Đâu cũng thấy mới
Hình ảnh những con đường nông thôn lầy lội, trơn trượt; cầu khỉ, cầu ván gập ghềnh trước đây không còn nữa, ở hầu hết các vùng quê, những con đường bê-tông thẳng tắp, những cây cầu xi măng vững chắc dần xuất hiện.
Để có sự chuyển biến tích cực đó, công tác phát triển giao thông nông thôn luôn được các địa phương chú trọng. Đến nay, Đồng Tháp đã kiên cố hoá được 420km đường giao thông, xây dựng 223 cầu và 855 cống thuỷ lợi. Sự đầu tư xây dựng kịp thời đó đã giúp người dân đi lại dễ dàng, việc vận chuyển nông sản theo đó cũng thuận tiện hơn, trở thành dấu ấn đầu tiên về một NTM.
Ông Nguyễn Minh Đấu (xã Thanh Mỹ, huyện Tháp Mười) không giấu nổi niềm vui khi diện mạo quê hương mình ngày càng tươi đẹp hơn. Ông chia sẻ: "Quê tôi bây giờ đổi thay nhiều lắm, đường sá không còn đi lại khó khăn như trước. Nhà nào cũng tham gia đóng góp để địa phương trở thành xã NTM".
Với suy nghĩ đó, bà Trần Thị Tám (cùng xã) tỏ ra đồng tình khi chính quyền địa phương phát động phong trào XDNTM. Bà bảo, điều đáng mừng là ý thức của người dân ngày càng được nâng cao, tình trạng mất an ninh trật tự giảm đi khá nhiều. Ngoài thời gian đi làm đồng, bà còn nhận đan thảm lục bình, mỗi ngày thu nhập thêm 80.000 đồng, cũng đủ trang trải cho các sinh hoạt hàng ngày của gia đình.
Không dừng lại ở việc hoàn thiện hệ thống hạ tầng, các mô hình phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân cũng được quan tâm như sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, gắn liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Hình ảnh NTM ở Đồng Tháp còn được tô điểm thêm bằng những hàng rào xanh mướt, được trồng thống nhất cùng một loại hoa kiểng, cắt tỉa gọn gàng và những tuyến đường quê giờ đã được thắp sáng bằng đường dây điện chắc chắn. Chính những việc làm tưởng chừng như rất nhỏ đó của người dân nhưng lại có đóng góp rất lớn, góp phần làm cho diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc.
Thành công từ những cách làm sáng tạo
Không phải tất cả các địa phương khi bắt đầu XDNTM đều có xuất phát điểm giống nhau. Trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp hiện có nhiều địa phương bắt đầu triển khai chương trình từ vạch xuất phát thấp nhưng đến nay đã cố gắng vươn lên hoàn thành nhiều tiêu chí, đặc biệt là những tiêu chí khó đạt như: thu nhập, môi trường, giao thông...
Một trong số đó có thể kể đến xã Bình Thạnh (Cao Lãnh), địa phương có cách làm sáng tạo trong triển khai thực hiện XDNTM.
Ông Nguyễn Minh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Bình Thạnh cho biết: "Thời gian qua, chính quyền xã luôn chủ động triển khai thực hiện các tiêu chí, không chờ có đề án, quy hoạch mới bắt tay vào thực hiện. Để có đề án, quy hoạch thì phải mất khoảng 1 năm, trong thời gian đó nếu không triển khai thực hiện các tiêu chí thì sẽ rất phí".
Bên cạnh đó, 80% việc xây dựng đề án, quy hoạch là do xã thực hiện, đơn vị tư vấn chỉ hỗ trợ về kỹ thuật, chuyên môn.
Trong cách huy động sức dân, Bình Thạnh cũng thực hiện theo cách riêng, đó là huy động sức dân theo diện tích đất. Trên cơ sở lấy ý kiến thống nhất của người dân bằng phiếu, cứ 1.000m2 đất thì nhân dân đóng 50.000 đồng/năm trong thời gian 5 năm. Nơi nào đóng góp nhiều thì sẽ có đủ nguồn vốn để đầu tư phát triển và ngược lại. Chính việc làm đó đã tạo nên sự thi đua giữa các ấp trong xã và góp phần cùng chính quyền địa phương thực hiện tốt phong trào XDNTM. Đến nay, Bình Thạnh đã đạt 11/19 tiêu chí, phấn đấu đến cuối năm 2013 hoàn thành thêm 5 tiêu chí.
Ông Nguyễn Văn Khanh, Chủ tịch UBND xã Thanh Mỹ (huyện Tháp Mười) phấn khởi khoe: "Chính sự kiên trì trong việc vận động người dân và thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở đã giúp xã huy động được nhiều nguồn vốn trong dân, nhất là hiến đất mở rộng đường giao thông. Đối với những trường hợp đặc biệt, xã không bỏ cuộc mà cử cán bộ có uy tín, được người dân tin tưởng đến thuyết phục. Nhờ đó, trong 2 năm qua, đã có trên 31 tỷ đồng do cộng đồng dân cư tự nguyện đóng góp để đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng của địa phương.
Để hoàn thành tiêu chí thu nhập, Thanh Mỹ xác định phát triển nông nghiệp là chính, thực hiện cải tạo vườn tạp để trồng các loại cây ăn trái có hiệu quả kinh tế cao. Bên cạnh đó, xã còn phát triển các nghề như đan thảm lục bình, đan dây cói, kết hạt cườm để người dân có việc làm thường xuyên, tăng thu nhập. Từ công việc đan, lát trong thời gian nhàn rỗi, người dân có thu nhập từ 80.000 - 100.000 đồng/người/ngày, nâng thu nhập bình quân của xã lên mức 29 triệu đồng/người/năm.
Có thể nói, bên cạnh quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền địa phương thì sự đồng thuận của người dân sẽ quyết định đến thành công của phong trào XDNTM, đúng như lời Bác Hồ từng dạy: "Dễ ngàn lần không dân cũng chịu/Khó vạn lần dân liệu cũng xong".
Nguyệt Ánh
Nguồn:kinhtenongthon.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn