Ngay từ những năm đầu của thập niên 90, thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy, các ban, ngành, đoàn thể các cấp trong tỉnh đã tích cực xây dựng kế hoạch phối hợp tổ chức thực hiện các mục tiêu phát triển giao thông nông thôn, xem đây là một trong những mũi đột phá thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh… Về phía Mặt trận và các tổ chức đoàn thể, đã phối hợp tổ chức vận động đạt nhiều kết quả, nhất là phong trào “Xóa cầu khỉ - giảm cầu vĩ - tăng cầu ván” của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Tỉnh, trong quá trình triển khai vận động thực hiện, khẩu hiệu trên được đồng chí Giám đốc Sở Giao thông – Vận tải bổ sung thêm tiêu chí mới là “Xóa cầu khỉ - giảm cầu vĩ – tăng cầu ván – ráng cầu xây”, giai đoạn từ năm 1995 đến 2009, đã xây dựng mới 5.972 và sửa chữa 5.415 chiếc cầu, trị giá trên 360 tỷ đồng và trên 110.210 ngày công lao động.… Từ đó cho thấy sự quyết tâm của Đảng bộ và nhân dân Đồng Tháp trong việc phát triển hạ tầng giao thông nông thôn và kết quả ở những năm này đường giao thông trong tỉnh được quan tâm phát triển theo hướng xã hội hóa và chủ yếu là phục vụ cho người đi và phương tiện thô sơ. Dù có sự phấn đấu rất lớn, nhưng giao thông nông thôn của thời kỳ nầy cũng chưa đáp ứng được 50% nhu cầu thông xe 2 bánh và người đi bộ. Đồng thời, mở ra cách làm mới và đúng, đó là: “Cây cầu là đầu con lộ”. Tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp lần thứ IX, chỉ tiêu phát triển giao thông nông thôn luôn được xác định là một chỉ tiêu quan trọng trong mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Nghị quyết được các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng; tăng cường phương thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, vận động nhân dân tham gia phát triển giao thông, nhất là các tuyến giao thông nông thôn liên xã, liên ấp.
Kết quả, sau nhiều năm phối hợp tổ chức vận động, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể các cấp đã tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân hiểu rõ ý nghĩa, mục đích của phong trào nên cùng nhau đóng góp công sức, tiền của, hiến đất xây dựng các công trình công cộng và cầu, đường giao thông nông thôn. Nổi bật là nhân dân thành phố Cao Lãnh hiến 40.306m2 đất làm vỉa hè; huyện Tháp Mười vận động nhân dân hiến 65.600 m2 đất, trên 67 tỷ đồng và hơn 87 ngàn ngày công lao động; huyện Cao Lãnh vận động nhân dân hiến trên 56.000 m2 đất, đóng góp trên 40 tỷ đồng và 36.000 ngày công lao động để xây dựng cầu, đường giao thông nông thôn. Cấp xã, phường, thị trấn điển hình như: Phường 6, thành phố Cao Lãnh; xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự; thị trấn Sa Rài, huyện Tân Hồng; xã Tân Hòa, huyện Lai Vung; xã Mỹ Hòa, Mỹ Đông, Trường Xuân, huyện Tháp Mười; xã Ba Sao, Bình Thạnh, huyện Cao Lãnh; Phường An Lạc, thị xã Hồng Ngự; xã Tân Khánh Đông, thị xã Sa Đéc; xã Bình Thành, Tân Huề, huyện Thanh Bình…Mặt trận và các tổ chức đoàn thể đã vận động nhân dân hiến trên 51.000 m2 đất, tiền mặt trên 1,2 tỷ đồng và hàng trăm ngàn ngày công lao động. Đáng nêu, có những cá nhân không trực tiếp hiến đất, nhưng rất tích cực trong vận động phong trào, cụ thể như: Ở huyện Lấp Vò có các ông Lê Hữu Có đóng góp trên 600 triệu đồng; ông Mai Văn Đâu (xã Định Yên) tham gia công tác từ thiện xã hội trên 10 năm và đã vận động các nguồn lực xây dựng trên 40 chiếc cầu và gần 50km đường giao thông nông thôn trong và ngoài huyện. Ngoài việc vận động nhân dân hiến đất, đóng góp tiền của, công sức ra thì đặc biệt là cách làm của xã An Hòa, huyện Tam Nông không vận động bằng tiền mặt trong dân, mà vận động diện tích gốc rạ của các hộ dân để bán cho chủ vịt đàn từ nơi khác đến, thu được mỗi năm trên 200 triệu đồng để đầu tư xây dựng trên 10 km đường.
Từ những kết quả nêu trên, đến nay, 100% mạng lưới giao thông từ tỉnh đến xã đã thông được xe hai bánh và 85% thông được xe 4 bánh kể cả hai mùa mưa, nắng là một kỳ tích do có chủ trương và cách làm đúng, được sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân.
Trần Thắng
(UBMTTQVN tỉnh Đồng Tháp)
Nguồn:bannhanong.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn