Nếu tiến hành thành công DĐĐT sẽ có tác động tích cực tới hầu hết 19 tiêu chí trong xây dựng NTM. Chính vì vậy, để triển khai thắng lợi Chương trình 02-CTr/TU, Ban chỉ đạo TP Hà Nội đã xác định một trong những khâu đột phá là tập trung chỉ đạo thực hiện công tác DĐĐT diện tích đất nông nghiệp không nằm trong quy hoạch công nghiệp và quy hoạch đô thị.
Ngay sau khi UBND TP Hà Nội có Kế hoạch số 68/KH-UBND ngày 09/5/2012 và Sở NN-PTNT có Hướng dẫn số 29/HD-SNN về "Quy trình thực hiện công tác DĐĐT đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn TPHà Nội”, các huyện, thị xã đã nhanh chóng xây dựng kế hoạch và ban hành nghị quyết về công tác DĐĐT, đồng thời giao chỉ tiêu kế hoạch cụ thể để các xã căn cứ phấn đấu thực hiện. Các xã đã bám sát hướng dẫn của Sở NN-PTNT tiến hành xây dựng phương án DĐĐT trình duyệt, đồng thời rà soát nhân khẩu, hộ khẩu, diện tích đất nông nghiệp giao theo Nghị định số 64/CP, một số xã đã và đang tiến hành đo đạc, quy hoạch giao thông, thủy lợi nội đồng.
Vừa qua, tại hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình 02 của Thành ủy đến quý III và nhiệm vụ, giải pháp thực hiện trong quý IV/2012, báo cáo của Ban chỉ đạo TP và của Ban chỉ đạo các huyện, thị xã đã ghi nhận kết quả tích cực đạt được trong công tác DĐĐT tại các địa phương.
Một số địa phương đã thực hiện thành công như xã Tân Hưng, xã Minh Trí (huyện Sóc Sơn); xã Liên Mạc (huyện Mê Linh); xã Hợp Thanh (huyện Mỹ Đức); xã Đại Thắng (huyện Phú Xuyên)... và các xã này đang là mô hình điểm cho các địa phương khác đến học tập kinh nghiệm. Một số huyện đã thể hiện sự quyết tâm bằng việc đăng ký tăng thêm diện tích thực hiện trong 2012 như Chương Mỹ, Mê Linh, Phú Xuyên, Thường Tín, Đông Anh,…
Dồn điền đổi thửa để cơ giới hóa đồng bộ
Tại các địa phương trình tự, phương pháp đã cơ bản thực hiện theo hướng dẫn của TP. Nhiều huyện, thị xã đã coi nhiệm vụ DĐĐT là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2012.
Nhận thức được tầm quan trọng của công tác DĐĐT là tiền đề, là cơ sở triển khai các nội dung tiếp theo trong xây dựng NTM, do đó công tác này đã được tập trung chỉ đạo quyết liệt từ Ban chỉ đạo TP thực hiện Chương trình 02-CTr/TU Thành ủy Hà Nội, đến các huyện, thị xã, sự hướng dẫn của các sở, ngành. Cùng với đó, chính sách hỗ trợ của TP cho phát triển nông nghiệp, xây dựng giao thông nông thôn trong đó có công tác DĐĐT ra đời kịp thời và đáp ứng yêu cầu của cơ sở, hiện đang là nguồn động lực thúc đẩy quá trình triển khai thực hiện trên địa bàn toàn TP.
Kết quả đến nay, toàn TP đã có 99/228 xã (43,4%) có phương án DĐĐT, trong đó có 35 xã đã được phê duyệt, số còn lại đang tiến hành xây dựng phương án và xin ý kiến nhân dân thống nhất phương án. Một số huyện có nhiều xã trong kế hoạch DĐĐT 2012 đã xây dựng được phương án DĐĐT như Chương Mỹ 32/32, Sóc Sơn 23/23, Ba Vì 6/6, Phú Xuyên 10/16, đặc biệt 100% số xã của huyện Sóc Sơn đã có phương án DĐĐT được phê duyệt. Đến nay có trên 30 nghìn ha đăng ký kế hoạch DĐĐT của các huyện, vượt trên 11 nghìn ha so với kế hoạch của UBND TP.
Với những kết quả tích cực trên cũng đồng nghĩa với năng lực tổ chức thực hiện các nội dung Chương trình xây dựng NTM nói chung và công tác DĐĐT nói riêng của cán bộ từ huyện đến xã đã được nâng lên rõ rệt, củng cố lòng tin của nhân dân vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tạo công bằng, dân chủ trong cộng đồng nông thôn.
Tuy nhiên, công tác DĐĐT là một việc làm rất khó, bởi nó đụng chạm tới quyền lợi của hầu hết các hộ dân, phải tiến hành một khối lượng công việc rất lớn từ xây dựng phương án, kế hoạch triển khai, đến tổ chức tuyên truyền, họp ở nhiều cấp, đo đạc, lên bản đồ, gắp thăm, chia đất, cấp hồ sơ giấy tờ... chính vì vậy cán bộ địa phương ở một số nơi ngại, không muốn làm. Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân ở một số nơi hạn chế, chưa làm cho người dân thấy được ích lợi trước mắt và lâu dài của công tác DĐĐT. Những nguyên nhân đó đã dẫn đến một số hạn chế, khó khăn trong công tác DĐĐT trong thời gian qua tại các địa phương và rất cần phải khắc phục.
Để công tác DĐĐT năm 2012 hoàn thành tốt, tạo khâu quan trọng hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa ổn định, lâu dài thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển, góp phần đưa cơ giới hóa trong nông nghiệp và tạo tiền đề để xây dựng NTM, một số nhiệm vụ và giải pháp thực hiện đến cuối năm 2012 đã được cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU xác định và quyết tâm chỉ đạo thực hiện phấn đấu đến hết năm 2012 toàn thành phố DĐĐT đạt 30.795,27 ha.
MỘT SỐ GIẢI PHÁP
- Các ngành, các cấp tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động toàn thể cán bộ, Đảng viên và nhân dân hiểu rõ và tổ chức thực hiện tốt Chương trình 02-CTr/TU nói chung và công tác DĐĐT nói riêng.
- BCĐ các huyện, thị xã tích cực giúp đỡ các xã tổ chức triển khai thực hiện theo trình tự các bước tại Hướng dẫn số 29/HD-SNN về “Quy trình thực hiện công tác DĐĐT đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội”. Đồng thời tăng cường kiểm tra đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các xã trong quá trình tổ chức thực hiện, mặt khác tổng hợp đầy đủ những vướng mắc từ cơ sở phản ánh kịp tời về BCĐ TP để thống nhất phương án giải quyết.
- UBND TP bố trí nguồn vốn khuyến khích các xã thực hiện DĐĐT xong trong năm 2012 và là tiền đề để các huyện, thị xã chỉ đạo các xã phấn hoàn hoàn thành công tác DĐĐT trên địa bàn toàn TP theo Quyết định số 16/2012/QĐ-UBND ngày 6/7/2012 về quy định thí điểm một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng hạ tầng nông thôn TP Hà Nội giai đoạn 2012 - 2016.
- Sở NN-PTNT chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện công tác DĐĐT của các địa phương.
- Sở Tài nguyên - Môi trường hướng dẫn trình tự thủ tục cấp đổi lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ sau khi địa phương thực hiện xong công tác DĐĐT.
Thu Hằng
Theo nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn