Nhà máy nước sạch cung cấp cho 7 xã vùng biển Hậu Lộc
Tuy nhiên, qua hơn 5 năm thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM), bộ mặt các xã vùng biển này đã thay đổi rõ rệt.
Huy động đa dạng nguồn lực
Cách đây hơn 5 năm khi triển khai chương trình NTM, đa số người dân các xã Minh Lộc, Hưng Lộc, Đa Lộc, Hải Lộc... đều nghĩ rằng, mô hình xây dựng NTM với 19 tiêu chí NTM chỉ là trên giấy.
Tuy nhiên, qua hơn 5 năm triển khai, Minh Lộc là một trong 4 xã của huyện Hậu Lộc đã cán đích NTM. Nói về những khó khăn của 1 xã vùng biển, ông Vũ Huy Bổ, Chủ tịch UBND xã cho biết, Minh Lộc đất chật, người đông, thiên tai bão lụt bất thường, nước mặn xâm nhập sâu gây khó khăn cho sản xuất và sinh hoạt của người dân.
Là xã thuần nông nên sản xuất nông nghiệp manh mún, nguồn lực đầu tư phát triển KT- XH còn hạn chế, cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ, đường giao thông nông thôn xuống cấp. Năm 2011, xã Minh Lộc chỉ đạt 9/19 tiêu chí NTM.
Với phương châm tiêu chí nào dễ làm trước, khó làm sau, việc nào được người dân đồng tình, ủng hộ cao thì làm. Để tạo sự đồng thuận, dân chủ cho người dân, xã đã ban hành quy chế, cơ chế huy động nguồn lực đóng góp từ người dân và các nguồn lực khác để đầu tư xây dựng các công trình sinh hoạt cộng đồng và phục vụ nông nghiệp, nông thôn.
Trạm Y tế xã Minh Lộc được xây dựng khang trang từ nguồn vốn xây dựng NTM
Nhờ đó, từ năm 2011 - 2015, tổng nguồn lực huy động đầu tư xây dựng NTM của xã đạt 162 tỷ đồng; trong đó vốn trung ương là 14 tỷ, vốn tỉnh 300 triệu, vốn ngân sách địa phương 26 tỷ, vốn huy động DN hơn 6 tỷ, đặc biệt vốn nhân dân đóng góp là 114 tỷ.
Từ nguồn vốn đó, sau hơn 5 năm triển khai xây dựng NTM, Minh Lộc đã làm mới, nâng cấp được 2,1 km đường giao thông nông thôn, nâng tổng số km đường được xây kiên cố lên hơn 30km. Nhờ công sức, đóng góp của người dân, xã cũng làm mới 3,7km kênh mương, nâng số km kênh mương được kiên cố hóa lên 12,8km.
Đời sống nâng cao nhờ... nước sạch
Cùng với xây dựng hạ tầng nông thôn, tiêu chí thu nhập, đời sống vật chất và tinh thần cho người dân được huyện Hậu Lộc xác định là bước đột phá quan trọng, là tiền đề để thực hiện các tiêu chí khác.
Từ đó, các xã Minh Lộc, Hưng Lộc, Hải Lộc, Đa Lộc... tập trung thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ Huyện ủy là đẩy mạnh thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng NTM.
Nhà máy nước sạch cung cấp cho 7 xã vùng biển Hậu Lộc
Trong đó ưu tiên phát triển nhanh các sản phẩm hàng hóa chủ lực có lợi thế cạnh tranh, có tỷ lệ gia tăng doanh thu cao như lợn, gà, vịt, thỏ, thủy sản…; quan tâm phát triển các sản phẩm tiềm năng như lạc, rau, củ, quả... Các mô hình SXKD, nhất là các mô hình liên kết với DN được nhân rộng như nghề mộc Minh Lộc, nghề làm muối ở Hải Lộc.
Ông Nguyễn Xuân Giảng, Bí thư Đảng ủy xã Minh Lộc cho biết, không chỉ nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân mà thay đổi lớn nhất trong xây dựng NTM là tạo tiền đề phát triển KT-XH, giải quyết việc làm, cơ giới hóa các ngành nghề, dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp. Từ đó khơi dậy tính tự chủ, năng động sáng tạo, giúp người nông dân tự tin, vươn lên để có cuộc sống tốt đẹp hơn.
Một trong những thay đổi lớn dẫn đến đời sống người dân các xã vùng biển của huyện Hậu Lộc được nâng cao rõ rệt là công trình nước sạch.
Phấn khởi vì có nhà máy nước xây dựng ngay ở xã, ông Vũ Huy Bổ, Chủ tịch UBND xã Minh Lộc cho biết những năm trước đây, tình trạng thiếu nước sạch khá phổ biến ở các xã vùng biển.
Minh Lộc có hơn 3.000 hộ, gần 14.500 nhân khẩu, thiếu nước sạch sinh hoạt, nguồn nước lại thường xuyên bị nhiễm mặn là cả một gánh nặng với người dân. Đến nay, người dân trong xã không còn nỗi lo về nguồn nước nữa, đã yên tâm sản xuất, phát triển kinh tế.
Cũng như Minh Lộc và các xã vùng biển khác, công trình nước sạch có ý nghĩa vô cùng quan trọng với xã Hải Lộc vì đã giải quyết tình trạng thiếu nước sạch cho hàng nghìn hộ dân của xã.
Bà Đỗ Thị Vượng, 68 tuổi, ở xã Hải Lộc, cho biết: Mấy năm trước, tình trạng nguồn nước ăn bị nhiễm mặn, dùng để giặt cũng không bảo đảm, các thiết bị thì đều bị gỉ sét, hư hỏng. Nhiều gia đình đào giếng khơi 3 đến 4 lần mà vẫn không dùng được. Nhiều đợt nắng hạn không có nước sạch, người dân phải đi đò qua sông Lạch Trường sang xã Hoằng Trường (huyện Hoằng Hóa) mua nước về sinh hoạt.
Từ khi có nhà máy nước, nguồn nước sạch được dẫn vào tận nhà, gia đình bà Vượng và hàng nghìn hộ dân khác rất phấn khởi. "Nước sạch giờ về tận nhà, tắm giặt, ăn uống đều lấy từ bể chẳng phải đi xa mua nước nữa. Chỉ cần ra bể mở vòi là tôi đã có nước sạch, dùng thoải mái mà không lo thiếu. Có nước sạch một thời gian mà tôi thấy thay đổi nhiều quá", bà Vượng cho biết.
Theo ông Nguyễn Xuân Trang, GĐ Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường Thanh Hóa, các công trình cấp nước sạch sinh hoạt tập trung cho 7 xã vùng ven biển Hậu Lộc với tổng nguồn vốn hơn 230 tỷ đồng, công suất thiết kế 7.500m3/ngày đêm, toàn bộ nguồn vốn do WB tài trợ và 10% vốn đối ứng đóng góp của người dân các xã thuộc dự án với mức đóng 1,7 triệu đồng/hộ, được chia làm 3 đợt đóng/3 năm. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn