Thành công của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM là đã hoàn thành chỉ tiêu cơ bản của giai đoạn một, đồng thời chuẩn bị cho giai đoạn mới 2016-2020 với sự phát triển về chất cho vùng nông thôn được hình thành và xuất hiện những mô hình điểm về NTM ở nhiều địa phương trong cả nước... Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại, trong đó phải kể đến sự chênh lệch về kết quả thực hiện xây dựng NTM giữa các vùng miền ngày càng lớn. Tỷ lệ đạt chuẩn của vùng Đông Nam Bộ là 46,4%, đồng bằng sông Hồng là 42,8%, nhưng tại vùng miền núi phía bắc hiện mới chỉ đạt 9,1% và Tây Nguyên là 15,5%... Bên cạnh đó, cơ chế quản lý phối hợp giữa các bộ, ngành và các cấp còn nhiều điểm vướng mắc; vẫn còn biểu hiện chạy theo thành tích để sớm đạt chuẩn; tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản tại nhiều địa phương chưa có những giải pháp xử lý dứt điểm; thiếu các mô hình xử lý môi trường hiệu quả… Mới đây, tại Hội nghị toàn quốc Văn phòng điều phối NTM năm 2016 đã nêu rõ: Trong thời gian tới cần dồn lực để hoàn thành các tiêu chí, đồng thời đặt ra mục tiêu đến năm 2020, tỷ lệ xã đạt chuẩn NTM là 50%, mỗi tỉnh, thành phố có ít nhất một huyện đạt chuẩn; mỗi xã trên cả nước bình quân đạt 15 tiêu chí, không còn xã dưới năm tiêu chí; cơ bản hoàn thành các công trình thiết yếu đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất và đời sống của dân cư nông thôn như giao thông, điện, nước sinh hoạt, trường học, trạm y tế xã… Ngay trong năm 2016, dự kiến nguồn vốn huy động của cả nước cho Chương trình là 263.127 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương bố trí khoảng 7.374 tỷ đồng. Do vậy, để đạt mục tiêu, cần có giải pháp tạo động lực cho các xã đặc biệt khó khăn vươn lên, thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền; tập trung phát triển sản xuất theo chuỗi; làm tốt cơ chế phân bổ, giám sát và theo dõi các nguồn vốn thực hiện chương trình, cơ chế quản lý phối hợp giữa các bộ, ngành và các cấp ở địa phương; tăng cường năng lực về NTM ở các cấp và cải thiện môi trường nông thôn… Xây dựng NTM thực chất là thực hiện các nội dung cụ thể để công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Do đó, phải gắn xây dựng NTM với tái cơ cấu nông nghiệp và thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của địa phương; phải thật sự phát huy vai trò chủ thể của người dân để dân hiểu, dân tin, dân hưởng ứng thông qua sự bàn bạc, hiến kế, đóng góp công, của và chủ động thực hiện các nhiệm vụ của mình. Một vấn đề quan trọng là phải có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, sâu sát, quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền, sự tham gia tích cực và phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, đoàn thể. Trong đó, người đứng đầu cấp ủy và chính quyền có vai trò “đầu tàu”, đồng thời phải có cách làm phù hợp điều kiện của từng địa phương thông qua lựa chọn nội dung, nhiệm vụ ưu tiên, vận dụng sáng tạo cơ chế chính sách. Có phương thức huy động các nguồn lực phù hợp; lồng ghép sử dụng có hiệu quả sự hỗ trợ ngân sách của Nhà nước với huy động, đóng góp của người dân được thực hiện trên cơ sở tự nguyện, bàn bạc dân chủ, thống nhất không gượng ép quá sức dân, để người dân hiểu công cuộc xây dựng NTM là phục vụ chính quyền lợi của mình. Theo Dũng Minh/ nhandan.com.vn |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn