Đổi mới giáo dục là tất yếu, nhưng cần lộ trình phù hợp
Năm học 2016 - 2017, toàn ngành Giáo dục đã tập trung triển khai thực hiện 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu, 5 giải pháp cơ bản theo chỉ thị nhiệm vụ trọng tâm và đạt được kết quả đáng ghi nhận.
Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT cũng thừa nhận còn rất nhiều hạn chế, yếu kém như: quy hoạch, sắp xếp mạng lưới trường lớp học ở một số địa phương chưa phù hợp, chậm hướng dẫn triển khai; thiếu trường, lớp ở các khu đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất; tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ vẫn chưa được giải quyết.
Năng lực nghề nghiệp của một bộ phận giáo viên còn yếu, phương pháp giảng dạy chậm đổi mới; năng lực quản trị của một bộ phận cán bộ quản lý trường học còn yếu, chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới.
Chất lượng chăm sóc, giáo dục mầm non chưa đồng đều giữa các vùng miền; một bộ phận giáo viên còn hạn chế năng lực thực hành, kỹ năng tổ chức các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ; tỷ lệ giáo viên mầm non/lớp ở một số địa phương còn thấp.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại hội nghị |
Tiến độ thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông chưa đảm bảo theo lộ trình đề ra; việc thực hiện chương trình, kế hoạch giáo dục ở một số địa phương còn chưa nghiêm túc; chất lượng giáo dục vùng dân tộc thiểu số, miền núi còn thấp so với yêu cầu.
Chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển đất nước; tình trạng sinh viên tốt nghiệp ra trường chưa tìm được việc làm còn nhiều.
Các ý kiến thảo luận tại hội nghị cũng đã chỉ ra những hạn chế, yếu kém của chất lượng đào tạo, quy mô đào tạo, cơ sở vật chất và đội ngũ cán bộ giáo viên. Nhiều đại biểu cho rằng, cần quy hoạch lại mạng lưới cơ sở giáo dục để có kế hoạch đầu tư phù hợp; sớm kiểm định chất lượng của các cơ sở đào tạo; giảm bớt các đối tượng ưu tiên trong xét tuyển; việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới cần giãn ra một thời gian nữa, không nên triển khai trong năm 2018 – 2019.
Phó Chủ tịch UNBD tỉnh Đặng Quốc Vinh đề nghị lãnh đạo ngành Giáo dục Hà Tĩnh tiếp thu ý kiến để triển khai một cách linh hoạt, phù hợp với tình hình địa phương; đồng thời tập trung cao cho các hoạt động chuẩn bị năm học mới. |
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tưởng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Việc đổi mới trong ngành Giáo dục là tất yếu, nhưng đổi mới phải có lộ trình, công khai và phù hợp với tình hình đất nước.
Mọi sự đổi mới phải lấy người học làm trung tâm, phát triển toàn diện các mặt: đức – trí - thể - mỹ. Sự đổi mới này rất cần sự ủng hộ, tích cực vào cuộc của các ngành, địa phương và toàn xã hội.
Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, như: rà soát quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở GD&ĐT; nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên; đổi mới chương trình giáo dục mầm non, phổ thông; đẩy mạnh hướng nghiệp, dạy nghề, phân luồng trong giáo dục phổ thông…
Tại Hà Tĩnh, hoạt động xã hội hóa giáo dục có nhiều chuyển biến, góp phần nâng tỷ lệ trường chuẩn quốc gia lên 68%. Công tác quản lý giáo dục, hoạt động bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý được quan tâm. Chất lượng giáo dục tiếp tục được giữ vững, chất lượng mũi nhọn được nâng cao. 100% trường thực hiện chương trình giáo dục mầm non theo quan điểm lấy trẻ làm trung tâm. Các bậc tiểu học, trung học tiếp tục triển khai đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, nâng cao hiệu quả giáo dục cho học sinh về đạo đức, lối sống, kỹ năng… |
Theo Thuý Ngọc/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn