Vườn tiêu rộng 2,5 hécta của gia đình đã được chứng nhận GlobalGAP.
Ngày nay, các xã nông thôn mới đều thật sự thay áo mới với những tuyến đường nhựa khang trang về tận các ngõ thôn, ấp được hình thành từ sự đóng góp của chính người dân. Thấp thoáng sau những vườn tiêu, vườn trái cây đặc sản bạt ngàn, xanh tốt là những biệt thự khang trang, rộng rãi của những tỷ phú nông dân.
* Giàu nhờ cây đặc sản
Trong vụ thu hoạch vừa qua, Hợp tác xã nông nghiệp - dịch vụ - thương mại Bình Lộc (TX.Long Khánh) đã xuất khẩu được 2 tấn chôm chôm Java dưới dạng sấy khô qua thị trường Pháp. Ông Phùng Thanh Tâm, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp - dịch vụ - thương mại Bình Lộc, cho biết: “Lô hàng đầu tiên đạt về chất lượng và được thị trường Pháp đón nhận. Phía đối tác từ Pháp cũng đã cử đoàn về hợp tác xã lấy mẫu đất, mẫu nước về phân tích. Nếu kết quả đạt yêu cầu, năm 2016 phía đối tác sẽ hỗ trợ hợp tác xã phát triển diện tích chôm chôm Java theo chuẩn GlobalGAP để xuất khẩu lâu dài vào thị trường này. Đây là cơ hội để mở rộng thị trường xuất khẩu cho vùng đất có diện tích trồng chôm chôm lớn nhất của cả tỉnh với khoảng 1.200 hécta”. Là một trong những xã đầu tiên của Đồng Nai đạt chuẩn nông thôn mới, hiện Bình Lộc đã vươn lên là xã đạt thu nhập thuộc tốp đầu của tỉnh với mức bình quân 50 triệu đồng/người/năm, và là xã không còn hộ nghèo. Đây cũng là một trong những địa phương đi tiên phong trong thực hành sản xuất sạch với các mô hình vườn chôm chôm, sầu riêng sản xuất theo chuẩn VietGAP.
Xã Xuân Tân (TX.Long Khánh) cũng là một trong những điểm sáng trong phong trào xây dựng nông thôn mới nhờ chuyển đổi từ diện tích cây điều cho hiệu quả thấp tập trung phát triển các loại đặc sản cho lợi nhuận cao, như: sầu riêng, măng cụt... Theo ông Đặng Việt Dũng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Xuân Tân: “Từ sự chuyển đổi cây trồng đúng hướng, hiện giá trị sản phẩm thu được trên 1 hécta đất nông nghiệp của Xuân Tân đạt bình quân 115 triệu đồng, tăng gấp 2 lần so với năm 2009. Trong đó, có những hộ đạt mức thu nhập từ 350-400 triệu đồng/hécta từ cây tiêu, sầu riêng”. Song song với phát triển nông nghiệp, xã cũng tập trung phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Theo đó, thu nhập bình quân đầu người hiện đã đạt mức trên 50,3 triệu đồng/người/năm.
Một trong những điểm sáng về vươn lên làm giàu từ khó khăn trong xây dựng nông thôn mới là xã Lâm San (huyện Cẩm Mỹ). Năm 2010, thu nhập bình quân của người dân trên địa bàn xã chưa đến 11 triệu đồng/người/năm. Qua 5 năm xây dựng nông thôn mới, xã nghèo này đã vươn lên thành xã giàu với mức thu nhập bình quân đạt trên 42 triệu đồng/người/năm. Ông Nguyễn Huy Phê, Chủ tịch UBND xã Lâm San, vui vẻ thông báo: “Cùng với phong trào xây dựng nông thôn mới, xã nghèo Lâm San đã vươn lên thuộc tốp đầu của tỉnh về thu nhập. Yếu tố quyết định là địa phương đã có sự chuyển đổi đúng hướng tập trung phát triển cây tiêu cho lợi nhuận cao. Toàn xã có gần 2 ngàn hộ dân nhưng phát triển được khoảng 1.300 hécta tiêu, chỉ tính thu nhập từ cây tiêu đã có hàng chục hộ đạt nông dân tỷ phú”.
* Ứng dụng công nghệ vào sản xuất
Hiện nhiều nông dân tại Đồng Nai không phải suốt ngày quanh quẩn với mảnh vườn. Họ có thể đi chơi xa cả ngàn cây số và chỉ cần động tác bấm điện thoại là hệ thống tưới nước, bón phân được khởi động. Theo đó, dù có hàng chục hécta cây trồng nông dân cũng không lo vườn cây bị thiếu nước, thiếu phân. Tác giả của hệ thống tưới nước, bón phân tự động trên là ông Trương Đình Thống, người dân ngụ tại ấp 3, xã Bình Lộc, TX.Long Khánh. Nhờ chi phí không quá tốn kém nên mô hình này đã được các xã viên của Hợp tác xã Bình Lộc áp dụng rộng rãi và đang tiếp tục được nhân rộng đến nhiều nông dân khác.
Với mục tiêu xây dựng thương hiệu tiêu sạch Lâm San (Cẩm Mỹ), địa phương đã xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật sản xuất hồ tiêu theo tiêu chuẩn GlobalGAP với diện tích 10 hécta và hướng tới xây dựng cánh đồng mẫu lớn cho cây tiêu với diện tích trên 300 hécta. Ông Phạm Xuân Chiên, nông dân có 2,5 hécta tiêu được cấp chứng nhận GlobalGAP tại ấp 3, nhận xét: “Nhờ làm tiêu sạch, vườn tiêu của gia đình tôi phát triển bền vững. Lợi ích lớn nhất là có doanh nghiệp về tận vườn bao tiêu với giá cao hơn mặt bằng ngoài thị trường. Cụ thể, 1kg tiêu sạch bán cao hơn mặt bằng ngoài thị trường khoảng 16 ngàn đồng vì được doanh nghiệp trực tiếp thu mua không qua thương lái, cân đúng, cân đủ và cộng thêm điểm thưởng. Nhờ đó, vụ tiêu năm ngoái với sản lượng tương đương, tôi tăng thêm lợi nhuận khoảng 150 triệu đồng/hécta”.
Theo những nông dân đang ứng dụng quy trình sản xuất theo chuẩn VietGAP, GlobalGAP, ở đây chủ yếu là thay đổi tập quán sản xuất, như: ưu tiên sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc sinh học; bón phân, dùng thuốc đúng liều lượng... Chi phí sản xuất theo hướng sạch cũng chỉ tăng nhẹ so với cách làm truyền thống nhưng cây trồng phát triển tốt, hạn chế được dịch bệnh, sản phẩm đạt chất lượng cao. Ông Trần Văn Tánh, Phó giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Lâm San, cho biết: “Hiện nhiều doanh nghiệp chế biến hoặc xuất khẩu tiêu của Ấn Độ, Đức, Nhật Bản... đã tìm đến hợp tác xã đặt vấn đề bao tiêu sản phẩm. Chính hiệu quả thực tế đã thuyết phục đông đảo nông dân đầu tư theo hướng sản xuất an toàn”.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn