Hợp tác xã (HTX) Sản xuất - thương mại - dịch vụ nông nghiệp Nguyên Khang Garden đang liên kết với Ban quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) của tỉnh Bình Phước (ấp 8, xã Tân Thành, TP.Đồng Xoài, Bình Phước) là một điển hình. Sản phẩm chủ lực của Nguyên Khang Garden hiện nay là dưa lưới với diện tích hơn 40ha.
Lợi nhuận gấp 10 lần cao su
Ông Hoàng Phú Hội - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX Nguyên Khang Garden cho biết, HTX mới được thành lập, có 23 thành viên. Vốn đầu tư cho trang trại này là 120 tỷ đồng. Sản phẩm chủ lực của Nguyên Khang Garden hiện nay là dưa lưới và rau xà lách thủy canh. Các sản phẩm này hiện đã có mặt tại nhiều siêu thị của TP.HCM, như: Aeonmall, Lotte mart, Giants, Co.op mart...
Hiện, HTX đang áp dụng sản xuất nông nghiệp CNC theo mô hình của New Zeland - nước có công nghệ sản xuất nông nghiệp tiên tiến hiện nay. Mỗi năm, HTX thu 4 vụ dưa lưới với năng suất 7 tấn/vụ/ha.
Theo ông Hội, thời gian tới, HTX tập trung triển khai thực hiện dự án dây chuyền sơ chế, chế biến, đóng gói, kho lạnh bảo quản và chiếu xạ. Đặc biệt, tổ chức liên kết các HTX trồng rau sạch, an toàn, nhằm thành lập liên hiệp HTX rau CNC trên địa bàn tỉnh và hướng đến xuất khẩu các sản phẩm ra thị trường thế giới.
Thời gian qua, HTX đã chuyển giao công nghệ và kỹ thuật trồng dưa lưới trong nhà kính cho các hộ nông dân trong tỉnh và các đơn vị, doanh nghiệp tại các tỉnh như Nghệ An, Quảng Trị, Đà Nẵng...
Ông Nguyễn Văn Lối (ngồi trước) giới thiệu dưa lưới với đoàn lãnh đạo Trung ương Hội Nông dân Việt Nam.
(ảnh: Trần Đáng)
Không chỉ có HTX, nông dân miền Đông cũng quyết định “làm ăn lớn” với cây dưa lưới. Ông Nguyễn Văn Lối (xã An Bình, Phú Giáo, Bình Dương) đã đầu tư gần 1 tỷ đồng cho nông trại dưa lưới rộng hơn 8.000m2. Theo ông Lối, hiện lợi nhuận từ trồng dưa lưới cao gấp 10 lần trồng cao su.
Ông Lối còn cho biết, khu vực ông đang ở có hơn chục hộ nông dân cũng bắt đầu “làm ăn lớn” với cây dưa lưới. Có bao nhiêu dưa lưới, thương lái đến thu mua hết.
Cẩn trọng với dưa lưới
Theo các chuyên gia nông nghiệp, ước tính mỗi năm có thể trồng được 4 vụ dưa. Trong đó, mùa khô trồng từ 2.500 - 2.700 cây/1.000m2; mùa mưa trồng từ 2.200 - 2.500 cây/1.000m2. Với mật độ này, trọng lượng đạt từ 1,5 - 2kg/trái, cho năng suất hơn 3 tấn trái/1.000m2. Với giá bán hiện nay từ 30.000 - 35.000 đồng/kg, nông dân sẽ nhanh lấy lại vốn.
Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Xuân Định cho rằng, dù dưa lưới đang có lợi nhuận cao giúp nông dân phát triển kinh tế. Nhưng với việc đầu tư lớn, ít thông tin thị trường, kỹ thuật trồng còn hạn chế…, nông dân phải cẩn thận khi đầu tư. |
Để có vườn dưa lưới đạt năng suất cao, cho thu nhập ổn định, nông dân phải bỏ ra từ 300 - 500 triệu đồng, thậm chí cả tỷ đồng cho 1.000m2. Bên cạnh đó, muốn có sản phẩm dưa lưới đạt chất lượng, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, kỹ thuật trồng loại cây này phải rất tỉ mỉ.
Theo ông Phạm Quốc Liêm - Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp U&I (chuyên trồng và cung cấp dưa lưới), hiện trên thị trường có nhiều thông tin không chính xác về việc xuất khẩu dưa lưới khiến nhiều người đầu tư, dẫn đến nguy cơ trong tương lai cung sẽ vượt cầu.
Do đó, nếu không kiểm soát tốt việc mở rộng diện tích, một khi sản lượng quá nhiều, đồng thời các nhà đầu cơ bung hàng sẽ khiến giá dưa lưới trên thị trường giảm và người nông dân gánh chịu thiệt hại trước tiên.
Bên cạnh đó, do loại trái cây này mới du nhập vào Việt Nam, nên một số nông dân chưa nắm vững kỹ thuật, đặc tính của cây, nhất là chưa tham khảo những giống dưa lưới chủ yếu nhập hạt ở nước ngoài về. Mặt khác, một số hộ còn làm theo phong trào, chưa quan tâm đầu tư về con người, cơ sở hạ tầng, dẫn đến gây khó khăn cho sản xuất và mua bán. Nhiều người tiêu dùng vẫn chưa quen với khẩu vị dùng dưa lưới… nên hãy cẩn trọng trước khi đầu tư.
Lãnh đạo Công ty U&I và HTX Nguyên Khang cho biết thêm, hiện sản lượng dưa lưới của các nơi này khi tung ra thị trường đều có đơn đặt hàng trước đó.
Trong chuyến làm việc với Hội Nông dân các tỉnh miền Đông mới đây, sau khi đi thăm các trang trại trồng dưa lưới, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Xuân Định cho rằng: “Tốt nhất, nông dân nên tham gia chuỗi liên kết, HTX, sản xuất sạch, tìm đơn đặt hàng trước khi sản xuất”.
Theo Trần Đáng/danviet.vn
Xem bài viết gốc tại đây
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn