Tại Hội thảo Điều chỉnh Chính sách đất đai nhằm thúc đẩy phát triển thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp ở Việt Nam ngày 30/11, Ts. Nguyễn Hữu Thọ, Phó Trưởng ban, Ban Chính sách Phát triển nông thôn, Viên nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM), đã công bố Báo cáo Nghiên cứu điều chỉnh chính sách đất đai nhằm thúc đẩy phát triển thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp ở Việt Nam.
Chính sách nhiều bất cập
Tại báo cáo này, ông Thọ nhìn nhận, một trong số đặc điểm của hàng hoá là quyền sử dụng đất nông nghiệp phân tán, nhỏ lẻ. Cả nước có khoảng 78 triệu thửa ruộng lớn nhỏ, khác nhau, mỗi hộ có khoảng 2,5 thửa, chỉ có khoảng 10% số hộ có thửa liền bờ nhau.
Đến nay, đã có nhiều hộ nông lâm thuỷ sản rút khỏi nông nghiệp. CIEM cho biết, sau 5 năm, cả nước giảm khoảng 1 triệu hộ nông lâm thuỷ sản. Tính đến tháng 8/2013, cả nước có 42.785 hộ bỏ ruộng (nhiều hộ đã bỏ hoang 4-5 năm nay). Ngoài ra, dự kiến nông lâm trường trả lại cho địa phương khoảng 452 nghìn ha.
Song hành với quá trình rút khỏi nông nghiệp là quá trình tích tụ ruộng đất hình thành những hộ đại điền và các trang trại. Năm 2016, cả nước có 35,5 nghìn trang trại, tăng tới 67,2% so với năm 2011, bình quân mỗi năm tăng 10%. Đồng thời, cả nước có 3.846 DN nông nghiệp, tăng 49% so với năm 2011. Trong đó DN lớn (từ 10 nghìn tỷ đồng trở lên) tăng tới 76,2%.
Tuy nhiên, trong bối cảnh này, chính sách đất đai hiện hành lại bộc lộ rõ một số bất cập. Cụ thể, về quy hoạch, ông Thọ nhận xét, quy hoạch đang quá chi tiết đến từng nhóm đất nhỏ, chuyển đổi mục đích sử dụng đất khá phức tạp, có những địa phương còn hạn chế loại cây trồng trên đất. Điều này khó phát huy tối đa tính năng, vai trò của từng loại đất, hạn chế sự linh hoạt điều chỉnh theo tín hiệu thị trường.
Về hình thức giao đất, cho thuê đất, ông Thọ khuyến cáo nếu vẫn tiếp tục sử dụng hình thức giao đất không thu tiền, nhìn ở góc độ thị trường, hình thức này chưa phù hợp với nguyên tắc của thị trường.
Có những chủ thể sử dụng nguồn lực mà không phải chi trả chi phí, có người được hưởng ưu đãi (hộ, cộng đồng), có người thì không được (DN, HTX)… một phần làm cho sử dụng đất chưa hiệu quả, chưa tạo sự bình đẳng trên thị trường.
Chưa kể, Luật Đất đai yêu cầu chỉ khi có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mới được thực hiện các quyền, trong đó có chuyển nhượng và thuê các quyền khác. Tuy nhiên, hiện nay, tỷ lệ mảnh ruộng chưa có sổ đỏ là 23,6% (8.260 mảnh)…Vì vậy, đây là một trong những lý do khiến DN không thuê đất được của nông dân.
Thậm chí, Luật Đất đai cũng quy định tổ chức kinh tế không được nhận quyền chuyển nhượng sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng của hộ gia đình, cá nhân. Hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng quyền sử dụng đất trồng lúa.
“Vì thế mới có trường hợp một người ở thành phố không làm nông nghiệp, muốn mua đất lập trang trại nhưng phải cho người em ở quê đang làm nông nghiệp đứng tên”, ông Thọ dẫn chứng.
Điều tra lý do cản trở hộ trang trại đầu tư mua, thuê thêm đất nông nghiệp, sau khi điều tra 80% hộ cho thấy, 95% các hộ cho rằng thời gian sử dụng đất ngắn, 32% quy hoạch đang hạn chế chuyển đổi cây trồng, 29% sổ đỏ thủ tục rườm rà, tài chính nhiều…
Theo Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn (Ipsard), các khó khăn về đất đai thường gặp đối với DN nông nghiệp là thiếu đất cho vùng nguyên liệu, xây dựng trụ sở, khu chế biến, giá thuê đất cao.
50% số DN được điều tra cho biết, việc thiếu đất và mặt bằng là cản trở chính yếu nhất để họ đầu tư và phát triển sản xuất kinh doanh ở khu vực nông nghiệp nông thôn; 67,7% DN nông nghiệp đánh giá chính sách đất đai không thuận lợi gây cản trở cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Muốn có đất sản xuất nông nghiệp, DN phải nhận được sự đồng ý của nhiều hộ nông dân
Đàm phán với 130 hộ
Ông Thọ cũng cho biết, khó khăn nhất mà DN gặp phải nếu muốn tiếp cận đất là đất nông nghiệp quá manh mún, trong khi DN muốn sản xuất hàng hoá lớn. Để tiếp cận thuê đất của nông dân, DN phải gặp nhiều hộ và phải được sự đồng thuận của các hộ này.
“Có những trường hợp chúng tôi điều tra ở tỉnh Hà Nam và Dăk Lăk, một DN phải đàm phán tới 130 hộ, có hộ đồng ý cho thuê, có hộ không đồng ý, có hộ lúc đầu đồng ý nhưng sau thấy DN phát triển lại bẻ kèo đòi đàm phán lại giá. Trong quá trình trước và sau sản xuất, DN đều gặp vướng mắc”, ông Thọ cho biết.
Bà Đỗ Thị Bích Hạnh, Giảng viên Đại diện Học viện Nông nghiệp, đặt vấn đề, để tạo sự đột phá trong phát triển nông nghiệp, khâu quyền sử dụng đất hiện đang có nhiều vướng mắc cần phải giải quyết.
“Một DN muốn mở rộng diện tích phát triển sản xuất lớn đang phải thoả thuận với nhiều cá nhân, người dân khi thoả thuận với DN phần sợ đất bị mất, phần lại sợ lợi ích về phần DN”, bà Hạnh nói.
Để tháo gỡ nút thắt này, ông Chu Tiến Quang, Hội đồng Chính sách, Bộ NN&PTNT, cho rằng các DN cần phải có năng lực thuyết phục người dân có đất về việc sau khi thuê đất có làm lợi cho họ không. Kế hoạch đầu tư có mang lại lợi ích cho nông dân hay chỉ mang lại lợi ích cho DN.
“DN đầu tư hay muốn chuyển giao đất của mình để đầu tư hiệu quả là tốt nhưng trong sự chuyển giao đó có thể gây rủi ro cho người có đất. DN phải giải trình đầy đủ lợi ích mang lại cho người dân khi thuê đất của người dân”, ông Quang nói. Ngoài ra, DN cũng phải chứng minh mình là người sản xuất nông nghiệp thực thụ.
Để làm được điều này, theo ông Quang, DN phải xây dựng đề án phát triển khi nhận mảnh đất đó. Đồng thời, Nhà nước đóng vai trò trung gian, tổ chức cuộc gặp gỡ cho người dân và DN cùng chia sẻ, thảo luận với nhau để đi đến điểm chung thống nhất.
Một số ý kiến khác lại cho rằng hiện nay, quy trình thuê đất ở mỗi địa phương có điểm khác nhau, nếu không muốn nói là bất cập và lộn xộn cả về chính sách và thực thi. Do vậy, cần phải được thực hiện đồng bộ.
Sở dĩ việc người dân chưa có lòng tin vào DN vì trên thực tế, đã có trường hợp DN thâu tóm đất nông nghiệp, lấy đất của người dân nhưng lại sử dụng vào mục đích khác phi nông nghiệp.
Lê Thúy
Bà Phạm Thị Thanh Thuỷ - Bộ Tài nguyên và Môi trường Để tiến lên sản xuất lớn, phải có cánh đồng mẫu lớn – nếu không sẽ không có sản lượng đồng đều, chất lượng tốt. Tuy nhiên, tôi có cảm tưởng luật lệ trên giấy là chủ yếu, còn cuộc sống phong phú, phức tạp nhiều khi chính sách không giải quyết được. Luật phải có tính thực tiễn, thúc đẩy DN có đất để sản xuất lớn, gia nhập thị trường thế giới, bằng cách đó mới hy vọng nông nghiệp phát triển hiện đại. Đất đai là tài nguyên, muốn khai thác sử dụng hiệu quả phải đưa đất đai trở thành nguồn lực phát triển trong lĩnh vực nông nghiệp. Nhưng đất đai không giống vốn khác mà là nguồn vốn tự nhiên nên làm sao đưa nguồn lực đất đai vào khai thác sử dụng, nhưng cũng phải phát triển bền vững. Khai thác tối đa đất đai sẽ không đảm bảo cho phát triển dài hạn. Để thu hút thêm được khu vực hộ phi nông lâm thuỷ sản, DN vào sử dụng đất, tôi kiến nghị nên sửa đổi chính sách để tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp được nhận chuyển nhượng đất lúa. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn