23:22 EST Thứ hai, 20/01/2025
CHỦ ĐỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HCM CỦA VP ĐIỂU PHỐI NTM HÀ TĨNH "GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ"

Menu Hệ thống

Tư vấn chính sách
Văn bản Pháp luật
Văn bản Pháp luật
Điều hành tác nghiệp Hà Tĩnh
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
Cổng Thông tin Điện tử Hà Tĩnh
Công báo Hà Tĩnh
Báo Nông nghiệp Việt nam
Khuyến nônng Việt Nam
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh

TRANG CHỦ » Tin Tức » Tin tức nông thôn mới » Tin trong nước


Đối tác chiến lược ngành in bạt quảng cáo

in bạt hiflex - in decal pp - in decal ngoài trời - in băng rôn

Du lịch nông thôn: Hướng phát triển tiềm năng ở Lào Cai

Chủ nhật - 16/06/2019 04:19
CTTĐT - Là vùng đất lưu giữ nhiều phong tục tập quán mang đậm nét văn hóa của vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Lào Cai có nhiều thuận lợi không chỉ phát triển loại hình du lịch nông thôn mà còn mở ra hướng đi mới nhằm khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh về phát triển kinh tế du lịch ở Lào Cai.
 
Du khách thưởng ngoạn cảnh đẹp tại thung lũng hoa Việt Tú (huyện Bắc Hà)
Du lịch nông thôn mở ra triển vọng mới
Trong những năm gần đây, phát triển du lịch nông thôn đã trở thành một xu hướng mới tại Việt Nam nói chung và tỉnh Lào Cai nói riêng. Đây là một trong những giải pháp căn cơ để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, góp phần tăng thu nhập cho người dân nông thôn và đóng góp tích cực trong phong trào xây dựng nông thôn mới.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và du lịch tỉnh, để đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn, tỉnh Lào Cai đã xây dựng và triển khai thực hiện dự án Phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới tỉnh Lào Cai giai đoạn 2017-2020” thuộc đề án “Phát triển kinh tế du lịch tỉnh Lào Cai giai đoạn 2016-2020” và được triển khai thực hiện tập trung ở những vùng du lịch trọng điểm của tỉnh và những xã có lợi thế về phát triển du lịch nông thôn. Đến nay, trên địa bàn tỉnh Lào Cai có gần 300 cơ sở lưu trú nông thôn (lưu trú tại gia - homestay) với nhiều hộ kinh doanh dịch vụ lưu trú tại gia hoạt động rất tốt đạt hiệu quả kinh doanh cao từ mô hình này nhất là ở các huyện Sa Pa và Bắc Hà.
Đến với Lào Cai, du khách dễ nhận thấy nhiều loại hình du lịch mới đang phát triển mạnh tại nơi đây, đó là các mô hình du lịch nông trại, mô hình du lịch nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái, trải nghiệm làm nông dân, du lịch sinh thái ... Cùng với đó, sự liên kết giữa các doanh nghiệp lữ hành và các đơn vị cung ứng sản phẩm du lịch nông nghiệp cũng ngày càng phát triển, tạo ra nhiều tour du lịch độc đáo, hấp dẫn du khách.
Điển hình trong mô hình nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái được du khách ưa thích là mô hình phát triển trồng hoa lan gắn với du lịch sinh thái của Hợp tác xã Địa lan Tả Phìn, huyện Sa Pa; mô hình trồng hoa hồng cổ ở Sa Pa; mô hình trồng hoa hồng tại vườn hồng ở Bắc Hà; mô hình đồi chè sinh thái của công ty TNHH Linh Dương tại thành phố Lào Cai…. Du khách tới tham quan ngoài việc ngắm hoa còn được trải nghiệm việc trồng, chăm sóc, tìm hiểu về các loại cây, hoa và lưu lại những kỷ niệm ấn tượng riêng có tại nơi đây. Một số mô hình điểm đã được tỉnh Lào Cai công nhận là điểm du lịch của tỉnh, đơn cử là điểm du lịch Thung lũng hoa Việt Tú tại huyện Bắc Hà.
Bên cạnh đó, du lịch nông trại cũng và xu hướng mới phát triển tại Lào Cai những năm gần đây. Điểm độc đáo của loại hình du lịch đem đến cho du khách trải nghiệm tận hưởng các sản phầm từ mô hình nông nghiệp là được tự tay thu hái rau, củ, quả: Vườn trồng dâu tây, trồng nấm hương tại khu du lịch Sa Pa; vườn lê Tai Nung tại huyện Bát Xát; vườn mận Tam Hoa tại huyện Bắc Hà hay tham quan các trang trại nuôi cá tầm, cá hồi (cá nước lạnh) và thưởng thức các món ẩm thực ngay tại trang trại cá hồi, cá tầm ở huyện Bát Xát, Sa Pa.
Theo thống kê của Trung tâm thông tin xúc tiến du lịch tỉnh Lào Cai, sản phẩm du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh đã thu hút tới 70% du khách nước ngoài khi đến với Lào Cai. Bên cạnh việc tìm hiểu những nét văn hóa độc đáo của người dân địa phương (nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số), du khách còn được tham gia trải nghiệm cuộc sống sinh hoạt, lao động hàng ngày của người dân nơi đây. Đến với Sa Pa, du khách được trải nghiệm sản phẩm du lịch “một ngày làm nông dân” theo mùa vụ để cùng tham gia gặt lúa, cày ruộng hay tưới rau; đến với các điểm du lịch cộng đồng Bắc Hà du khách được trải nghiệm việc hái mận hay bẻ ngô khi vào mùa thu hoạch…
Theo kết quả thống kê của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh, tổng lượng du khách đến Lào Cai năm 2018 đạt trên 4,2 triệu lượt, tăng 21% so năm 2017; tổng doanh thu du lịch đạt trên 13,4 nghìn tỷ đồng, tăng 42% so năm 2017. Riêng 5 tháng đầu năm 2019, đã có gần 2,5 triệu lượt du khách đến với Lào Cai, tăng 16,5% so cùng kỳ năm trước và doanh thu đạt 9,7 nghìn tỷ đồng, tăng 58% so cùng kỳ năm trước. Cũng theo kết quả điều tra của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, thu nhập bình quân từ du lịch cộng đồng năm 2010 ở mức 20 - 30 triệu đồng/hộ/năm thì đến nay đã đạt từ 60 – 100 triệu đồng/hộ/năm, điều đó minh chứng cho hoạt động du lịch gắn với nông thôn đã đem lại nguồn lợi cho bà con dân tộc thiểu số, từng bước xóa bỏ sự phân biệt nam - nữ, góp phần tích cực trong công tác xóa đói, giảm nghèo ở địa phương.
Với giải thưởng Homestay Asean năm 2016 cho cụm các cơ sở homestay huyện Bắc Hà và giải thưởng Asean năm 2017 cho cụm homestay Tả Van Giáy 1, thôn Tả Van Giáy, xã Tả Van huyện Sa Pa đã minh chứng cho chất lượng, uy tín và khẳng định thương hiệu du lịch cộng đồng trong phát triển du lịch nông thôn ở Lào Cai.
Và hơn thế, nhiều sản phẩm du lịch đặc trưng cho nét văn hóa độc đáo vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã được cơ quan truyền thông nước ngoài đánh giá cao, đó là: Sản phẩm chợ du lịch văn hóa Bắc Hà được Tạp chí Serendib (Srilanka) giới thiệu là 1 trong 10 chợ hấp dẫn nhất Đông Nam Á; sản phẩm du lịch ruộng bậc thang Sa Pa được Tạp chí du lịch Travel and Leisure (Mỹ) đánh giá là một trong 7 ruộng bậc thanh đẹp, kỹ vĩ nhất Châu Á…

Du khách yêu thích sản phẩm thổ cẩm tại chợ phiên Bắc Hà (Lào Cai).

Tạo sự khác biệt từ thế mạnh riêng
Phát triển du lịch ở nông thôn chính là cách làm phù hợp để thúc đẩy kinh tế khu vực vùng nông nghiệp, nông thôn; góp phần gìn giữ và bảo tồn những giá trị truyền thống tốt đẹp của người dân bản địa. Bởi thế, mô hình sản xuất kinh doanh du lịch nông thôn chính là thế mạnh của Lào Cai.
Đến thăm Công ty cổ phần kinh doanh các sản phẩm bản địa Sa Pa – Sapanapro tại đội 2, thôn Tà Chải, xã Tả Phìn, huyện Sa Pa, anh Lý Láo Lở - Giám đốc công ty chia sẻ với chúng tôi: Công ty được thành lập từ năm 2007, đến nay trải qua một chặng đường dài với những vô vàn khó khăn, thử thách từ lúc khởi nghiệp đến nay công ty đã khẳng định vị thế và thương hiệu trên thị trường trong nước và quốc tế bởi những sản phẩm từ nguồn tri thức bản địa của đồng bào dân tộc Dao đỏ (xã Tả Phìn – Sa Pa) được trưng bày tại Hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao 2016 đã chắp cánh cho các sản phẩm mang thương hiệu của cộng đồng người Dao đỏ thêm vươn xa. Đến nay, công ty đã có gần 10 ha cây thuốc quý được trồng để tạo nguồn dược liệu cho các sản phẩm: tinh dầu Dao’Spa Aroma, phục hồi sức khỏe cho phụ nữ sau sinh Dao’Spa Mama, nước tắm Dao’Spa Relax, thảo dược ngâm chân – Salus Relaxo.
Với những nét hoa văn tinh tế, đặc sắc,  xen kẽ nhau bằng các màu thêu rực rỡ, rất cầu kỳ và khác biệt về họa tiết không chỉ phản ánh tính thẩm mỹ óc sáng tạo của những người phụ nữ dân tộc thiểu số ở Lào Cai, mà còn thể hiện mong muốn khát vọng của mình cầu mong bình an, hạnh phúc, ấm no đan xen giữa truyền thống và hiện đại… đã được Hợp tác xã thổ cẩm Lan Rừng tại phố Cầu Mây, thị trấn Sa Pa  với kinh nghiệm 15 năm trong nghề tạo nên những sản phẩm thổ cẩm quà lưu niệm cho du khách từ những chiếc túi xách tay, ba lô, ví, khăn, những bức tranh thổ cẩm trang trí nội thất cho gia đình, khách sạn, nhà hàng. Những sản phẩm của hợp tác xã hoàn toàn do bàn tay khéo léo của các nghệ nhân dân gian bản địa ở các xã Lao Chải, Trung Chải, Tả Phìn, Bản Hồ… ở Sa Pa làm ra. Nơi đây đã trở thành địa chỉ tin cậy cung cấp sản phẩm du lịch cho du khách trong và ngoài nước, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng.
Để du lịch nông thôn cất cánh
Thực tế cho thấy, du lịch nông thôn ở Lào Cai trong thời gian qua đã mở ra hướng phát triển mới, song vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế cần khắc phục đó là hoạt động du lịch nông thôn còn nhỏ lẻ, chưa có sự kết hợp gữa 4 “nhà” với nhau (quản lý, hoạch định chính sách, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, người dân địa phương). Sản phẩm du lịch nông thôn chưa đặc sắc, đa dạng về chủng loại; chưa thu hút được lượng khách có khả năng chi trả cao để tăng doanh thu du lịch. Cơ sở hạ tầng du lịch nhiều nơi chưa đáp ứng nhu cầu của khách du lịch. Nhiều hoạt động du lịch nông thôn còn mang tính tự phát, thiếu quy hoạch kết nối. Công tác đào tạo nguồn nhân lực nhất là đội ngũ thuyết minh viên, hướng dẫn viên và nhân viên phục vụ tại các điểm du lịch tại gia chưa được quan tâm đúng mức. Vấn đề giữ gìn, bảo tồn cảnh quan thiên nhiên và bản sắc văn hóa truyền thống... đang là những thách thức lớn trong quá trình phát triển du lịch nông thôn ở địa phương.
Theo các chuyên gia về du lịch, điều kiện thành công cho phát triển du lịch nông thôn gồm 3 yếu tố: Tôn trọng cộng đồng, bản sắc văn hóa và tính xác thực; kết hợp lợi ích kinh tế và lợi ích xã hội (bảo vệ môi trường, ngành nghề truyền thống…) và sự tham gia của cộng đồng khi ra quyết định. Vì vậy, cần xem xét yếu tố chính để phát triển du lịch nông thôn, trong đó cốt lõi là yếu tố cộng đồng và xây dựng bản sắc văn hóa truyền thống của từng dân tộc, từng địa phương. Cần lấy hiệu quả kinh tế để đánh giá và tuân thủ các quy luật của thị trường với tư cách là một ngành kinh tế, mang lại các lợi ích kinh tế, gắn với các lợi ích về xã hội và môi trường.
Do đó, để có các giải pháp và cách làm phù hợp, hiệu quả phát triển du lịch nông thôn ở Lào Cai trong thời gian tới, trước hết cần có nhận thức đúng về khái niệm du lịch nông thôn gắn với việc phát huy các giá trị cảnh quan, văn hoá của nông thôn cho hoạt động du lịch. Trong bối cảnh diện tích đất nông nghiệp ngày càng có xu hướng thu hẹp, sản xuất nông nghiệp phải cơ cấu lại; việc phát triển du lịch nông thôn không thể tách rời với phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao và khai thác các giá trị của nông nghiệp truyền thống gắn với bảo tồn, giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa bản địa và cần phải được xem là một giải pháp để xây dựng nông thôn mới. Các địa phương muốn phát triển du lịch nông thôn có chiều sâu và bền vững thì cần chủ động đánh giá tiềm năng và định hướng, quy hoạch, từ đó đầu tư phát triển sản phẩm du lịch theo hướng liên kết vùng với các tour, tuyến, điểm du lịch đặc thù, độc đáo, chú trọng quy hoạch phát triển du lịch nông thôn gắn với chính sách phát triển nông thôn mới. Bên cạnh đó, cần quan tâm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho hoạt động du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Đối với các địa phương đã có tiềm năng du lịch rõ rệt (Sa Pa, Bắc Hà) để phát triển du lịch nông thôn, phải ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất phụ trợ để thu hút được nhiều khách du lịch, kéo dài thời gian lưu trú, tăng mức chi tiêu và khả năng quay trở lại của khách du lịch. Việc thúc đẩy xây dựng cơ sở hạ tầng bảo đảm điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch phải gắn liền thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm thiểu thiệt hại do thiên tai cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tại các vùng chịu tác động rủi ro./.
https://laocai.gov.vn/ubnd-laocai/4/469/39616/365572/Tin-hoat-dong-NTM/Du-lich-nong-thon--Huong-phat-trien-tiem-nang-o-Lao-Cai.aspx
Theo Hồng Minh/laocai.gov.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Thư viện Hình ảnh



Thăm dò ý kiến

Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình NTM nên theo chỉ tiêu nào?

Số xã về đích (đạt 19/19 tiêu chí)?

Tổng số tiêu chí đạt chuẩn?

Tổng mức độ tiến bộ của tất cả các tiêu chí (theo phương pháp chấm điểm)?

Phương án khác?

Thời tiết - Tỷ giá

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 190

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 189


Hôm nayHôm nay : 53330

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 1102308

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 74149279