Mô hình du lịch nông nghiệp ở trang trại đồng quê Ba Vì. (T.T)
Nhằm thúc đẩy, nhân rộng mô hình, mới đây Văn phòng Điều phối NTM Trung ương phối hợp với Cơ quan Hợp tác phát triển quốc tếIsrael và Công ty TNHH ATC Việt Nam tổ chức tọa đàm “Phát triển du lịch nông nghiệp Việt Nam” để làm rõ thêm các định hướng, từng bước tạo sinh kế bền vững cho nông dân.
Nâng cao thu nhập cho người dân
Nhiều năm qua, việc chuyển đổi ngành nghề, đào tạo việc làm cho lao động nông thôn là vấn đề trăn trở nhất của các cấp chính quyền địa phương trong thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM. Làm sao nâng cao thu nhập của người nông dân là bài toán khó, nhưng không phải không có lời đáp.
Trang trại đồng quê Ba Vì (Hà Nội) là một trong những mô hình du lịch nông nghiệp thành công với các chủ đề tham quan: Lúa nước và nền văn minh lúa nước; Nông trại chăn nuôi gắn với sinh hoạt cộng đồng làng xóm; Rau hữu cơ, rau rừng tự nhiên và đa dạng sinh học... Mô hình có sự liên kết với 5 hộ sản xuất nông nghiệp truyền thống ở địa phương, giúp du khách có cơ hội trải nghiệm việc nuôi bò, trồng thảo dược, trồng rau, chè...
Du khách trải nghiệm hái búp chè tại trang trại gia đình ở Ba Vì. Ảnh: T.T
Tham gia chuỗi hợp tác phát triển du lịch này, bà Triệu Thị Hòa (thôn Yên Sơn, xã Ba Vì, huyện Ba Vì) cho biết, gia đình làm nghề thuốc nam truyền thống, với 700m2 đất trồng 172 loài thảo dược, trong đó có nhiều cây thuốc quý như: Hoa tiên, củ dòm, sâm cau, khôi tía... Từ nhiều năm nay, gia đình đã cùng với Trang trại Đồng quê Ba Vì đón tiếp rất nhiều du khách đến tham quan và mua sản phẩm. Nhờ tham gia vào mô hình này mà thu nhập trong gia đình tăng lên đáng kể, cuộc sống ổn định hơn.
Kết quả bước đầu cho thấy, các hộ tham gia mô hình du lịch nông nghiệp trên địa bàn có thêm thu nhập từ vài chục triệu đồng/năm trở lên. Mặt khác, chính từ dự án du lịch nông nghiệp đã giúp nhiều ngành nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh đang dần mai một bắt đầu khởi sắc, giúp bà con làng nghề tăng thu nhập từ việc thu hút du khách tham quan đến quảng bá, mua sản phẩm, mở rộng thị trường...
Khách du lịch hào hứng tham gia bắt cá tại Trang trại Đồng quê Ba Vì.
Cần sự vào cuộc từ nhiều phía
Theo TS. Ngô Kiều Oanh, chủ trang trại Đồng quê Ba Vì, mặc dù du lịch nông nghiệp đã triển khai thành công ở một số địa phương nhưng hiện nay vẫn chưa có kế hoạch phát triển tổng thể; chưa có văn bản hướng dẫn bài bản của các cấp, các ngành về lĩnh vực này. Mô hình du lịch nông thôn rất cần được nghiên cứu tiến hành với việc xây dựng các chính sách vĩ mô và ban hành luật định cụ thể trong việc thực hiện như một sự hỗ trợ tích cực cho phát triển bộ mặt nông thôn và tiêu thụ sản phẩm,đồng thời kích thích phát triển kinh tế trang trại trên nền liên kết sản vật nông nghiệp của các nông hộ.
Những đồi chè rộng bát ngát, xanh tươi luôn khiến du khách thích thú, mong muốn trải nghiệm. Ảnh: T.T
Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM hiện đang góp phần tăng thu nhập cho cư dân nông thôn và bảo tồn, phát huy các nét đẹp văn hóa. Du lịch nói chung và du lịch nông nghiệp nói riêng được Ban Chỉ đạo Trung ương đánh giá là một trong các giải pháp hiệu quả thực hiện mục tiêu Chương trìnhnày.
Do đó, từ năm 2013, Văn phòng Điều phối NTM Trung ương đã bắt đầu triển khai thí điểm một số mô hình liên kết trong du lịch nông nghiệp, trong đó có mô hình trang trại đồng quê ở Ba Vì và 5 hộ nông dân với kinh phí 200 triệu đồng để đầu tư cải tạo vườn tạp, tập huấn cho nông dân chuyển từ sản xuất truyền thống sang sản xuất bài bản; hỗ trợ xử lý môi trường; phát triển các chuỗi liên kết, truyền đạt kỹ năng giao tiếp với du khách...
Nhận xét hiệu quả mô hình, ông Đặng Văn Cường - Trưởng phòng Truyền thông và Hợp tác quốc tế, Văn phòng Điều phối NTM T.Ư chia sẻ: “Sau hơn 6 năm triển khai chương trình xây dựng NTM, bộ mặt khu vực nông thôn cả nước đã thay đổi theo hướng tích cực và nhanh. Tuy nhiên, vẫn còn đó những tồn tại cần khắc phục trong thời gian tới đó là kinh tế nông nghiệp còn manh mún, phát triển chuỗi giá trị còn yếu và đặc biệt, đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn".
Được biết, hiện nay Bộ NNPTNT là cơ quan thường trực được giao nhiệm vụ xây dựng đề án Chương trình Quốc gia mỗi xã một sản phẩm. Một trong những giải pháp để giúp để án được thành công đó là phát triển về du lịch,đây là một kênh lo đầu ra cho sản phẩm, giúp cho sản phẩm nông nghiệp của bà con tiếp cận được thị trường.
Ông Đặng Văn Cường: “Xây dựng NTM cần quá trình lâu dài và chắc chắn còn nhiều khó khăn, cần sự nỗ lực và phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành và sự tham gia tích cực của người dân. Những kết quả bước đầu đạt được hôm nay, chính là kinh nghiệm để Ba Vì tiếp tục phát huy tính dân chủ, đoàn kết, huy động sức mạnh tập thể từ người dân, huy động mọi nguồn lực, tạo tiền đề vững chắc để sớm về đích trong xây dựng NTM”. |
Tác giả bài viết: Trần Trang
Nguồn tin: danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn