Không chỉ nông dân trồng điều gặp khó khăn khi giá điều giảm, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh hạt điều còn gặp khó khăn gấp nhiều lần.
Trước tình trạng gần như “đóng băng” các hoạt động xuất nhập khẩu, các doanh nghiệp quy mô lớn, có tiềm lực về vốn, vẫn phải duy trì hoạt động, mặc dù sản phẩm làm ra chưa tiêu thụ được. Vì còn hàng loạt vấn đề liên quan khác như: việc làm cho công nhân, các hợp đồng, bạn hàng và nguồn nguyên liệu buộc phải mua vào hàng ngày khi đang trong mùa thu hoạch điều.
Ông Bùi Văn Tân, chủ cơ sở sản xuất hạt điều Hoàng Long, ở thị trấn Thanh Bình, huyện Bù Đốp cho biết, cơ sở có kho chứa lên đến 100 tấn, nhưng hiện trong kho chỉ có chưa đầy 10 tấn hạt điều thành phẩm.
“Nếu không bị tác động xấu từ dịch bệnh Covid-19 thì bình thường cơ sở cũng làm ra được gấp hơn 3 lần thành phẩm trong kho như hiện nay để giao cho thương lái xuất khẩu sang Trung Quốc. Đồng thời, vào dịp cao điểm này hàng năm, đơn đặt hàng cũng nườm nượp gửi tới không kịp làm. Tuy nhiên, kể từ sau tết Nguyên đán đến nay, nhất là những đơn hàng phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc đã bị “đóng băng”. Nếu có làm ra sản phẩm cũng chấp nhận trữ lại và bán ở thị trường nội địa rất “nhỏ giọt”. Dù khó khăn, nhưng cơ sở vẫn phải duy trì hoạt động”, ông Tân nói.
Còn đối với những cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, không còn cách nào hơn là buộc phải đóng cửa. Anh Nguyễn Viết Toản, chủ cơ sở chế biến hạt điều nhỏ ở xã Thanh Hòa, huyện Bù Đốp, cho biết, đã dóng cửa hơn 1 tháng qua.
“Vốn ít, nếu tiếp tục sản xuất mà không bán được thì không đủ lực để gồng gánh chi phí sản xuất và lãi suất vốn vay. Mấy năm nay, ngành điều gặp khó khăn, nay ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 khiến cơ sở càng khó khăn. Sản phẩm làm ra không bán được, xưởng phải đóng cửa nhưng lãi vay, thuế vẫn đóng đầy đủ”, anh Toản chia sẻ.
Anh Nguyễn Văn Sinh, chủ cơ sở thu mua, chế biến hạt điều ở TP. Đồng Xoài, cho biết, giá điều giảm mạnh ở thời điểm đầu vụ hiện nay do thị trường xuất khẩu hạt điều thành phẩm gặp khó khăn về đầu ra, các doanh nghiệp sản xuất, chế biến điều hiện đang đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm chế biến từ hạt điều ở thị trường trong nước. Đặc biệt sản lượng hạt điều nguyên liệu (điều thô) được mua từ nước ngoài ở thị trường các nước Châu Phi, Ấn Độ, Campuchia còn ứ đọng.
“Với tình trạng dư thừa nguồn điều thô như hiện nay, dự báo trong thời gian tới giá điều sẽ tiếp tục giảm và thời gian qua các doanh nghiệp của Việt Nam đã hạn chế, thậm chí ngừng nhập khẩu hạt điều khô từ các nước Châu Phi, Ấn Độ về sản xuất, chế biến”, anh Sinh nói.
Theo ông Nguyễn Anh Hoàng, Giám đốc Sở Công thuơng tỉnh Bình Phước, nguyên nhân khiến giá hạt điều năm nay xuống thấp là do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid - 19 khiến thị trường Trung Quốc đóng băng, trong khi các nhà nhập khẩu từ Châu Âu, Châu Mỹ cũng dè dặt đối với hàng hóa nông sản từ các nước Châu Á.
“Khó khăn lớn nhất hiện nay đối với các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu điều là nguồn vốn. Hầu hết các doanh nghiệp hiện đều vay vốn từ ngân hàng. Khi có biến động lớn của thị trường điều nói chung tất cả các ngân hàng đều giảm cho vay và siết chặt điều kiện cho vay nên gây khó khăn cho doanh nghiệp”, ông Hoàng nói.
Theo báo cáo của Sở Công thương tỉnh Bình Phước, vùng nguyên liệu điều của tỉnh Bình Phước hiện cung ứng khoảng 200.000 tấn điều thô, trong khi đó nhu cầu nguyên liệu cho doanh nghiệp sản xuất của tỉnh khoảng 600.000 - 800.000 tấn. Do đó phần lớn điều phục vụ sản xuất của tỉnh là nhập khẩu.
Ngay từ cuối năm 2019, các doanh nghiệp đã ký hợp đồng nhập khẩu với một số nước xuất khẩu điều với giá khoảng từ 1.500 đến 1.600 USD/tấn. Hiện tại, giá hạt điều thô nhập khẩu giảm còn khoảng 1.200-1.300 USD/tấn. Mặt khác, doanh nghiệp ký hợp đồng xuất khẩu nhân điều khoảng 8.300 USD/tấn, nhưng hiện tại giá điều nhân giảm mạnh còn 6.500 USD/tấn nên các nhà nhập khẩu ép phải giảm giá nếu không sẽ bỏ cọc.
Một khó khăn không nhỏ là hiện các cơ sở chế biến điều chưa chú trọng đầu tư phát triển vùng nguyên liệu; chưa hỗ trợ, ký kết hợp đồng thu mua với cơ sở sản xuất nên nguồn nguyên liệu thường không ổn định, thiếu nguyên liệu để chế biến, phải nhập nguyên liệu từ các nước Châu Phi, Indonesia, Campuchia... Hệ thống cung ứng còn nhiều tầng nấc trung gian, dẫn đến tình trạng tranh mua tranh bán, gian lận thương mại... Sự liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân trong chuỗi sản xuất - chế biến- kinh doanh còn lỏng lẻo.
Do đó, để ngành điều có sức cạnh tranh cao, tăng giá trị gia tăng, bảo đảm chất lượng và ATTP, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như: Thực hiện đồng bộ các biện pháp về giống, kỹ thuật thâm canh, đầu tư cơ sở hạ tầng, áp dụng cơ giới hoá, áp dụng quy trình thực hành sản xuất tốt (GAP, GlobalGAP) tại các cơ sở sản xuất ban đầu (cơ sở trồng trọt), quản lý tốt vật tư, nguyên liệu đầu vào... để tăng năng suất, chất lượng và đảm bảo ATTP; hình thành các vùng nguyên liệu liên kết với chế biến hạt điều, sản xuất theo chuỗi giá trị: từ người nông dân đến các doanh nghiệp sản xuất, chế biến và xuất khẩu.
Đầu tư thiết bị, công nghệ tăng tỷ lệ sản phẩm chế biến sâu, tăng giá trị sản phẩm điều phục vụ xuất khẩu, tăng cường áp dụng công nghệ cao vào quản trị sản xuất, truy xuất nguồn gốc nhằm kiểm soát toàn bộ chuỗi cung ứng để giảm giá thành sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh. Sản xuất, kinh doanh phải gắn với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về chế biến, đóng gói và bảo quản sản phẩm, đảm bảo an toàn thực phẩm, phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế.
Xây dựng thương hiệu điều bằng cách đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại. Hỗ trợ xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm điều; hỗ trợ đăng ký bảo hộ và phát triển tài sản trí tuệ cho ngành điều của tỉnh và hướng dẫn các doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu. Đồng thời, tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận thông tin thị trường trong bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, nhất là đã ký kết và thực hiện 13 Hiệp định thương mại (FTA) đa phương, song phương và tiếp tục đàm phán thêm.
Để phát triển và xây dựng được thương hiệu, tuy tín cho ngành công nghiệp chế biến điều, trước tiên phải đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm. Đồng thời phải xây dựng chiến lược marketing cho sản phẩm để mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu.
“Chính sách hỗ trợ tài chính, tín dụng, đất đai cho doanh nghiệp và huy động vốn từ các nguồn vốn hợp pháp khác cùng với nguồn hỗ trợ của Nhà nước cũng là yếu tố quan trọng để đầu tư xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng cho vùng nguyên liệu tập trung, tăng năng suất, chất lượng và giảm chi phí vận chuyển. Có chính sách khuyến khích liên kết sản xuất chế biến xuất khẩu, gắn doanh nghiệp với nông dân, nhằm hỗ trợ lẫn nhau, giúp tăng khả năng cạnh tranh sản phẩm điều”, ông Nguyễn Anh Hoàng, Giám đốc Sở Công thương Bình Phước.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn