Huyện Trà Ôn có hơn 4.000 ha trồng cam sành. Nhiều năm qua, nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, cùng với sự hỗ trợ về vốn vay từ Agribank nên bà con nơi đây đã nâng cao được chất lượng cũng như sản lượng trái cam sành từ cách trồng truyền thống chính vụ sang trồng cam trái vụ, đạt hiệu quả cao. Từ đó mà cuộc sống người dân nơi đây ngày càng được nâng lên, ổn định cuộc sống.
Ông Bùi Hùng Việt ở ấp Vĩnh Sơn, xã Hựu Thành, huyện Trà Ôn cho biết, trước đây gia đình ông trồng cam và quýt theo cách truyền thống, mỗi năm cây cho trái 1 vụ nên thu nhập gia đình không ổn định. Tuy nhiên, với quyết tâm cao và chịu khó học hỏi, ông mạnh dạn chuyển đổi mô hình trồng cam từ truyền thống sang trồng cam trái vụ. Nhờ có đồng vốn vay từ Agribank Chi nhánh Trà Ôn - Vĩnh Long nên ông mạnh dạn cải tạo 7.000m2 lại vườn cam của gia đình. Sau 15 tháng cải tạo, ông thu hoạch vụ cam đầu tiên và cứ thế cứ 3 tháng ông chủ động cho cam ra trái một đợt.
Theo ông Việt, cam thuận mùa giá trung bình từ 5.000- 6.000 đồng/kg; trong khi đó giá cam nghịch mùa (từ tháng 4 đến tháng 7) có giá cao, từ 16.000- 17.000 đồng/kg. Cứ hết mỗi vụ trồng thu nhập gia đình ông đạt gần 400 triệu đồng.
Đứng trước ngôi nhà mới đã xây dựng từ năm 2017, ông Việt vui mừng nói: “Tất cả là nhờ trồng cam trái vụ mà gia đình tôi và bà con trong xóm mới đổi đời được như ngày hôm nay. Nhưng để làm được điều đó tất cả là nhờ vào sự hỗ trợ nguồn vốn của Agribank. Bà con chúng tôi vô cùng cảm ơn Agribank đã luôn đồng hành cùng người nông dân chúng tôi”.
Cũng như ông Việt, ông Lê Văn Teng, một người dân trồng cam trái vụ khác của ấp Vĩnh Sơn, khẳng định: Không có nguồn vốn Agribank, chúng tôi sẽ không có ngày hôm nay. Cách đây khoảng 10 năm bà con chúng tôi vô cùng khó khăn làm gì có vốn đến vài chục triệu để cải tạo vườn cây. Nhưng Agribank đã đồng hành hỗ trợ từ khi chúng tôi khó khăn đến khi ổn định cuộc sống.
Hiện, vườn cam sành của gia đình ông Teng có 3.000m2 đang cho trái và 4.000m2 trồng mới được 1 năm tuổi. Nhiều năm nay, gia đình ông Teng ăn nên, làm ra nhờ vào cây cam sành. Chính vì vậy, cuối năm 2019, ông Teng quyết định thuê thêm 8.000m2 đất ở xã lân cận để trồng cam sành.
Ông Teng chia sẻ: Trồng cam trái vụ không khó, chỉ cần nắm vững kỹ thuật. Đặc biệt cây cam trái vụ cho trái 3 vụ/năm nên tuổi đời cây cam trồng được khoảng 5 năm là phải cải tạo đất trồng cây mới. Đất mới, cây phát triển nhờ đủ dinh dưỡng và ít sâu bệnh, từ đó chi phí phân, thuốc BVTVcũng giảm đáng kể, thu nhập từ đó cũng tăng lên.
Những năm gần đây, thấy được hiệu quả từ cây cam sành nên bà con nông dân huyện Trà Ôn trồng ngày càng nhiều. Cam sành, nếu trồng thưa sẽ ăn trái lâu hơn, tuổi thọ của cây kéo dài 5 – 7 năm. Còn trồng dày (khoảng 500 cây/công) thì cho sản lượng nhiều, nhưng chỉ được 3 – 4 năm là cây bắt đầu suy kiệt, phải cải tạo đất trồng mới. Chính vì vậy, để đáp ứng nhu cầu vốn cho người dân đầu tư và cải tạo trồng mới, Agribank Chi nhánh Trà Ôn luôn sát cánh và cung ứng kịp thời cho bà con khi cần.
Theo thống kê của Agribank Chi nhánh Trà Ôn thì tỷ lệ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn lên trên 98% tổng dư nợ cho vay. Riêng dư nợ cho vay theo mô hình trồng cam trên 101 tỷ đồng, cho 784 hộ vay, chiếm 12.8% tổng dư nợ.
Ông Huỳnh Thanh Tiến, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hựu Thành cho biết: Trong những năm qua nhờ sự đồng hành, hỗ trợ vốn của Agribank xã Hựu Thành chuyển đổi cơ cấu cây trồng khá mạnh. Đến nay diện tích trồng cam toàn xã trên 500ha, nhờ có nguồn vốn nên các mô hình chuyển đổi đều mang lại hiệu quả cao. Qua đó thu nhập bình quân đầu người của xã cũng tăng đáng kể (thu nhập đầu người bình quân hiện nay là trên 45 triệu đồng/năm, tăng 1,69 lần so với năm 2014), tỷ lệ hộ nghèo cũng giảm từ trên 11% năm 2014, giảm còn dưới 1,5% năm 2019.
“Tôi mong rằng trong thời gian tới Agribank vẫn tiếp tục đồng hành cùng bà con trồng cam xã Hựu Thành để bà con mở rộng mô hình nâng cao thu nhập, ổn định hơn cuộc sống”, ông Tiến nói.
Những năm gần đây, cuộc sống của nông dân Trà Ôn ngày càng sung túc hơn khi thị trường cam cành khá ổn định. Cây cam sành loại cây được mệnh danh là "cây lành trái ngọt" đã góp phần rất quan trọng làm thay đổi diện mạo của nhiều vùng quê và góp phần xây dựng nông thôn mới ngày càng giàu đẹp.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn