Trước hết, với tiêu chí quy hoạch (tiêu chí 1), nếu DĐĐT thành công, từ chỗ nhiều ô, thửa/hộ nằm phân tán trên nhiều cánh đồng rút xuống chỉ còn 1-2 ô, thửa/hộ sẽ giúp cho địa phương tiến hành công tác quy hoạch NTM cấp xã thuận tiện như quy hoạch đồng ruộng, quy hoạch điểm dân cư, quy hoạch mương máng, thủy lợi (tiêu chí 3), giao thông nội đồng (tiêu chí 2)... Khi có ô thửa lớn, mương máng, giao thông, thủy lợi nội đồng bảo đảm tạo điều kiện thuận lợi thực hiện cơ giới hóa trên đồng ruộng, hỗ trợ nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi giải phóng sức lao động, từ đó hỗ trợ tiêu chí nâng cao thu nhập của người nông dân (tiêu chí 10) và góp phần hỗ trợ tiêu chí chuyển dịch cơ cấu lao động trong nông nghiệp (tiêu chí 12). Đồng thời, do đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng, đã hình thành tổ dịch vụ cơ giới phục vụ sản xuất nông nghiệp trong HTX NN, cùng với việc quy hoạch lại đồng ruộng, sẽ giúp tích tụ ruộng đất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thuận lợi, hình thành các HTX chuyên canh, hỗ trợ cho hoạt động của HTX NN (tiêu chí 13). Việc hình thành HTX rau an toàn, HTX hoa cây cảnh tại xã Thụy Hương (Chương Mỹ) và việc giải thể HTX NN truyền thống hoạt động không hiệu quả, thành lập mới HTX NN theo đúng Luật HTX 2003 hoạt động có hiệu quả hơn tại xã Mai Đình (Sóc Sơn) là những minh chứng điển hình.
Trước đây, doanh nghiệp muốn đầu tư vào một địa phương nào đó phải bàn bạc với nhiều hộ, thì nay chỉ cần bàn bạc thống nhất thỏa thuận với một hoặc vài hộ là có thể có một diện tích đủ lớn để thực hiện một dự án sản xuất. Như vậy, DĐĐT còn tạo điều kiện để các doanh nghiệp thuận lợi hơn khi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.
Mặt khác, do trước đây khi triển khai đo ruộng chia cho các hộ, chủ yếu dùng phương pháp thủ công, đo bằng thước gậy, thậm chí nhiều nơi còn đo bằng đòn gánh… nên sai số là tất yếu, ngoài ra tại một số nơi có hiện tượng "cùng cánh" với nhau trong đo đất, dẫn đến tình trạng không công bằng về diện tích khi đo đất ruộng. Nay thực hiện DĐĐT, đo chia lại bằng thước dây và bằng máy bảo đảm chính xác, công bằng thực sự giữa các hộ dân, được nhân dân đồng tình, phấn khởi. Việc làm này đã hỗ trợ cho tiêu chí an ninh trật tự xã hội nông thôn (tiêu chí số 19). Ngoài ra, do lấy lại được những diện tích đất dôi dư từ bỏ đỡ bờ vùng, bờ thửa và từ sai số cũ trước đây đã giúp các địa phương có thêm quỹ đất công để hỗ trợ thực hiện quy hoạch điểm dân cư mới, quy hoạch mở mang các công trình phúc lợi địa phương mà không phải giải phóng mặt bằng. Như vậy, sẽ hỗ trợ tích cực cho triển khai thực hiện toàn bộ các tiêu chí đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn như giao thông nông thôn (tiêu chí 2), thủy lợi (tiêu chí 3), điện nông thôn (tiêu chí 4), trường học (tiêu chí 5), nhà văn hóa, sân thể thao (tiêu chí 6), chợ nông thôn (tiêu chí 7), bưu điện nông thôn (tiêu chí 8), nhà ở dân cư (tiêu chí 9), trạm y tế xã (tiêu chí 15), bãi xử lý rác thải, hệ thống cấp thoát nước (tiêu chí 17), trụ sở UBND xã (tiêu chí 18)… Đặc biệt quan trọng là từ nguồn đất dôi dư sau DĐĐT, địa phương sẽ có quỹ đất để quy hoạch các khu đấu giá QSDĐ huy động nguồn lực hỗ trợ thực hiện các tiêu chí khác trong xây dụng NTM. Xã Hợp Thanh (Mỹ Đức) là một ví dụ. Từ chỗ ruộng đất manh mún 7-8 thửa/hộ, cuối năm 2011 sau khi thực hiện DĐĐT thành công, Hợp Thanh không những giảm xuống chỉ còn 1-2 thửa/hộ mà còn dôi dư 22,9ha phục vụ quy hoạch mở mang công trình phúc lợi, đấu giá QSDĐ... tạo nguồn lực xây dựng NTM.
Rõ ràng, với những địa phương ruộng đất nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ, phân tán nếu tổ chức thành công công tác DĐĐT sẽ có tác động tích cực cho công tác xây dựng NTM.
Tính đến ngày 7-6, Hà Nội đã thực hiện DĐĐT được 36.047,89ha. Thực hiện sự chỉ đạo của UBND thành phố, Sở NN&PTNT Hà Nội đã ban hành hướng dẫn số 29/HD-SNN ngày 14-5-2012 "Quy trình thực hiện công tác dồn điền đổi thửa đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội" để các huyện, thị xã tổ chức thực hiện.
Theo HNM