Doanh nghiệp thực phẩm kêu cứu vì thiếu đường
Hai Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn và Công Thương cho rằng trong niên vụ 2012 sản lượng đường của Việt Nam là hơn 1,4 triệu tấn. Dự báo Việt Nam sẽ thừa đường, hai Bộ đề nghị chính phủ dùng ngân sách mua tạm trữ. Trong một cuộc họp ngày 4/6, Bộ Công Thương thông báo lượng đường tồn kho trên 100.000 tấn nên không đồng thuận với việc mua tạm trữ.
Trên thực tế vài tháng nay nhiều doanh nghiệp ngành thực phẩm lâm vào cảnh khó khăn vì không mua được đường tinh luyện, thị trường khan hiếm nên giá cao, khiến kế hoạch sản xuất bị động, nguy cơ ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm đầu ra...
Đại diện Công ty Nestle Việt Nam cho biết không thể mua được đường tinh luyện RE cho kế hoạch sản xuất quý 3 từ các nhà máy đường trong nước. Nhiều công ty thực phẩm khác như URC, Pepsi, Coca Cola... cũng lên tiếng. Đại diện Công ty URC chuyên sản xuất các loại thực phẩm bánh kẹo, nước giải khát không cồn cũng cho rằng, tình hình cung ứng thực tế đường trắng RE trong nước của các nhà máy đường đang thiếu trầm trọng.
Ông bức xúc cho hay, công ty đã liên hệ mua đường với nhiều nhà máy nhưng rất khó khăn. Công ty đường Bourbon cho biết chỉ có thể cung cấp tối đa 1.000 tấn một tháng, đường Biên Hòa 400 tấn một tháng; trong khi các đơn vị khác như KCP, Lam Sơn, Tate&Lyle chưa gửi giá chào với lý do đang kiểm kê hàng tồn kho. Công ty Juna thì từ chối đơn mua đường vì... hết hàng.
"Thị trường khan hàng khiến giá trong nước cao hơn thế giới khoảng 30%", đại diện URC nói.
Đại diện URC Việt Nam cũng cho biết, mỗi năm đơn vị ông sản xuất 40.000 tấn bánh kẹo, 400.000 tấn nước giải khát không cồn. Do đó, mỗi tháng công ty cần đến 4.000 tấn đường. Với tình hình thiếu đường hiện nay, URC thực sự gặp khó khăn và đã phải dừng một trong số 5 dây chuyền sản xuất tại nhà máy ở Bình Dương. Một trong số 2 dây chuyền của công ty ở Hà Nội cũng phải ngưng do không đủ nguyên liệu đường RE.
"Với tình hình này, thời gian tới khả năng nhiều lao động không có việc làm vì hiện URC đã hết nguyên liệu đường để sản xuất", vị lãnh đạo lo lắng.
Ngoài ra, theo đại diện trên, việc không cung cấp đủ đường và đường tăng giá đột biến như hiện nay sẽ ảnh hưởng lớn lượng đường cung cấp trong tháng 8 - tháng cao điểm sản xuất bánh kẹo phục vụ Tết Trung thu. Khi đó, công ty sẽ buộc phải tăng giá thực phẩm, gây ảnh hưởng xấu nền kinh tế, đi ngược lại chủ trương kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ.
Mới đây URC Việt Nam đã có văn bản gửi Bộ trưởng Công Thương, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Hiệp hội Mía đường, nhờ can thiệp tăng cung thị trường đường. Các công ty thực phẩm khác như Pepsico, Coca Cola, Nestle, Friesland Campina, Vinamilk... cũng có động thái tương tự. Các doanh nghiệp đề nghị Bộ Công Thương sớm cấp quota nhập khẩu để giải quyết nhu cầu mua đường trước mắt.
Lãnh đạo một công ty sữa hàng đầu Việt Nam cũng bức xúc nói rằng, quan điểm của công ty là sẵn sàng sử dụng đường sản xuất trong nước với điều kiện giá phải rẻ hơn hoặc ít ra bằng giá đường nhập khẩu. Tuy nhiên hiện nay giá đường trong nước đã cao hơn đường nhập khẩu khoảng 5.000 đồng một kg.
"Nhu cầu sản xuất của chúng tôi gần 4.000 tấn đường một tháng, nếu mỗi kg đường phải mua với giá cao hơn gần 5.000 đồng thì mỗi tháng thiệt hại trên 20 tỷ đồng”, ông nói.
Giám đốc đối ngoại Coca Cola Đông Nam Á Nguyễn Khoa Mỹ cũng chia sẻ, thông thường khoảng tháng 11-12 của năm trước thì Bộ Công Thương yêu cầu doanh nghiệp có sử dụng đường nộp đơn đăng ký nhập khẩu cho năm sau. Coca Cola đã đăng ký đường nhập khẩu năm 2012 từ cuối năm 2011, nhưng đến tháng 7 vẫn chưa nhận thông tin từ Bộ Công Thương về cấp quota đường.
Đại diện Coca Cola giải thích, trước thực tế giá đường trong nước cao hơn rất nhiều so với đường nhập khẩu thì sử dụng hàng nhập là giải pháp trước mắt và bức thiết. "Chúng tôi luôn mong có được giải pháp để có thể yên tâm với nguồn nguyên liệu trong nước mà không chịu sức ép hàng năm về quota nhập khẩu", vị này cho hay.
Thừa nhận thực trạng trên, đại diện Công ty sản xuất đường Thành Thành Công cho biết lượng đường tinh luyện RE đang bị thiếu hụt. Bản thân Thành Thành Công hiện cũng không còn tồn kho đường RE, trong khi đường trắng RS lại dư thừa khá nhiều. Lãnh đạo Thành Thành Công nói rằng có thể con số 100.000 tấn đường tồn kho mà Bộ Công Thương công bố chủ yếu là đường trắng RS chứ không phải RE.
Trao đổi với VnExpress.net, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên cho biết, trước đó để dung hòa giữa doanh nghiệp sản xuất với tiêu thụ đường, Bộ yêu cầu các doanh nghiệp cần ngồi lại với nhau để thương lượng giá cả và tìm biện pháp tiêu thụ đường nội địa. Nếu các đơn vị vẫn không có tiếng nói chung trong việc thương lượng mua bán đường trong nước thì cơ quan quản lý sẽ tìm biện pháp khác.
Ông Biên cho biết, Bộ Công Thương đang bàn thảo giải quyết vấn đề với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hiệp hội mía đường Việt Nam. "Chúng tôi sẽ sớm thống nhất về việc cấp quota nhập khẩu đường cho doanh nghiệp tiêu thụ trong thời gian tới", ông Biên nói.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn