạn; Tăng trưởng năng suất sẽ là động lực chính cho sản xuất cây lương thực và thức ăn chăn nuôi; Tăng trưởng đa dạng theo hướng phát triển chăn nuôi và thủy sản.
Mặc dù ngành nông nghiệp đối diện với nhiều khó khăn nhưng theo TS. Nguyễn Trung Kiên, Trưởng bộ môn nghiên cứu thị trường và ngành hàng - Ipsard, năm 2017, Việt Nam tiếp tục có các triển vọng tích cực về thị trường nông sản. Trong quý I/2017, xuất khẩu cà phê đã tăng tới 27% về giá trị; thuỷ sản cũng tăng 3%; cao su tăng 6% về lượng và tăng tới 90% về giá trị; rau quả cũng tăng tới 23%...
Đáng chú ý, giá cà phê cao su đảo chiều dựa trên các yếu tố cơ bản cung - cầu. Niên vụ 2016/2017, tồn kho cuối kỳ tại các thị trường tiêu thụ lớn đi ngang, tại các nước sản xuất lớn dự báo tiếp tục giảm, chạm mức thấp nhất trong ít nhất 5 năm qua.
Nếu có lo ngại về thị trường xuất khẩu nông sản thì chủ yếu nằm ở lĩnh vực lúa gạo. Xuất khẩu gạo của Việt Nam hiện nay bị cạnh tranh gay gắt từ các quốc gia xuất khẩu gạo lớn trên thế giới như Thái Lan, Ấn Độ và các nước mới tham gia như Cambodia và Myanmar.
Đồng thời, các nước nhập khẩu gạo truyền thống của Việt Nam đang áp dụng các chính sách hạn chế nhập khẩu gạo, như Trung Quốc tăng cường siết chặt nhập khẩu gạo qua đường biên giới và áp dụng tiêu chuẩn chất lượng nghiêm ngặt, trong khi Philippines cố gắng để tự đảm bảo an ninh lương thực. Cùng với đó, giá thực tế của lúa gạo có xu hướng giảm trong trung hạn. Trong khi ấy, ngành hàng lúa gạo Việt Nam đang bộc lộ những yếu tố kém bền vững về kinh tế - xã hội và môi trường.
Thay đổi tư duy về cách phát triển
Đánh giá về bức tranh nông nghiệp Việt Nam, TS. Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, cần tư duy lại cách phát triển nông nghiệp - nông thôn Việt Nam, không chỉ với lúa gạo mà với tất cả các sản phẩm khác, không chạy theo sản lượng và chỉ dựa vào “cặp đôi Nhà nước - nông dân” nữa.
Hiện nhiều DN đã bắt đầu quan tâm, đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là lĩnh vực công nghệ cao. Đây là điều rất đáng mừng cho ngành nông nghiệp Việt Nam. Do đó, cần chú trọng đến việc thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Các DN cũng phải làm ăn bài bản theo chuỗi, khơi thông thị trường tiêu thụ nông sản trong nước và xuất khẩu chứ không mang tính đầu cơ.
Vậy cần nhìn nhận vấn đề thu hút DN vào nông nghiệp như thế nào? Giải quyết vấn đề sở hữu đất đai ra sao? Tập trung ruộng đất thế nào? Đặc biệt, cần phải đẩy mạnh mối quan hệ DN - nông dân hơn nữa, TS. Trần Đình Thiên nhận định.
Nhìn nhận câu chuyện “giải cứu nông sản” thời gian qua, TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Viện trưởng Ipsard cho hay, nông nghiệp Việt Nam có năng lực về cung khá tốt. Mỗi khi có thay đổi nhu cầu thị trường, nhất là khi xuất khẩu có dấu hiệu hút hàng thì cung trong nước bật tăng lên rất nhanh. Do đó, các cơ quan nghiên cứu, hoạch định chính sách cần phân tích thị trường thấu đáo.
Về dài hạn, theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, cần định vị thị trường nông sản Việt Nam trong thị trường lương thực thực phẩm toàn cầu để phát triển bền vững, tạo thu nhập tốt hơn cho người nông dân, tạo giá trị gia tăng cao hơn và có tên trên bản đồ thương mại của thế giới.
Điều rất quan trọng nữa là phải nâng cao khả năng cạnh tranh của các ngành hàng, vượt qua những rào cản kỹ thuật ngày càng khắt khe cũng như chống lại những “cú sốc” mà thị trường thế giới mang lại. Bên cạnh đó, cần đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu các nông sản xuất khẩu chủ lực, nâng cao chất lượng chuỗi giá trị; xây dựng thương hiệu cho nông sản và có các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu, ông Tuấn nhấn mạnh.
Hà Sơn
http://thoibaonganhang.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn