Nỗ lực xây dựng nông thôn mới Quang Thuận là xã miền núi nằm ở phía Tây nam của huyện Bạch Thông, dọc theo Quốc lộ 3B. Toàn xã có 12 thôn với 04 dân tộc chủ yếu cùng chung sống: Kinh, Tày, Dao, Nùng. Cơ cấu kinh tế chủ yếu của xã là sản xuất nông nghiệp, cây ăn quả là chủ đạo.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (Chương trình xây dựng NTM), những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Quang Thuận luôn xác định đây là chủ trương lớn và lâu dài, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân phải quyết tâm cố gắng thực hiện. Ban chấp hành Đảng bộ xã đã ra Nghị quyết chuyên đề về xây dựng NTM. Ủy ban nhân dân xã xây dựng chương trình hành động từng năm theo hướng dẫn, rà soát, điều chỉnh thường xuyên để phù hợp với điều kiện thực tế và thực hiện đảm bảo thời gian quy định. Ban quản lý các chương trình mục tiêu quốc gia xã tổ chức họp định kỳ hoặc đột xuất theo nội dung công việc; thường xuyên trao đổi, phối hợp cùng Ban phát triển các thôn để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai, thực hiện chương trình… Mặc dù, xã bắt đầu thực hiện Chương trình NTM với xuất phát điểm rất thấp: Các công trình kết cấu hạ tầng nông thôn thiếu và chưa đồng bộ; một số bộ phận nhân dân còn dè dặt, e ngại trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật mới, chuyển đổi cơ cấu cây trồng có giá trị kinh tế cao vào sản xuất; đội ngũ cán bộ xã và cán bộ thôn chưa có kinh nghiệm về triển khai chương trình nông thôn mới, vừa làm, vừa học và rút kinh nghiệm. Song được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các Sở, ban ngành của tỉnh; đặc biệt là sự chỉ đạo trực tiếp, sâu sát của Huyện ủy, UBND, Ban chỉ đạo chương trình mục tiêu Quốc gia của huyện, các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về xây dựng nông thôn mới được triển khai kịp thời đến toàn thể nhân dân trong xã, tạo ý thức và sự đồng thuận cao trong nhân dân với vai trò là chủ thể cùng với Đảng bộ, chính quyền chung tay xây dựng nông thôn mới. Mục tiêu cốt lõi của Chương trình xây dựng NTM là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân nông thôn. Chính vì vậy, những năm qua xã Quang Thuận đã thực hiện chủ trương phát triển kinh tế là nhiệm vụ trong tâm, mục tiêu là nâng cao chất lượng giữ vững ổn định lương thực; đẩy mạnh việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, lựa chọn các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, tập trung huy động các nguồn lực cho xây dựng các công trình hạ tầng nông thôn, nâng cao đời sống tinh thần vật chất cho nhân dân. Để người dân phát huy vai trò chủ thể trong xây dựng nông thôn mới, công tác tuyên truyền vận động luôn được xã Quang Thuận chú trọng. Thông qua tuyên truyền, ý thức của nhân dân được lên, người dân hiểu rõ xây dựng nông thôn mới là quyền lợi và nghĩa vụ của mình từ đó đã tích cực tham gia thực hiện thể hiện qua các việc làm cụ thể như hiến đất, đóng góp tiền, ngày công lao động thực hiện các công trình xây dựng; áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển kinh tế gia đình, kinh tế hợp tác từng bước nâng cao thu nhập; chung sức xây dựng cảnh quan, bảo vệ môi trường. 10 năm qua, nhân dân trong xã đã đóng góp tiền mặt được hơn 2,4 tỷ đồng; đóng góp ngày công lao động và hiện vật quy đổi thành tiền được trên, 1,3 tỷ đồng để xây dựng các công trình giao thông, nhà văn hóa thôn… Với sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, sự nỗ lực của toàn Đảng bộ và nhân dân địa phương, năm 2017 xã Quang Thuận đã đạt chuẩn xã nông thôn mới. Năm 2019, xã được tỉnh lựa chọn làm điểm xây dựng xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2019 - 2020. Diện mạo nông thôn mới ngày càng đổi thay Những năm qua, thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, kinh tế - xã hội của xã Quang Thuận ngày càng có nhiều đổi thay. Các chỉ tiêu kinh tế - xã hội hàng năm cơ bản đạt và vượt kế hoạch; các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao diễn ra sôi nổi; các chế độ chính sách được thực hiện tốt theo quy định; công tác khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân được quan tâm. Hệ thống chính trị cơ sở được xây dựng, củng cố, ngày càng vững mạnh. Công tác quốc phòng quân sự địa phương được thực hiện tốt; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững ổn định. Theo đồng chí Nông Văn Bình - Phó Chủ tịch UBND xã, thực hiện Chương trình xây dựng NTM, bộ mặt nông thôn xã ngày càng khởi sắc. Thay đổi rõ rệt nhất đó chính là hệ thống đường giao thông toàn xã đã được cứng hóa trên 90%; nhân dân tại các thôn, bản tích cực tu sửa đường làng, ngõ xóm sạch đẹp; cùng với sự hỗ trợ từ nguồn vốn Chương trình xây dựng NTM, nhiều tuyến đường vào các khu sản xuất được người dân xã hội hóa mở rộng để đi lại thuận lợi. Nhà văn hóa xã được đầu tư xây dựng mới với đầy đủ trang thiết bị đáp ứng được các hoạt động chung của xã; 12/12 thôn có nhà văn hóa thôn đạt tiêu chuẩn NTM phục vụ sinh hoạt cộng đồng…
Đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, người dân địa phương đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đáp ứng với nhu cầu thị trường; tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, nhất là cây ăn quả cam, quýt. Đến nay, toàn xã đã có trên 600ha cam, quýt với sản lượng hàng năm đạt từ 4.500 - 5.000 tấn, giá trị đạt trên 30 tỷ đồng. Tính đến năm 2019, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 36 triệu đồng/năm, tăng gấp 2 lần năm 2012 (năm 2012 chỉ đạt 18 triệu đồng/năm). Tỷ lệ hộ nghèo của xã chỉ còn 4,85%. Cùng với phát triển kinh tế, lĩnh vực xã hội của xã cũng có nhiều khởi sắc: Công tác giáo dục được quan tâm; các trường, lớp được đầu tư sửa chữa, mua sắm thêm các trang thiết bị phục vụ cho việc dạy và học của các trường, lớp; phong trào xã hội hóa giáo dục, công tác khuyến học, xây dựng xã hội học tập ngày càng đi vào chiều sâu. Đến nay, cả 02 trường học (Trường Mầm non, Trưởng Tiểu học và Trung học cơ sở) trên địa bàn xã đều đã đạt chuẩn quốc gia. Công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân được thực hiện tốt, xã đã đạt chuẩn quốc gia về y tế xã, tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt trên 90%. Phong trào toàn dân xây dựng đời sống văn hóa được thực hiện có hiệu quả. Đặc biệt, xã đã xây dựng được CLB văn nghệ ở thôn Nà Vài và đang manh nha hình thành CLB hát then của xã, CLB lượn của người dao thôn Nà Hin. Hằng năm, xã đều tổ chức Hội xuân vào ngày mùng 6 tháng Giêng được bà con đồng tình hưởng ứng…
Chia sẻ với chúng tôi, chị Lưu Thị Xuyến (thôn Nà Kha) vui mừng cho biết: Từ khi thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, xã Quang Thuận có nhiều đổi thay tích cực, đường xá tại các thôn bản đi lại dễ dàng hơn; đời sống người dân khấm khá, sung túc hơn. Phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao rất sôi nổi, nhất là môn bóng chuyền thu hút đông đảo người dân tham gia. Chị Xuyến cho biết thêm: Trước đây khi cuộc sống còn khó khăn, người dân đi làm “đầu tắt mặt tối” không có thời gian tham gia các hoạt động cộng đồng thì nay những buổi chiều tầm 17 - 18h, người dân các thôn đã dừng mọi công việc í ới gọi nhau ra sân bóng chuyền vừa rèn luyện sức khỏe vừa để thư giãn tinh thần sau 1 ngày làm việc căng thẳng, tăng tình đoàn kết; những ngày nông nhàn người dân còn thành lập đội tuyển và tổ chức các trận thi đấu giao lưu với các thôn, xã khác. Trước những ngày Hội xuân, Ngày đại đoàn kết toàn dân hàng năm, nhân dân các thôn đều háo hức tham gia tập văn nghệ, luyện tập bóng chuyền để những ngày hội diễn ra sôi nổi, thật sự là ngày hội vui vẻ, đoàn kết của nhân dân địa phương. Nói về những đổi thay tại quê hương, bác Đặng Tiến Liều (70 tuổi, người uy tín thôn Phiêng An) phấn khởi rằng: Trước đây, thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xã đã có sự chuyển mình nhưng phải đến khi Chương trình xây dựng NTM được triển khai thực hiện, những đổi thay của xã mới thực sự rõ rệt: Đường xá từng thôn đều được cứng hóa, đi lại dễ dàng; bà con chỉnh trang nhà cửa, vườn tược sạch đẹp; xã không còn nhà dột nát mà thay vào đó là nhiều ngôi nhà mới cao tầng khang trang… nhìn phong cảnh từng thôn đều có sự thay đổi rõ nét, sạch hơn và đẹp hơn. Lối sống của bà con cũng thay đổi, nâng cao ý thức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Lao động sản xuất đã dần thay đổi tập quán cũ, tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật để vừa nâng cao năng suất lao động lại nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi; thu nhập nâng cao, bữa cơm các gia đình không còn kham khổ như trước; các cháu nhỏ đều được đến trường… Theo bác Liều, sự thay đổi của xã không tách rời sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền xã, sự quan tâm của tỉnh, huyện. Bác chia sẻ thêm rằng, xã nông thôn mới nên cán bộ xã có nhiều tiến bộ, luôn quan tâm sát sao đến cơ sở, làm việc nhiệt tình và có trách nhiệm cao. Phiêng An là thôn được xã Quang Thuận lựa chọn làm điểm thôn NTM, có sự chuyển mình rõ rệt, nhiều người từ địa phương khác đến thôn đều chia sẻ cảm nhận thôn rất sạch và đẹp; người dân có cuộc sống khá sung túc. Là thôn định canh định cư của các hộ dân tộc Dao chuyển từ xã Phương Linh và một số xã khác của huyện Bạch Thông đến đây ổn định cuộc sống từ năm 1992, nhân dân trong thôn luôn phát huy tinh thần đoàn kết, cùng nhau vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống. Tham gia xây dựng nông thôn mới, nhân dân trong thôn đã tích cực chỉnh trang nhà cửa; tích cực phát triển sản xuất nâng cao thu nhập; đóng góp tiền và ngày công xây dựng đường trong thôn sạch, đẹp … Những đổi thay trên vùng quê nông thôn mới Quang Thuận đã khẳng định tính đúng đắn trong sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã. Hiện nay, nhân dân xã Quang Thuận đang phấn đấu sớm đạt các tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao, xây dựng quê hương Quang Thuận ngày càng giàu, đẹp…/. | ||||||
Hương Dịu/backan.gov.vn |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn