Ký ức một thời
“Long bong sóng vỗ quanh thềm/ Mấy đời thợ đấu đắp nền cho cao/ Ngõ sâu hút... một con sào/ Cưới em, đợi đến khi nào nước vơi!”. Những câu thơ ấy là “bức tranh” quê tôi ngày đó. Xưa quê tôi nghèo đến thắt ruột thắt lòng. Mùa nắng hạ cháy sém cả cánh đồng, mùa nước lớn, làng quê như những ốc đảo. “Sáu tháng đi chân, sáu tháng đi tay”, mùa mưa đến, phương tiện đi lại chủ yếu được người dân sử dụng là những chiếc thuyền nan.
“Muốn ăn cua rốc, ốc nhồi/ Đem con mà gả cho người đồng chiêm/ Anh về xẻ ván, đóng thuyền/ Thưa cùng hai họ, đôi bên mẹ, thầy...”. Một phần ba thế kỷ đã đi qua với nỗi lo của cơm áo gạo tiền, trải qua bao phù du và nghiệt ngã của cuộc đời, tôi vẫn không thể nào quên những kỷ niệm tuổi thơ. Đó là ngày chú cưới vợ vào mùa nước lũ, Nội tôi phải huy động một “tiểu đội” thuyền nan đón dâu. Thuyền qua một khúc sông Châu, rồi rập rềnh vòng qua khu đầm bạt ngàn hoa súng. Lúc đi ra cánh đồng mênh mông nước lũ, gió to, thuyền cứ chao đảo nối đuôi nhau men theo từng bờ đỗi. Sóng vỗ mạn thuyền oàm oặp, tung bọt trắng xóa làm ướt hết cả đoàn...
Cánh đồng chuyên canh rau ở xã Hưng Công, huyện Bình Lục, Hà Nam |
Một lần nữa, cũng đúng vào mùa mưa bão. Mỗi lần nghe tin bão, cả làng lại hối hả như một trận ra quân chống giặc càn. Người thì hạ những cây tre để kìm vào mái rạ, người lại vội vã thu cắt nốt đám lúa còn sót lại ngoài đồng. Anh tôi trận bão nào cũng chạy khắp xóm xin từng cây chuối, đè lên nóc nhà để giữ cho khỏi bị tốc vì gió. Có lần, bão về đột ngột quá, nhà tôi không kịp chống chọi gì. Giữa cái bão gió rít từng hồi, đè rạp cả ngọn tre, nguy cơ gió thổi bay ngôi nhà mái rạ. Không quản ngại hiểm nguy, anh tôi vác từng cây chuối nhọc nhằn leo lên mái nhà, vất vả đè từng khóm rạ. Mấy chị em tôi sợ run bần bật, cứ bám chặt vào từng chiếc cột nhà đang đung đưa theo từng hồi gió giật, mặt cắt không còn giọt máu. Trận bão đi qua là hình ảnh của một làng quê tan hoang, xơ xác, để lại cho gia đình tôi khung của một ngôi nhà mất mái trống hơ trống hoác, nền nhà nhầy nhụa như lội giữa đồng chiêm.
Quê hương ngày mới
Sau bao năm xa cách, nay lại được trở về “úp mặt vào sông quê”, điều đầu tiên tôi cảm nhận thấy là dòng Châu Giang vẫn hiền hòa như thuở trước, nhưng mọi vật đã khác xưa quá nhiều. Con đường lầy thụt xưa kia nay được bê tông hóa sạch sẽ, rộng, phẳng lỳ từ quốc lộ tới từng làng quê, ra tận đồng lúa. Và chắc chắn thế hệ các em ngày nay không phải ngồi chịu mưa lũ, không phải chứng kiến gia đình mình chống chọi với bão gió để cứu lấy mái rạ nghèo như xưa. Ngày nay, công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng như một luồng gió thổi về mảnh đất đồng chiêm. Nhất là khi “cuộc cách mạng” xây dựng nông thôn mới càng làm cho mảnh đất đồng chiêm thay da đổi thịt từng ngày.
Trở lại quê nhà trong ngày cuối năm Nhâm Thìn, người đầu tiên tôi gặp là nhà giáo Trần Hoàng Đạo ở thôn Đòng, xã Hưng Công. Là người qua tuổi “xưa nay hiếm”, ông đã chứng kiến bao thăng trầm đổi thay của mảnh đất đồng chiêm. Ngôi nhà 2 tầng khang trang nằm giữa vườn cây xanh tốt. Hoa ly, hoa cúc xen lẫn những hàng bưởi vàng ươm đua nhau khoe sắc. Người đồng chiêm thường gọi ông là “nghệ nhân cây trái” bởi ông rất giỏi trong việc chiết ghép, lai tạo cây ăn quả. Ông đã bốn lần dâng cây ăn quả quý vào vườn cây lăng Bác. Bê trái bưởi to, vàng ươm, ông chỉ tay vào con đường bê tông phẳng lỳ: “Trước kia, đường sá lầy lội, hạt thóc làm ra cũng chả biết bán cho ai. Nay ô tô của lái thương vào tận sân nhà mua nông sản”.
Bình Lục vào xuân |
Giờ đây, Bình Lục đã đổi thay khá toàn diện, từ mở đường, xây dựng các công trình phúc lợi đến việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Ông Đặng Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện hào hứng: “Bình Lục giờ khá rồi chú ạ. Đổi thay không phải trên báo cáo mà từ thực tế cuộc sống người dân”. Có thể nói, những năm gần đây Bình Lục “làm gì, được ấy”. Theo ông Bình, chìa khóa của thành công, đó là Bình Lục đã thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở. Năm qua, nhờ phát huy được sức mạnh từ lòng dân mà Bình Lục đã vươn lên đúng theo thế của... năm “Rồng”, nổi bật nhất là phong trào xây dựng nông thôn mới. Nhiều nhà máy nước sạch mọc lên dọc bờ sông Châu đã “xóa sổ” nguồn nước sinh hoạt chua phèn một thời. Bình Lục đã cơ bản xóa đường đất, đá. Thay vào đó là cả ngàn km đường GTNT đã được bê tông hóa. Gần 100 nghìn mét vuông đất, trên 110 tỷ đồng người dân đã tự nguyện hiến để làm đường. Có những cựu chiến binh còn góp cả trăm triệu đồng để những con đường mau chóng hình thành. Từ một huyện đói nghèo xưa, nay đã xóa được hộ đói, hộ nghèo còn dưới 10%.
Trời về chiều, chúng tôi rủ nhau vào thăm một người bạn cùng học ở trường báo năm xưa, giờ đang làm ở đài huyện. Mâm cơm đạm bạc sao mà ngon lạ. Cơm gạo quê thơm lựng, cá rô đồng kho với chuối xanh cháy cạnh, bát canh rau tập tàng bốc khói, một búng rau thơm, vài quả ớt vườn đỏ lịm. Bạn mang ra một chai rượu Vọc rồi giới thiệu đầy tự hào: “Đặc sản quê mình đấy. Hạ thổ ba năm dưới lòng đất trước khi “xuất xưởng”. Sản xuất không đủ để bán, bởi giờ đây không những tiêu thụ trong cả nước mà hương vị của nó còn “bay” sang tận trời Âu”. Thảo nào lúc nãy anh vừa làm cơm mời khách, vừa nghêu ngao: “Rượu Vọc cất từ nước buồn muôn thuở/ Uống một lần, trời đất ngả nghiêng say!”.
Đêm đó, cả bọn kéo nhau lượn dênh dang trên con đường quê loáng ánh đèn và rợp cây cổ thụ. Quên bẵng một cuộc đời riêng mà mỗi đứa đang có. Tràn ngập quanh nhau là tiếng cười và kỷ niệm. Sinh ra từ quê nghèo lam lũ, bao thế hệ người con đồng chiêm như chúng tôi được tôi luyện trưởng thành. Phát huy truyền thống cụ “Tam Nguyên” Nguyễn Khuyến, không ít người con đã nuôi trí học hành thành đạt, mang trí tuệ của mình cống hiến, dựng xây cho đất nước. Trong chiến tranh, hàng ngàn người con yêu dấu đã hiến dâng trọn đời cho Tổ quốc. Có người đã để lại một phần xương máu nơi chiến trường ác liệt, nay trở về lại cùng chung tay xây dựng, làm cho quê hương bừng thắm sắc hoa. Nhớ lại lời ông Bình: Bình Lục sẽ trở thành vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Nhất là cuộc vận động dồn điền đổi thửa sẽ tạo tiền đề cho Bình Lục đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng để sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa. Những vùng chuyên canh như: Sản xuất lúa lai, hoa công nghệ cao... các làng nghề truyền thống: Rũa cưa An Đổ, sừng Đô Hai, Rượu Vọc... ngày càng mở rộng. Sắp tới, hàng loạt công trình tiếp tục mọc lên sẽ thực sự đưa Bình Lục trở thành một điểm sáng giữa mảnh đất đồng chiêm!
(Trong bài có sử dụng một số câu thơ trong “Trường ca đồng chiêm” của Nguyễn Thế Vinh)
Bút ký của Thanh Hội
Nguồn baogiaothongvantai.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn